Giá vàng hôm nay 6/11/2023: Giá vàng bị kẹt hay đang lấy đà để bứt phá, tăng cao bền vững, chuyên gia dự báo thế nào?
Giá vàng hôm nay 6/11/2023 tăng nhưng dường như đang bị kẹt ở dưới 2.000 USD/ounce, khiến một số nhà đầu tư có thể cảm thấy hơi thất vọng. Vàng thế giới mất đà hay đang lấy đà cho một đợt tăng mới? Trong nước, giá vàng miếng SJC vừa mất ngưỡng 70 triệu đồng, đầu tư 1 tuần lỗ luôn 2 triệu đồng.
BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 6/11 và TỶ GIÁ HÔM NAY 6/11
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 6/11/2023
Giá vàng trong nước giảm mạnh trong tuần qua. Giá vàng miếng SJC giảm gần 1 triệu đồng một lượng, tương đương mức giảm 1,4%, về sát 70 triệu đồng/lượng. Người đầu tư vàng có thể lỗ 2 triệu đồng/lượng sau 1 tuần mua vào.
Mở cửa đầu tuần này, Công ty VBĐQ Sài Gòn yết giá mua bán vàng miếng SJC tại 69,05 - 70,05 triệu đồng một lượng. Giá vàng miếng tại Tập đoàn DOJI cũng giảm về 69,05 - 70,05 triệu đồng.
Trong khi đó, tuần qua, giá vàng nhẫn, giá vàng 9999 tiếp tục tăng nhẹ vào cuối tuần. Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn giao dịch tại Công ty VBĐQ Sài Gòn ở mức 58,85 - 59,85 triệu đồng/lượng; giao dịch tại Doji ở 58,9 - 59,85 triệu đồng. Giá vàng 9999, thương hiệu Rồng thăng long của Bảo tín Minh Châu giao dịch tại 59,18 - 60,13 triệu đồng/lượng.
Hiện tại, mức chênh lệch mua - bán vàng trong nước đang ở ngưỡng rất cao. Điều này có thể đẩy người mua đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư ngắn hạn.
Giá vàng thế giới kết thúc tuần qua (ngày 3/11) tại 1.993,2 USD/ounce, tăng 6,9 USD so với phiên liền trước, TG&VN ghi nhậntrong phiên cuối cùng trên sàn Kitco.
Giá vàng bị "mắc kẹt" khi thường xuyên kiểm tra rào cản tâm lý 2.000 USD mà không bao giờ "cố gắng" vượt qua nó một cách dứt khoát. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu giảm và sự lạc quan rằng lãi suất đã thực sự đạt đỉnh, sau quyết định giữ nguyễn mức lãi suất vào giữa tuần qua. Bên cạnh đó, nhu cầu trú ẩn an toàn giảm bớt khi xung đột ở Trung Đông không tiếp tục leo thang ra ngoài biên giới Israel, trong khi thị trường chứng khoán và các tài sản rủi ro khác tỏ ra hấp dẫn hơn.
Như vậy, dường như sự hỗn loạn ở Trung Đông chưa đủ động lực để khiến giá "tài sản trú ẩn" này có thể bứt phá. Một số nhà đầu tư có lẽ cảm thấy hơi thất vọng vì vàng đã không có đủ động lực để đạt được mục tiêu tăng giá một cách tuyệt đối. Tuần qua, giá vàng mới vươn tới đỉnh 2.002 USD/ounce rồi lại quay đầu, còn cách mức cao nhất mọi thời đại năm 2020 khoảng 4%.
Quy đổi theo tỉ giá USD, giá vàng thế giới đang ở mức 59,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 11 triệu đồng/lượng.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên cuối tuần qua (3/11):
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 69,65 – 70,37 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 69,60 – 70,40 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 69,65 – 70,40 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 69,70 – 70,38 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 59,08 – 60,03 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 58,65 – 59,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng sẽ được đẩy lên và tăng cao bền vững?
Khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy, các nhà đầu tư bán lẻ tiếp tục duy trì tâm lý lạc quan.
Trong 15 nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát, 9 chuyên gia (60%) dự đoán giá vàng sẽ tăng cao hơn; chỉ có 1 nhà phân tích (7%) dự đoán giá vàng giảm; 5 người còn lại (33%) giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, trong 701 phiếu được bỏ trong các cuộc thăm dò trực tuyến, 446 nhà đầu tư bán lẻ (64%) kỳ vọng giá vàng sẽ tăng; 157 người (22%) dự đoán giá sẽ thấp hơn; trong khi 98 người (14%) giữ quan điểm trung lập về triển vọng ngắn hạn.
Theo các nhà phân tích, ngưỡng 2.000 USD là một điểm kháng cự dài hạn chính đối với vàng, vì vậy thị trường sẽ phải củng cố hoặc giảm trở lại một chút để bắt đầu được đẩy lên 2.100 USD/ounce.
Hiện tại, các sự kiện kinh tế chính trị đang tạo ra một thị trường rất biến động. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi vàng đang mất đà, bởi các sự kiện địa chính trị có thể không mang lại động lực bền vững cho vàng. Vấn đề với nhu cầu trú ẩn an toàn là thị trường cần các sự kiện leo thang liên tục. Một khi căng thẳng dịu đi hoặc ít nhất là không gia tăng, nhu cầu về một nơi trú ẩn an toàn sẽ bắt đầu suy yếu.
Dự báo giá vàng tuần này, chuyên gia dự báo tích cực trong ngắn hạn. Sau một tuần tin tức quan trọng bị chi phối bởi quyết định lãi suất của Fed và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp Mỹ, tuần này sẽ là một trong những tuần ít sự kiện nhất trong năm đối với dữ liệu kinh tế. Các chuyên gia tin rằng việc áp lực từ đồng USD, trái phiếu kho bạc Mỹ và căng thẳng địa chính trị sẽ có thể giúp vàng vượt 2.000 USD một cách chắc chắn hơn.
Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, cho biết: “Tôi lạc quan về giá vàng trong tuần tới”. Có vẻ như sự phục hồi của lãi suất trái phiếu kho bạc và đồng USD đã kết thúc vào lúc này và việc chúng rút lui sẽ loại bỏ một cơn gió ngược đối với vàng. Trong khi đó, hai cuộc xung đột vẫn tiếp diễn và tác động kinh tế của lãi suất cao hơn có thể kết hợp để tạo ra đủ sự không chắc chắn”. Đó chính là lúc duy trì vai trò trú ẩn an toàn của vàng".
Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, cũng đã chuyển từ trung lập sang tăng giá đối với kim loại quý và ông tin rằng việc phá vỡ trên 2.000 USD có thể đến vào tuần này. "Mục tiêu tiếp theo của tôi là gần 2.050 USD”, chuyên gia Marc Chandler dự báo.
Michael Moor, nhà sáng lập Moor Analytics, cho biết bức tranh kỹ thuật vẫn lạc quan.
Tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo giá vàng sẽ tăng 6% vào năm 2024, do sự bất ổn về địa chính trị. Bởi theo họ, không chỉ những gì đang xảy ra ở Trung Đông mới tác động đến vàng; giá kim loại quý vẫn được hỗ trợ tốt ở hiện tại vì sự bất ổn về địa chính trị nói chung vẫn tăng cao.
Các sự kiện cụ thể sẽ thu hút sự chú ý của thị trường và sau đó giảm dần, nhưng sự hỗn loạn và biến động sẽ không sớm biến mất. Sự thoái trào của quá trình toàn cầu hóa kéo dài hàng thập kỷ, xu hướng phi USD hóa toàn cầu, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và nhu cầu phát triển nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng trong nước tiếp tục gây bất ổn cho thế giới và gây ra bất ổn địa chính trị. Trong môi trường này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng giá vàng biến động theo đường xu hướng dốc lên.
Dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến sẽ đảm bảo rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất, ngay cả khi cơ quan này tiếp tục duy trì xu hướng thắt chặt. Trong khi các sự kiện địa chính trị sẽ tạo ra động lực ngắn hạn cho vàng, thì sự thay đổi cuối cùng trong chính sách tiền tệ của Fed có thể là yếu tố lớn hơn khiến giá vàng tăng cao một cách bền vững.