Giá vàng biến động liên tục, nhà đầu tư nên làm gì?

Thời gian gần đây giá vàng liên tục biến động, tăng giảm vài triệu đồng/lượng chỉ sau 1 ngày khiến nhiều nhà đầu tư không biết nên mua hay bán thời điểm này.

Giá vàng miếng trong nước mấy ngày gần đây liên tục "nhảy múa" theo giá thế giới, mỗi ngày biến động từ 1 đến gần 3 triệu đồng/lượng. Cụ thể như chiều 13/3, giá giảm tới 2,7 triệu đồng/lượng (giá bán) so với buổi sáng và mất mốc 80 triệu đồng/lượng. Nhưng ngay hôm sau (14/3), giá lại vọt tăng gần 2 triệu đồng/lượng, về lại 81,5 triệu đồng.

Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang không biết nên mua vào hay bán vàng ra thời điểm này.

Theo các chuyên gia, người dân cần cẩn trọng khi mua tích trữ vàng thời điểm giá liên tục lập kỷ lục như hiện nay. Tình hình kinh tế thế giới hiện biến động khó lường, giá vàng thất thường, lên cao nhưng cũng có thể rớt ngay.

Giá vàng biến động thất thường những ngày gần đây. (Ảnh: Minh Đức)

Ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: “Giá vàng trong nước đang quá cao so với vàng thế giới. Người dân không nên lướt sóng vàng thời điểm này vì đây là 'cơn sốt', mà sốt thì chắc chắn sẽ hạ nhiệt.

Đó là chưa kể khi giá vàng quá nóng, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có các động thái chính sách. Chẳng hạn như việc Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24 thì giá vàng chắc chắn sẽ hạ, rủi ro cho người mua".

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, với các nhà đầu tư có sẵn tiền tích lũy, thì nên chờ đợi Nghị định 24 sửa đổi. Dù vậy theo ông Hiếu không có gì bảo đảm sau khi Nghị định 24 sửa đổi thì giá vàng sẽ còn ở mức này hay không.

Ông Hiếu nhận định thị trường vàng đang trở nên hấp dẫn như hiện nay, việc mua vàng rất được kích thích và quyết định đến việc người dân đi mua vàng.

Nhà đầu tư và người dân khi đầu tư vàng cần theo dõi biến động từng giờ của thị trường vàng trên thế giới và Việt Nam, đồng thời không nên lướt sóng ở thời điểm này bởi thị trường vàng biến động khó lường.

"Giá vàng trong nước và thế giớikhoảng cách chênh lệch quá lớn, lên đến 17 triệu đồng mỗi lượng, trong khi đó giá vàng càng tăng thì chênh lệch giữa mua và bán càng xa tới 2 triệu đồng. Về lâu dài, giá vàng trong nước sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, việc đảo chiều có thể xảy ra", ông Hiếu nhấn mạnh.

Người dân đổ xô đi mua vàng chiều 13/3. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Còn theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, nếu Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng về, lượng cung nhiều, chắc chắn giá vàng SJC sẽ rớt mạnh. Trường hợp chưa cho nhập thêm, giá vàng SJC sẽ quanh mức 74 - 75 triệu đồng/lượng, khó giảm sâu hơn.

Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT đưa ra dự báo 2024 là năm không nên bán vàng. Tuy nhiên trong danh mục đầu tư, vàng không chiếm quá 15% tỷ trọng.

Theo FIDT, giá vàng nhất định còn tăng trong năm 2024. Giá vàng nhẫn có thể lên tới 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC chạm mốc 85 triệu đồng/lượng.

Thời điểm này không nên mua thêm vàng tại vùng giá này. Nếu giá vàng giảm 5 - 7%, có thể mua thêm với tỷ trọng nhỏ. Về dài hạn, vàng không phải là kênh đầu tư lâu dài. Thực tế, không ai tích lũy loại tài sản có xu hướng giảm trong dài hạn.

Lý do giá vàng "nhảy múa"

Theo các chuyên gia, việc giá vàng "nhảy múa" liên tục thời gian gần đây do giá vàng thế giới đang tăng cao.

Yếu tố quan trọng nhất là tỷ giá USD/VND đang trong đà tăng mạnh vài tuần gần đây. Trong khi giá vàng thường được tính theo giá USD, việc tỷ giá tăng cao đẩy giá vàng tăng theo.

Cùng với đó, nhu cầu đầu tư vàng để bảo toàn giá trị tài sản, đầu tư sinh lời của người dân đang thực sự tăng cao. Điều này thể hiện rõ ở việc người dân chuyển sang các sản phẩm đa dạng hơn khi không chỉ mua vàng miếng SJC (thương hiệu quốc gia), mà còn lựa chọn các sản phẩm vàng nhẫn, vàng thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín. Điều này dẫn đến giá miếng SJC và vàng nhẫn đua nhau lập kỷ lục.

Giá vàng liên tục "nhảy múa" thời gian qua. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, lãi suất huy động ngân hàng thấp, kinh doanh bất động sản còn khó khăn nên một số nhà đầu tư đổ tiền vào kinh doanh vàng. Chính tâm lý đám đông khiến giá vàng tăng cao.

Chưa kể, với tính chất phòng thủ, vàng vẫn được coi là lựa chọn an toàn cho người dân và nhà đầu tư trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông kéo dài.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, nguồn cung và cầu của vàng SJC hiện lệch nhau, trong đó, cầu nhiều nhưng cung hạn chế. Các ngân hàng mua đi bán lại các lượng vàng SJC đang có trên thị trường trong khi nhiều người đang mong muốn giữ vàng.

Lượng bán vàng ít nên giá tăng là đương nhiên”, chuyên gia này nói.

Trong bối cảnh cung cầu như vậy, thông tin việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

Châu Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gia-vang-bien-dong-lien-tuc-nha-dau-tu-nen-lam-gi-ar859201.html