Giá tiêu hôm nay 14/3/2023: Hàng vụ mới ra thị trường nhiều hơn, người trồng thất thu, cây tiêu hết hấp dẫn?

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 63.500 - 66.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 14/3/2023: Hàng vụ mới ra thị trường nhiều hơn, người trồng thất thu, cây tiêu hết hấp dẫn? (Nguồn: indigo-herbs.co.uk)

Giá tiêu hôm nay 14/3/2023: Hàng vụ mới ra thị trường nhiều hơn, người trồng thất thu, cây tiêu hết hấp dẫn? (Nguồn: indigo-herbs.co.uk)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 63.500 - 66.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 63.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (64.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (64.500 đồng/kg); Bình Phước (65.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở

ngưỡng cao nhất là 66.000 đồng/kg, giảm nhẹ 500 đồng/kg.

Ở trong nước, nhiều địa phương tiếp tục vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch năm nay. Hàng vụ mới bắt đầu ra thị trường nhiều hơn.

Theo phản ánh của truyền thông, năm nay sản lượng vụ mới hầu hết giảm tại các địa phương, trừ những vùng đầu tư chăm bón, sản xuất hữu cơ và liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, ngay cả với những vườn tiêu năng suất cao hơn năm trước, người nông dân vẫn kém vui.

Thông tin trên trang tin điện tử của UBND tỉnh Đồng Nai, theo dõi sự biến động của giá hồ tiêu, vụ thu hoạch năm 2022, giá tiêu bán ra tại vườn có mức dao động từ 82-85 ngàn đồng/kg. Nhưng năm 2023, ngay từ đầu vụ, giá hồ tiêu bán tại vườn đã giảm mạnh xuống dưới 60 ngàn đồng/kg. Hiện nay, giá hồ tiêu nhích nhẹ lên mức từ 60-61 ngàn đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Đức Ban, nông dân trồng tiêu tại xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú so sánh, năm ngoái giá tiêu bán ra tại vườn được hơn 80 ngàn đồng/kg, nông dân trồng tiêu còn có lợi nhuận. Hiện giá tiêu chỉ còn khoảng hơn 60 ngàn đồng/kg trong khi đó, chi phí phân bón, công lao động đều tăng cao nên thu không đủ bù chi, nông dân trồng tiêu lại đối mặt với vụ thu hoạch thua lỗ.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ cho biết, vụ thu hoạch năm nay, có thời điểm giá tiêu giảm xuống chỉ còn 56-57 ngàn đồng/kg. Hiện giá tiêu nhích lên ở mức khoảng 60 ngàn đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với vụ thu hoạch năm ngoái.

Với mức giá này, 1 kg tiêu bán ra, nông dân đang lỗ hơn 10 ngàn đồng/kg. Với những nông dân vụ thu hoạch năm ngoái còn trữ tiêu với kỳ vọng bán được giá tốt hơn lại càng khó khăn vì càng trữ lâu càng mất giá. Tuy giá tiêu hiện đang rất thấp nhưng nhiều nông dân buộc phải gọi thương lái bán ra để có vốn mua phân, thuốc chăm lại vườn tiêu sau vụ thu hoạch vì đã không còn nguồn xoay sở.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhìn nhận, nhìn con số xuất khẩu qua các năm, đủ để thấy rằng sản lượng hồ tiêu Việt Nam đang giảm từ từ do giá hồ tiêu trong nước không còn hấp dẫn. Giả sử nếu giá từ 90-100 triệu đồng/tấn, còn có thể kỳ vọng diện tích hồ tiêu tăng do mặt bằng giá hấp dẫn hơn so với các nông sản khác.

Nhưng khi giá hồ tiêu trở về mức hiện nay, diện tích trồng không những không tăng mà còn giảm thêm do nhà vườn tìm cách tối ưu hóa thu nhập cho gia đình bằng cách phá bỏ hồ tiêu hay trồng xen sầu riêng, chanh dây… vừa bán chạy vừa có giá.

Nhưng nếu thế thì cũng phải chấp nhận một hệ lụy là thị phần hồ tiêu trên thế giới của Việt Nam sẽ giảm dần so với mức 55% hiện nay.

Năm 2022, nhìn chung lượng tiêu nhập khẩu của Mỹ từ các nhà cung cấp chính như Brazil, Ấn Độ và Indonesia đều giảm so với năm trước, với mức giảm lần lượt là 43,3%, 29,6% và 0,9%.

Riêng nhập khẩu từ Việt Nam, nguồn cung cấp tiêu lớn nhất cho thị trường này ghi nhận tăng trưởng nhẹ 1,8% so với năm 2021 lên 64.685 tấn, đánh dấu đà tăng trưởng trong năm thứ 7 liên tiếp.

Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu tiêu của Mỹ theo đó cũng tăng lên 73,8% so với 67,5% của năm trước đó.

(tổng hợp)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-tieu-hom-nay-1432023-hang-vu-moi-ra-thi-truong-nhieu-hon-nguoi-trong-that-thu-cay-tieu-het-hap-dan-219680.html