Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: Chủ động giải ''bài toán'' nguyên liệu

Lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, cộng với giá nguyên liệu tăng cao dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian vừa qua tăng 'phi mã'. Thực tế này khiến nhiều hộ chăn nuôi đang đối mặt với tình trạng thua lỗ. Nếu không chủ động tìm lời giải cho 'bài toán' về nguồn nguyên liệu sản xuất, thì ngành chăn nuôi khó có thể phát triển bền vững.

Các ngành liên quan cần chủ động tìm lời giải cho "bài toán" về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn để giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Trong ảnh: Dây chuyền đóng gói tự động sản phẩm thức ăn chăn nuôi ở Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh Bình Dương. Ảnh: Danh Lam

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng Hoàng Mạnh Ngọc chuyên bán trứng và gia cầm giống ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) cho biết: Giá các loại cám cho gia cầm đã tăng từ 800 đồng/kg lên 1.200-1.300 đồng/kg. Với tổng đàn 2,5 vạn con gà như hiện nay và giá bán trứng chỉ 1.100 đồng/quả, giá gà giống là 10.000 đồng/1 con, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước thì trung bình mỗi tháng công ty thua lỗ hơn 10 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) thông tin: 5 tháng nay, giá thức ăn chăn nuôi đã qua 7 lần điều chỉnh, hiện tại giá các loại cám cho lợn là 1.500 đồng/kg, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến giá thịt lợn trên thị trường vẫn “đứng” ở mức cao.

Về thực tế này, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ thông tin thêm, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thời gian gần đây tăng từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số nguyên liệu chính như ngô từ 4.500 đồng/kg tăng lên 7.000 đồng/kg, đậu tương từ 9.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/ kg...; thậm chí giá một số phụ gia như lysine, axít amin tăng gấp đôi... đã kéo giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam tăng chóng mặt.

Về nguyên nhân của tình trạng nêu trên, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương nhận định: Việt Nam là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi thuộc nhóm đầu của các nước Đông Nam Á nhưng lại không chủ động được nguồn nguyên liệu nên phải phụ thuộc vào nước ngoài tới hơn 80%. Trong khi đó, dịch Covid-19 đã khiến ngành vận tải gặp khó khăn do khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, thậm chí nhiều nước đã tạm dừng hoạt động này nên gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nông dân chịu hậu quả nặng nề nhất, đặc biệt là người chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ.

Giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian vừa qua tăng “phi mã” khiến nhiều hộ chăn nuôi đang đối mặt với tình trạng thua lỗ. Ảnh: Nhật Nam

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Với diễn biến thị trường hiện nay, ngành Nông nghiệp dự báo, giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục giữ ở mức cao trong những tháng tới. Trước khó khăn này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi đã chủ động tìm mọi cách để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Hà, chủ trang trại chăn nuôi ở huyện Sóc Sơn cho biết: Trang trại đã đầu tư một máy nghiền và một máy trộn thức ăn, trung bình mỗi ngày trộn được 600kg cung cấp đủ thức ăn cho 270 con lợn. Với việc tự phối trộn cám thay vì mua thức ăn chế biến sẵn, trang trại đã tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng.

Ở góc độ của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Quang (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Quang Thắng kiến nghị, trước mắt, các cơ quan chức năng xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương); đồng thời, đẩy mạnh việc kết nối với các nước như Nga, Ukraine... nhằm mở rộng thị trường thu mua nguyên liệu.

Gỡ khó thực trạng này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi phát triển mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động, phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã; đồng thời xây dựng mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô, lúa kết hợp với công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp (TMR) để giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.

Tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu và để hạ giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng: Trước mắt, các tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi cần sử dụng tiết kiệm triệt để, hiệu quả nguồn nguyên liệu để hạ giá thành sản xuất; đồng thời tăng cường giải pháp tìm kiếm, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong nước như bã men bia, bã dứa, bã sắn, vỏ đầu tôm, đầu xương, mỡ cá tra… để thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Việc hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi ngoại nhập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ngành chăn nuôi của Việt Nam. Nếu không tìm được lời giải hiệu quả cho "bài toán" này thì những khó khăn của người chăn nuôi sẽ còn tiếp diễn...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/994152/gia-thuc-an-chan-nuoi-tang-cao-chu-dong-giai-bai-toan-nguyen-lieu