Gia tăng tai nạn đuối nước ở trẻ em miền núi, biên giới: Nguyên nhân và giải pháp cấp thiết

Thời gian gần đây, các vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở vùng miền núi, biên giới liên tục xảy ra, gây nên hậu quả thương tâm. Không chỉ là nỗi đau của từng gia đình, thực trạng này còn là hồi chuông cảnh báo về sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước của người dân vùng sâu, vùng xa. Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần nhìn nhận đầy đủ các nguyên nhân và triển khai những giải pháp cụ thể, đồng bộ.

Lớp phổ cập bơi và chống đuối nước do Đồn Biên phòng Bình Thạnh tổ chức tại ấp Tân Hòa, xã Bình Thạnh. Ảnh: Quốc Phong

Lớp phổ cập bơi và chống đuối nước do Đồn Biên phòng Bình Thạnh tổ chức tại ấp Tân Hòa, xã Bình Thạnh. Ảnh: Quốc Phong

Những vụ tai nạn thương tâm

Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành khu vực miền núi, biên giới liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước, nạn nhân đa phần là các cháu thiếu niên, học sinh khi đi tắm ao, hồ, sông, suối hoặc rủ nhau đi tắm biển rồi không may xảy ra tai nạn. Tai nạn đuối nước ở trẻ em đã và đang trở thành vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm.

Điển hình, vào khoảng 13 giờ 10 phút, ngày 20/4, hai anh em ruột là L.H (10 tuổi) và L.B (15 tuổi), ngụ tại thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước cùng một số người thân trong gia đình đi chơi tại sông Bé. Trong lúc tắm sông, thấy em L.H bị rơi xuống hố nước sâu, L.B đã nhảy xuống cứu. Sau đó, cả 2 anh em đã bị chìm xuống sông. Những người trong gia đình đã nỗ lực tìm kiếm, đồng thời báo tin cho chính quyền địa phương và lực lượng Công an xã Long Hà để hỗ trợ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn nhưng không thành. Đến khoảng 7 giờ sáng ngày 21/4, lực lượng cứu hộ đã lần lượt tìm và vớt được thi thể của 2 anh em và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Mới đây nhất, vào khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 10/5, 4 em nhỏ gồm Y Hứa Kbuôr (8 tuổi), H Thu Kbuôr (10 tuổi), Y Thâm (8 tuổi) và Y Lạc Nhi Niê (9 tuổi), cùng trú tại buôn Đrao B, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk rủ nhau ra hồ chứa nước trong buôn chơi và tắm. Đây là hồ chứa dùng để tưới cà phê, không có rào chắn hay biển cảnh báo, nằm trên khu đất trống trong buôn Đrao. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, hai cháu Y Hứa và Y Lạc Nhi chạy về báo với người nhà có người bị đuối nước. Người dân lập tức đến hồ tìm kiếm và trình báo cơ quan chức năng. Sau hơn 30 phút tìm kiếm, cháu H Thu Kbuôr được vớt lên trong tình trạng không còn dấu hiệu sinh tồn, dù được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Đến 12 giờ 35 phút, thi thể cháu Y Thâm cũng được tìm thấy dưới lòng hồ.

Vào chiều 10/5, 2 em Đ.X.T và T.Q.V, cùng sinh năm 2011 và cùng trú tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng rủ nhau ra khu vực bãi biển Nam Ô, quận Liên Chiểu để tắm. Trong lúc tắm, các em không may bị sóng cuốn ra xa. Phát hiện vụ việc, người dân lập tức hô hoán và phối hợp ứng cứu 2 nạn nhân, tuy nhiên, cả hai em đã không qua khỏi.

Đâu là nguyên nhân?

Đuối nước ở trẻ em không chỉ là nỗi ám ảnh của các vùng đồng bằng, ven biển, mà còn là hiểm họa âm thầm tại các vùng miền núi, biên giới của nước ta. Khi mùa hè đến, những con số đau lòng về tai nạn đuối nước lại gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn của trẻ em nơi đây. Vậy vì sao tình trạng đuối nước ở các vùng miền núi, biên giới có chiều hướng gia tăng đáng báo động, đặc biệt là trong độ tuổi trẻ em?

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ an toàn gần như không có. Các khu vực miền núi, biên giới thường thiếu bể bơi, thiếu người hướng dẫn bơi và gần như không có hệ thống cảnh báo, rào chắn hay biển báo nguy hiểm tại các điểm nước sâu. Ngoài ra, nhiều em nhỏ còn phải tự vượt suối, đi học qua cầu tạm, bè mảng, mà không có phương tiện bảo hộ nào.

Bên cạnh đó, sự chủ quan và thiếu giám sát của người lớn cũng là một nguyên nhân đáng lưu ý. Phụ huynh ở vùng cao thường bận rộn làm nương rẫy, ít có điều kiện trông coi con cái. Trẻ em thường rủ nhau đi chơi, tắm suối mà không có sự kiểm soát, dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Mặt khác, các em còn thiếu kỹ năng bơi lội và phòng tránh tai nạn dưới nước. Nhiều trẻ em ở miền núi chưa từng được học bơi, thậm chí không biết cách nhận biết nguy cơ khi tiếp cận sông, suối. Trong khi đó, điều kiện địa hình vùng cao lại có nhiều khe suối, ao hồ, kênh mương, đây là những nơi tiềm ẩn rủi ro cao, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Địa hình miền núi, biên giới rất hiểm trở, nhiều ao hồ, ghềnh thác, khe suối không được rào chắn, cùng với thời tiết thất thường do biến đổi khí hậu càng làm gia tăng nguy cơ tai nạn. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về phòng chống tai nạn đuối nước còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng và hiệu quả. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ, đầu tư cơ sở dạy bơi cơ bản và nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường cũng như chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống đuối nước.

Các thầy giáo quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Bình Thạnh hướng dẫn kỹ thuật bơi cho các cháu thiếu nhi. Ảnh: Quốc Phong

Các thầy giáo quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Bình Thạnh hướng dẫn kỹ thuật bơi cho các cháu thiếu nhi. Ảnh: Quốc Phong

Một nguyên nhân khác dẫn đến tai nạn đuối nước hay xảy ra đối với trẻ lớn tuổi là do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ thì do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Cho dù trẻ em không biết bơi lội hay biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn.

Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em tự cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị tử vong do đuối nước tăng lên.

Những lớp học đặc biệt

Trước tình trạng các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em miền núi và biên giới có chiều hướng gia tăng, các đồn Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các trường học trên địa bàn đóng quân tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tai nạn đuối nước và cách phòng, chống; đồng thời, tổ chức các lóp học đặc biệt nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh và trẻ em trên địa bàn. Chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước trẻ em ở khu vực miền núi, biên giới nhiều năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm hạn chế tình trạng đuối nước trẻ em, được đông đảo nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Đưa con đến học bơi do các thầy giáo quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Bình Thạnh, BĐBP Đồng Tháp đảm nhận, bà Nguyễn Thị Bé Hai, 55 tuổi, trú tại ấp Tân Hòa, xã Bình Thạnh cho biết: “Thành phố Hồng Ngự nói chung và xã Bình Thạnh nói riêng không chỉ là vùng biên giới, mà còn là vùng thượng nguồn của con sông Tiền. Do vậy, mỗi khi mùa lũ về, nước ngập trắng đồng, bao bọc quanh xóm. Tụi nhỏ đến trường khó khăn và luôn chực chờ bao hiểm nguy vì tai nạn đuối nước. Hơn 5 năm qua, cứ vào dịp mùa nước nổi hay mùa hè đến, Đồn Biên phòng Bình Thạnh lại phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp học đặc biệt để dạy bơi cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Các chú bộ đội đã dầm mình xuống sông cắm cọc, bao lưới làm thành “hồ bơi” để dạy bơi cho tụi nhỏ”.

Được biết, do lớp bơi đã có “thương hiệu”, nên khi BĐBP mở lớp, rất đông các cháu đến học, mỗi khóa cũng vài trăm cháu biết bơi sau 12-15 ngày học. Ngoài việc trực tiếp dạy bơi cho các cháu học sinh, các chiến sĩ mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Bình Thạnh còn chia sẻ kiến thức về phòng, chống đuối nước và hướng dẫn thực hành kỹ năng sơ, cấp cứu khi gặp tai nạn đuối nước. Các nội dung bao gồm: cách nhận biết nguy cơ đuối nước, biện pháp phòng tránh và quy trình sơ cứu ban đầu như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, cách sử dụng áo phao, kỹ năng cứu nạn, cứu hộ...

Tai nạn đuối nước ở trẻ em khu vực miền núi, biên giới không chỉ là câu chuyện đau lòng của gia đình nạn nhân, mà còn là vấn đề xã hội cần được quan tâm lâu dài. Để giải quyết tận gốc, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, từ chính quyền, trường học, gia đình đến từng người dân. Chỉ khi trẻ em được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và được sống trong môi trường an toàn, những giọt nước mắt xót xa, ân hận mới không còn rơi vì những tai nạn hoàn toàn có thể phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Quốc Phong

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-tang-tai-nan-duoi-nuoc-o-tre-em-mien-nui-bien-gioi-nguyen-nhan-va-giai-phap-cap-thiet-post490164.html