Giá máy bay tăng 15-20%, hàng không chỉ lãi 1 USD/khách, vì sao?

Ngành hàng không chỉ lãi khoảng 1 USD/khách, nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi phải bay vòng thì 1 USD lợi nhuận này cũng 'bốc hơi'.

Đây là thông tin được ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) chia sẻ tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?", do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 17/5, tại TPHCM.

Giá vé máy bay tăng, các hãng hàng không chỉ lãi 1 USD/khách?

Theo đại diện Vietnam Airlines, giá vé máy bay đã tăng từ 15% - 20%. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà Nhà nước quy định.

"Giá vé hiện phổ biến chỉ đạt khoảng 76% so với giá vé quy định, có chặng chỉ 43% so với quy định", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76 - 77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của Vietnam Airlines mà là chung cho các hãng hàng không.

Lấy dẫn chứng, ông Tuấn cho hay, ví dụ với xăng, so với năm 2019 mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỷ đồng và chi phí tỷ giá biến động tăng thêm 4.700 tỷ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng.

"Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của VNA cũng như tất cả các hãng hàng không", Phó tổng Giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ.

Toàn cảnh hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?", diễn ra sáng nay 17/5. Ảnh: Thanh Niên

Toàn cảnh hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?", diễn ra sáng nay 17/5. Ảnh: Thanh Niên

Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí cho các hãng.

Chẳng hạn trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200 - 300 ngày, thậm chí đến 1 - 1,5 năm. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao.

Ngoài ra, chi phí thuê máy bay hiện tại tăng gấp đôi nhưng cũng rất khó để thuê được.

Theo ông Tuấn, thực tế công suất vận hành hàng không của Việt Nam giảm đáng kể khi các hãng như Bamboo, Pacific đang phải tái cơ cấu lại hoạt động. Đối với VNA, các nhà sản xuất đang triệu hồi máy bay về để bảo trì khoảng 10% lượng máy bay đang hoạt động (12 chiếc), tình trạng tương tự với Vietjet. Điều này cho thấy năng lực vận tải của ngành hàng không trong năm nay giảm mạnh.

"Để phục vụ tốt hơn khách hàng, chúng tôi gần như hoạt động hết công suất, làm đêm làm hôm. Nhờ vậy, tỷ trọng lấp đầy rất cao và còn cao hơn so với những giai đoạn trước", ông Tuấn nói thêm.

Đặc biệt, dù rất khó khăn nhưng Vietnam Airlines đang nỗ lực tiết giảm các loại chi phí trong khoảng 10% so với hiện tại.

"Hiện tại, ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 USD/khách, nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi mà phải bay vòng một chút thì lợi nhuận 1 USD ở trên cũng bay theo", Phó tổng Giám đốc Vietnam Airlines, chia sẻ.

Có kéo giảm được giá vé máy bay?

Ông Đỗ Hồng Cẩm, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) thừa nhận, trong công tác quản lý, việc giá vé máy bay tăng do chi phí đầu vào tăng cao là điều đã được lường trước. Tuy nhiên, các hãng hàng không cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, công tác điều hành, năng lực nhân sự và năng suất lao động để tiết giảm chi phí. Làm sao đưa về mức phù hợp hơn với khả năng chi trả của đa số khách hàng.

Ngoài ra cần tiếp tục công tác dự báo và lên kế hoạch ứng phó với những biến động mới có thể xảy ra trong thời gian tới. Qua đó tăng tỷ lệ lấp đầy trên từng chuyến bay nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh.

Trước những kiến nghị của các hãng bay việc tăng slot bay, ông Cẩm cho biết, đây là vấn đề được Cục quan tâm, nghiên cứu và sẽ thực hiện trong phạm vi mức độ phù hợp theo các tiêu chuẩn và quy định an toàn của ngành hàng không.

Đối với kiến nghị giảm phí xuống 50%, Cục cũng ghi nhận và sẽ tiến hành nghiên cứu cụ thể xem khó khăn của các hãng hiện nay như thế nào, có nghiêm trọng như giai đoạn dịch Covid-19 hay không? Thời gian thực hiện việc giảm phí sẽ được thực hiện từ thời điểm nào, ngay trong năm 2024 hay thậm chí lùi về thời điểm năm 2023?

"Quy định giá trần vé máy bay là để đảm bảo quyền được duy chuyển bằng đường hàng không của đa số người dân và chống độc quyền. Thực tế có rất ít nước có trần giá vé máy bay và việc điều chỉnh như thế nào Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu và cân đối để xử lý phù hợp", Ông Cẩm cho biết.

Đại diện Cục Hàng không nhận định, vào thời điểm này thì giá vé máy bay đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, trong những dịp cao điểm nghỉ lễ sắp tới và nghỉ hè giá vé có tăng mạnh trở lại không là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay, đồng lòng hợp sức từ phía các hãng cũng như các bộ ngành và cơ quan quản lý nhà nước.

"Chúng ta cần phải ngồi lại cùng nhau để giải quyết vấn đề giá vé máy bay tăng cao trên cơ sở thấu hiểu và chia sẻ với người tiêu dùng. Ở góc độ cá nhân, qua hội thảo này bản thân tôi thấy có nhiều giải pháp, ý tưởng để có thể làm và tiếp tục làm để hạ nhiệt giá vé máy bay cũng như vì sự phát triển bền vững của ngành hàng không", ông Cẩm nhấn mạnh.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-may-bay-tang-15-20-hang-khong-chi-lai-1-usdkhach-vi-sao-post683686.html