Gia Lai vươn mình mạnh mẽ
Nếu như sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), tỉnh Gia Lai có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở vật chất, kỹ thuật thấp kém thì đến năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của tỉnh đạt 68,02 triệu đồng, kinh tế-xã hội có bước phát triển toàn diện, vững chắc.
Trong câu chuyện kể với dân làng và con cháu ở nhà rông mỗi khi làng Krông, xã Ia Mơr (Chư Prông, Gia Lai) có sự kiện chính trị, văn hóa trọng đại, già làng Ksor H'Blâm luôn nhắc nhở: "Không ai được phép quên những năm tháng chiến tranh, đói cơm, nhạt muối, giặc đốt làng, giết dân, cướp của; không ai được quên công ơn trời biển của Bác Hồ, của Đảng đã soi đường, chỉ lối cho đồng bào có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay".

Người dân huyện Đức Cơ (Gia Lai) làm việc trong Công ty 74, Binh đoàn 15 có thu nhập cao, đời sống ổn định.
Theo cách mạng khi mới 16 tuổi, được cử ra miền Bắc học và nhập ngũ vào Quân đội, rồi trở về quê hương chiến đấu, công tác, già làng Ksor H'Blâm hiểu rõ lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc Gia Lai. “Gia Lai là vùng đất mang đậm chất sử thi, giàu truyền thống cách mạng, nơi hội tụ văn hóa đặc trưng của cộng đồng 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số tại chỗ Gia Rai, Ba Na có đời sống văn hóa độc đáo, thể hiện rõ nét qua phong tục, tập quán, kiến trúc, lễ hội, âm nhạc, điêu khắc, văn học dân gian, ẩm thực, trang phục.
Gia Lai cũng là vùng đất anh dũng, trung kiên, bất khuất trong chiến đấu với những làng chiến đấu, những căn cứ du kích bất khả xâm phạm như: Stơr, Soáp Dùi, xã Gào...; lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu như Chiến thắng Đăk Pơ, Suối Vối-Rộc Dứa trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Chiến thắng Plei Me, Cheo Reo, Phú Bổn, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chiến dịch Xuân-Hè 1972 và ngày 17-3-1975, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, LLVT tỉnh Gia Lai phối hợp với bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên giải phóng tỉnh, góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước”, giọng già làng Ksor H'Blâm trầm ấm, tự hào.
Cũng từng nhập ngũ, cầm súng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, chứng kiến cảnh quê hương bị chiến tranh tàn phá nặng nề và những đổi thay kỳ diệu sau 50 năm giải phóng, già làng Rah Lan Loal ở làng Sung Le Kắt, xã Ia Kla (Đức Cơ, Gia Lai), phấn khởi bày tỏ: “Đức Cơ khi mới giải phóng được ví như một vùng đất chết do bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hạ tầng kinh tế-xã hội gần như không có gì, đồng bào phần lớn không biết chữ, đói khổ, lại bị bọn phản động FULRO và các thế lực thù địch thường xuyên chống phá. Vậy mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng, chung sức kiến thiết của các đơn vị Quân đội như: Công ty 72, Công ty 74, Công ty 75 (Binh đoàn 15) đã biến Đức Cơ thành một vùng đất trù phú, an ninh chính trị ổn định, cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc”.
Theo lãnh đạo tỉnh Gia Lai, sau ngày đất nước thống nhất, Gia Lai đã phát huy, khai thác được những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, lịch sử, văn hóa để thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác với các địa phương, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển du lịch và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Nhờ đó, từ một tỉnh sau ngày giải phóng năm 1975 có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, thì đến nay, quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh không ngừng tăng lên. Nhất là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, GRDP đã tăng bình quân 6,36%/năm; quy mô kinh tế tăng gấp 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Năm 2024, thu ngân sách đạt 6.334,7 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 68,02 triệu đồng; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch hợp lý, phản ánh sự phát triển hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực. Toàn tỉnh có 94/180 xã và 162 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 131 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Gia Lai không những xóa được đói mà tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 6,06% vào cuối năm 2024, trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 25,58% vào năm 2021 nay chỉ còn 12,66%. Gia Lai hiện có 10.534 doanh nghiệp, 475 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động, góp phần quan trọng vào sự phát triển hạ tầng, thiết bị công nghệ hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, tỉnh Gia Lai đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư và khuyến khích việc mở rộng, thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, cụm công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản và các vùng kinh tế động lực, như: Khu công nghiệp Nam Pleiku, Khu công nghiệp Trà Đa, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Đồng thời, tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông, cả đường bộ, đường không, tạo sự liên kết giữa Gia Lai với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, tạo tiền đề cho tăng trưởng 8% trở lên vào năm 2025, tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030 và bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/gia-lai-vuon-minh-manh-me-828656