Gia Lai trước nguy cơ thiệt hại nặng do hạn hán

Hạn hán ở tỉnh Gia Lai đang ngày càng gay gắt, nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng đã xảy ra ở nhiều địa phương. Song, sự chủ động ứng phó của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiệt hại cho người dân.

Người dân tỉnh Gia Lai áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước.

Ông Y A Rớp ở làng Đắc KJông (xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chỉ cho chúng tôi mực nước hồ chứa Đắc Yăng (xã Lơ Ku) những năm trước đây để so sánh với mực nước hiện tại, ai cũng biết nếu thời gian tới không có mưa thì hồ sẽ ở mực nước chết. Theo thiết kế, hồ chứa Đắc Yăng bảo đảm nước tưới cho 25ha cây trồng. Và việc thiếu nước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng của người dân. "Ngay những ngày đầu vụ đông xuân nước đã không đủ tưới rồi, thời điểm này càng khan hiếm. Nếu thời gian gần vẫn chưa có mưa, lúa của chúng tôi nguy mất", ông Y A Rớp buồn bã nói.

Anh Nguyễn Văn Trường ở thôn 3 (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cũng than thở: "Chúng tôi dự đoán phải hơn một tháng nữa may ra mới có mưa. Hiện tại, dòng suối Cát phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta cà phê trên địa bàn đang nằm trơ đáy; 3,5ha cà phê của gia đình tôi đã 3 tuần nay không có một giọt nước nào, lá bắt đầu vàng úa. Năm nay mất mùa là điều khó tránh khỏi".

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận mực nước ở sông, suối, hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang xuống thấp so với cùng thời điểm những năm trước. Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 344 công trình thủy lợi (113 hồ chứa, 189 đập dâng, 42 trạm bơm) với tổng năng lực tưới theo thiết kế là 54.944ha cây trồng các loại, gồm khoảng 31.167ha lúa, 23.777ha rau màu và cây công nghiệp. Tuy nhiên, do năm vừa qua lượng mưa giảm, cùng với tình trạng nắng nóng kéo dài đã làm cho dòng chảy thiếu hụt từ 50-80% so với trung bình hằng năm. Các công trình thủy lợi đều không đạt được công suất thiết kế; thậm chí một số hồ chứa, đập dâng, trạm bơm đang ở mực nước chết, không thể phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.

Người dân xã Chư Pơng (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) xót xa trước đồng lúa có nguy cơ mất trắng do hạn hán.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, hiện có hơn 1.061ha lúa nước vụ đông xuân của các địa phương trong tỉnh đang ở thời kỳ đẻ nhánh làm đòng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nắng hạn. Trong đó, thiệt hại từ 70% đến mất trắng là hơn 775ha; thiệt hại từ 50-70% hơn 270ha. Các huyện bị thiệt hại nặng là: Chư Sê, Đắc Đoa, Mang Yang, Chư Păh, Kbang và TP Pleiku, thị xã An Khê... Hầu hết diện tích bị thiệt hại đều nằm ngoài vùng tưới của các công trình thủy lợi nên cơ quan chức năng và người dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa nước về chống hạn. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nếu hạn hán tiếp tục kéo dài thì số thiệt hại không chỉ có lúa nước, mà cả cà phê, hồ tiêu, hoa màu sẽ tăng lên; ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp và đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đều khẳng định: Tình trạng hạn hán đã được dự báo trước nên từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với hạn hán. Ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết: Ngay từ đầu vụ đông xuân, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn, như: Hướng dẫn người dân xuống giống sớm, tích cực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; điều tiết nước tưới luân phiên phù hợp, tiết kiệm, bảo đảm phục vụ sản xuất; chuẩn bị máy bơm cơ động để chủ động ứng cứu những nơi thiếu nước; chuyển đổi giống cây trồng ngắn ngày, chịu hạn tốt, khuyến cáo người dân không canh tác ở những diện tích không chủ động được nguồn nước...

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy những giải pháp của cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Gia Lai đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, do hạn hán năm nay đến sớm và gay gắt nên khó tránh được thiệt hại. Theo các chuyên gia, những giải pháp trên chỉ có tính thời vụ, trong khi nguyên nhân của hạn hán, nguồn nước ngầm, nước đầu nguồn thiếu hụt chưa được giải quyết hiệu quả. Tình trạng diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp; các loại cây trồng, nhất là công nghiệp vượt quy hoạch; nhu cầu sử dụng nước tưới tăng; mạng lưới và công suất các công trình thủy lợi so với nhu cầu thực tiễn còn hạn chế... đều là những "tác nhân" khiến cho việc chống hạn ở Gia Lai gặp nhiều trở ngại...

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/gia-lai-truoc-nguy-co-thiet-hai-nang-do-han-han-614073