Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang cao kỷ lục: Thời cơ hiếm có, nhưng rất cẩn trọng

Ngay sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới đã tăng rất mạnh. Trong đó, gạo xuất khẩu Việt Nam đã tăng mạnh nhất kể từ 12 năm qua.

Giá gạo Việt Nam đang tăng kỷ lục

Vừa qua, một số quốc gia như Ấn Độ, UAE và Nga cấm xuất khẩu gạo đã tác động mạnh tới thị trường lương thực toàn cầu. Đây được coi là một lợi thế, cũng là thách thức đối với ngành gạo Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, bà Phạm Mai Chi, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Long An chia sẻ: Ngay sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới đã tăng rất mạnh, trong đó có gạo Việt Nam.

Giá gạo Việt Nam đang tăng kỷ lục. (Ảnh: CT)

Đặc biệt, các quốc gia nhập khẩu gạo Việt Nam truyền thống, như Philippines, Indonesia và Trung Quốc đang đẩy mạnh đàm phán để thu mua thêm gạo.

“Việc Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cấm xuất khẩu đã làm đảo lộn thị trường gạo toàn cầu. Các quốc gia nhập khẩu gạo buộc phải tìm kiếm nguồn hàng mới để tích trữ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ví dụ, với doanh nghiệp chúng tôi, Philippines là “bạn hàng” lâu năm, trong tháng 7 vừa qua đã tăng 20% lượng gạo nhập khẩu so với cùng kỳ mọi năm và đang đàm phán ký hợp đồng mới với chiều hướng tăng thêm”, và Mai Chi cho biết.

Bên cạnh đó, bà Mai Chi tiết lộ, giá các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất trong 1 thập kỷ vừa qua.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm Việt Nam đã tăng “sốc” ngay sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Cụ thể, giữa tháng 7, giá gạo xuất khẩu 5% Việt Nam ghi nhận mức 515 - 525 USD/tấn, nhưng đầu tháng 8/2023, giá gạo xuất khẩu đã tăng vọt lên mức 550 - 575 USD/tấn, mức tăng gần 10%.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, đây là mặt bằng giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây của gạo Việt Nam.

“Kết hợp 2 yếu tố giá gạo tăng và đối tác tích cực đàm phán tăng số lượng nhập khẩu đã mở ra lợi thế rất lớn cho ngành gạo Việt Nam. Đây là cơ hội rất lâu mới có”, bà Chi nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại, việc giá gạo thế giới tăng sẽ ảnh hưởng tới giá gạo trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo, xuất hàng loạt lượng gạo tích trữ sẽ đe dọa tình hình an ninh lương thực trong nước.

Ý kiến lo ngại này không phải là không có khả năng. Bởi ghi nhận thực tế cho thấy, giá gạo trong nước cũng đang rục rịch tăng trong tuần vừa qua.

Hiệp hội Lương thực cho biết, giá các mặt hàng gạo đã tăng mạnh trong tuần cuối tháng 7/2023. Theo đó, gạo 5% tấm có giá 12.500 đồng/kg, giá bình quân là 12.304 đồng/kg, tăng 754 đồng/kg so với trung tuần tháng 7.

Gạo 15% tấm cũng tăng 742 đồng/kg, lên ngưỡng 12.300 đồng/kg, giá bình quân là 12.050 đồng/kg. Gạo 25% tấm cũng tăng 692 đồng/kg, lên 12.100 đồng/kg;...

Trong 2 ngày qua, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những chỉ đạo khác nhau về việc xuất khẩu gạo.

Thời cơ hiếm có, nhưng cần cẩn trọng

Trong đó, Bộ Công Thương tỏ ra khá dè chừng việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo, vì những lo ngại trong vấn đề an ninh lương thực.

Thời điểm này chính là thời cơ cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. (Ảnh: NN)

Trong một công văn mới đây gửi Hiệp hội Lương thực, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.

Trong khi đó, chiều 1/8, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ở thời điểm này chính là thời cơ cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam, nếu không chớp thời cơ, chúng ta sẽ bị lỡ.

“Hôm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo nhằm tranh thủ cơ hội trong bối cảnh hiện nay của sản xuất lúa gạo thế giới”, ông Nguyễn Như Cường nói.

Cũng theo ông Cường, nguồn cung gạo của Việt Nam sẽ không chịu tác động, tuy nhiên, sẽ có vấn đề về tâm lý và giá cả sẽ có sự gia tăng nhất định.

Ngành gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, tuy nhiên dù cơ hội có tốt đến đâu, mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta vẫn là đảm bảo an ninh lương thực. Do vậy, tùy theo tình hình thị trường, thời điểm, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ có sự điều tiết linh hoạt giữa tiêu thụ trong nước – dự trữ - xuất khẩu.

“Chúng ta có thể xuất khẩu nhiều hơn năm ngoái, còn mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể”, ông Nguyễn Như Cường nói.

Năm 2023 diện tích gieo trồng lúa của nước ta vào khoảng 7,1 triệu ha, năng suất trung bình ước đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn lúa, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022.

"Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã đi kiểm tra tại các vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và khu vực miền Nam, cho thấy sinh trưởng và phát triển cây lúa rất tốt, nếu không có những điều kiện thời tiết hay vấn đề dịch bệnh bất thường thì vụ Hè Thu sẽ là vụ mùa cho năng suất kỷ lục. Và mục tiêu đạt trên 43 triệu tấn lúa là hoàn toàn đạt được", ông Nguyễn Như Cường chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, với vụ lúa gạo năm nay tương đối thuận lợi, dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay dự kiến sẽ đạt trên 7,1 triệu tấn và đảm bảo bảo được vấn đề an ninh lương thực.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-gao-xuat-khau-viet-nam-dang-cao-ky-luc-thoi-co-hiem-co-nhung-rat-can-trong-post258735.html