Gia đình trẻ chật vật bám trụ thành phố lớn

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều gia đình trẻ đang phải loay hoay bám trụ lại các thành phố lớn. Ở lại thì phải xoay xở chóng mặt, mà về quê thì không biết sẽ làm việc gì để mưu sinh.

Nếu không có cơ hội tốt ở thành phố thì trở về, lập nghiệp ở quê hương cũng là điều nên được định hướng cho bạn trẻ hiện nay. Ảnh minh họa: Internet

Nếu không có cơ hội tốt ở thành phố thì trở về, lập nghiệp ở quê hương cũng là điều nên được định hướng cho bạn trẻ hiện nay. Ảnh minh họa: Internet

Nơi người trẻ đặt hoài bão lớn

Với mong muốn tìm kiếm cơ hội để cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều lao động trẻ tập trung về các thành phố lớn để học tập và làm việc. Người trí thức thì ôm ấp hoài bão về mức lương cao, cơ hội thăng tiến, được theo đuổi đam mê công việc và cuộc sống. Lao động phổ thông mơ ước có thu nhập ổn định để có thể hỗ trợ gia đình, xây một căn nhà khang trang ở quê…

Gia đình đông anh em, cha mẹ chỉ làm nông nên Nguyễn Ngọc Nhu (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) luôn nỗ lực hết mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tốt nghiệp cấp 3, Nhu chọn thi vào ngành Kỹ thuật Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Không chỉ làm thêm trang trải cuộc sống sinh viên, Nhu còn tìm nhiều cách để trò chuyện, học tiếng Anh từ người nước ngoài.

Sau hơn 1 năm, khi đã giao tiếp thông thạo, anh nhận làm hướng dẫn viên cho nhóm nhỏ khách nước ngoài hoặc những người đi riêng lẻ muốn khám phá TP Hồ Chí Minh. “Với tôi, TP Hồ Chí Minh là nơi có nhiều cơ hội, giúp tôi phát triển bản thân”, anh Nhu chia sẻ.

Không chỉ những người trẻ từng học tập ở các thành phố lớn mới chọn lập nghiệp nơi này mà ở quê, phần lớn thanh niên không có nghề nghiệp, công việc ổn định hoặc thu nhập không tốt đều vào TP Hồ Chí Minh kiếm kế sinh nhai. Rất ít người bám trụ với việc đồng áng.

Ba anh em Nguyễn Công Huynh, Nguyễn Công Hải, Nguyễn Công Hảo (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) đều nghỉ học từ năm lớp 9 vì gia cảnh khó khăn. 17-18 tuổi, các em lao vào thành phố lớn để kiếm tiền lo viện phí cho mẹ mắc bệnh hiểm nghèo.

Ban đầu, họ xin vào làm công nhân xưởng gỗ, sau đó thì làm công ty lắp máy, làm công ty da giày. Bao nhiêu năm gắn với công xưởng, giờ Huynh đã ngoài 30, chưa lập gia đình và vẫn cùng các em lăn lộn trong thành phố với ước mơ sẽ chăm sóc mẹ đủ đầy và xây được căn nhà rộng rãi.

“Sau dịch COVID-19, công việc khó khăn nên ba anh em không còn làm việc trong xưởng mà ra ngoài chạy xe ôm công nghệ. Tôi đã sống ở TP Hồ Chí Minh cả thời tuổi trẻ, nên lúc khó khăn, tôi chuyển hướng sang làm việc khác chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ về quê”, Huynh chia sẻ.

Chông chênh đi và ở

Trong thời bão giá, nhiều người mất việc, người có việc thì bị giảm lương khiến nhiều bạn trẻ chật vật xoay xở khi bám trụ tại thành phố lớn. Dù vậy, quyết định ở lại thành phố hay về quê là điều khiến nhiều người trăn trở.

Dù lựa chọn ở lại hay về quê thì cũng cần phải cân nhắc kỹ càng để không lỡ dở, tiếc nuối hay hối hận.

Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thanh Thúy (TP Hồ Chí Minh)

Vợ chồng anh N.N.H quê xã Hòa Tân Tây, hiện ở TP Hồ Chí Minh, đang trong tình trạng khó khăn nhưng không dám về quê. Chồng thất nghiệp, vợ thu nhập giảm đi, trong khi con đang học mẫu giáo với bao nhiêu khoản phải chi khiến mâu thuẫn gia đình bị đẩy lên cao. Không dưới 5 lần người vợ đòi ly hôn vì cuộc sống quá khốn khó. Dù vậy, về quê lúc này đối với họ là con đường rất khó khăn.

“Ba mẹ hai bên đều đã già, cả đời làm nông và nuôi con ăn học nên chẳng tích lũy được gì. Họ mong mỏi chúng tôi ở lại thành phố để lập nghiệp và có thành tựu. Tôi cũng học đại học ra trường, giờ về quê đi làm công nhân ba mẹ sẽ rất buồn. Thôi thì cố gắng thêm thời gian, chịu khó buôn bán nhỏ, khi kinh tế phục hồi, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn”, anh H chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh, đi chẳng nỡ, ở chẳng xong, anh V.D.C (quê phường Hòa Vinh) buồn bã nói: “Tôi làm quản lý nhà hàng, khách sạn; dù trái với ngành đã học nhưng nếu phải về quê chắc gì tìm được việc như thế này. Nghĩ vậy nên tôi cố gắng bám trụ lại dù vẫn phải sống trong căn nhà trọ nhỏ với mức sống trung bình. Tầm tuổi của tôi, ngoài 40, bây giờ về quê thấy mông lung cùng cực, chẳng biết sẽ bắt đầu lại như thế nào mà ở lại thành phố thì tương lai cũng chẳng có. Tôi cảm giác như mình đang mắc kẹt”.

Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thanh Thúy (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ở lại thành phố hay về quê là một trong những quyết định quan trọng. Về quê thì thoải mái hơn, gần gia đình nhưng ít có cơ hội phát triển. Còn chọn ở lại thành phố phải chấp nhận áp lực. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi người nên tự đánh giá mình, hỏi xem mình muốn gì, khả năng đến đâu rồi đưa ra quyết định.

Từ bỏ chốn nhộn nhịp để về quê lập nghiệp nghĩa là phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Có thể kể đến là sự chênh lệch về thu nhập, các mối quan hệ, sự thích nghi với con người và cuộc sống mới. Sự thay đổi này cần có chuẩn bị kỹ càng; trong đó cần nhất là năng lực, kinh nghiệm, thái độ sống và sự thích nghi nhanh nhạy để tìm cơ hội việc làm giúp nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nếu không có cơ hội tốt ở thành phố thì trở về, lập nghiệp ở quê hương cũng là điều nên được định hướng cho bạn trẻ hiện nay.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/81/316750/gia-dinh-tre-chat-vat-bam-tru-thanh-pho-lon.html