Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Bởi vậy, xây dựng “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” là mục tiêu hướng đến và cũng là thông điệp ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay (28/6). Thông qua đó, nhằm lan tỏa vai trò, ý nghĩa của gia đình đối với xã hội; đồng thời, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bền vững của gia đình Việt Nam.
Gia đình là tế bào của xã hội; là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt, trao truyền qua nhiều thế hệ đã trở thành các chuẩn mực đạo đức của dân tộc, được trân trọng giữ gìn như hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau...
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, do tác động của nhiều yếu tố đã và đang khiến cho sự gắn kết gia đình trở nên lỏng lẻo, ảnh hưởng tới không khí đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc trong gia đình. Đây được coi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn ngày càng gia tăng. Vì vậy, xác định hệ giá trị chuẩn mực mới cho gia đình Việt Nam là công việc cần thiết hiện nay.
Đầu năm 2022, Bộ VH-TT&DL đã có quyết định về việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó, tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Bộ tiêu chí ra đời góp phần định hướng lối sống văn hóa, ứng xử chuẩn mực của các thành viên trong gia đình; giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống.
Gia đình ông Đỗ Quang Trung, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương có 3 thế hệ cùng chung sống. Các thành viên trong gia đình luôn hòa thuận, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Ông Trung chia sẻ: "Nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa trong gia đình, tôi thường tâm sự, răn dạy con cháu về những giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử phù hợp thuần phong mỹ tục và những nét văn hóa của gia đình Việt.
Để chung sống hòa thuận dưới một mái nhà, vợ chồng tôi luôn gương mẫu, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau và luôn là tấm gương cho các con noi theo. Còn con cháu thì hiếu thuận với ông bà, cha mẹ; anh chị em trong gia đình đoàn kết, yêu thương nhau".
Không chỉ “trong ấm” mà mọi thành viên trong gia đình ông Trung luôn có cách ứng xử “ngoài êm” khiến người dân trong thôn, xóm đều quý mến, kính trọng.
Nhằm hạn chế, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, thời gian qua, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị gia đình trong tình hình mới; triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; xây dựng các mô hình gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc, các mô hình gia đình kiểu mẫu “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”…
Các đơn vị đã lồng ghép, phối hợp thực hiện công tác gia đình với các phong trào, cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch"…
Thông qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình, tích cực giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Kết quả năm 2021, toàn tỉnh có 295.035/321.247 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 91,84% (tăng 1,64% so với năm 2020).
Để tôn vinh giá trị tốt đẹp của gia đình Việt, đề cao chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022, Sở VH-TT&DL xây dựng kế hoạch; phát động “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” vào Ngày Gia đình Việt Nam trong khung giờ từ 17-19h (thứ 3 - ngày 28/6/2022); phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức diễn đàn với chủ đề “Xây dựng gia đình bình an, hạnh phúc”; đồng thời, lan tỏa thông điệp “Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực - Con cháu thảo hiền”, “Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình”…
Thiết nghĩ, xây dựng “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” không chỉ cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình… Có như vậy, 4 tiêu chí “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ” mới hiện hữu trong mỗi gia đình và lan tỏa ra cộng đồng, xã hội.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/79015/gia-dinh-binh-an---xa-hoi-hanh-phuc.html