Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc

Đây là chủ đề Ngày gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm lan tỏa vai trò và ý nghĩa của gia đình đối với xã hội. Đồng thời, đề cao những giá trị cốt lõi của gia đình là sức khỏe, hạnh phúc, tạo tiền đề cho một xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.

Gia đình là tế bào của xã hội, cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng trong giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Gia đình là nơi bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của mỗi cá nhân, là một trong những giá trị xã hội quan trọng bậc nhất của người Á Đông, trong đó có Việt Nam.

Cho dù trong giai đoạn phát triển nào của xã hội, gia đình đều có vai trò và vị trí quan trọng nhất định, ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Gia đình không chỉ là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn là nơi cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong xu thế hội nhập, Đảng và nhà nước xác định rõ những định hướng cơ bản cho gia đình Việt Nam phát triển bền vững bằng các chủ trương, chính sách. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, gia đình và cá nhân là yếu tố quyết định sự thành công của công tác gia đình. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người; là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình. An Giang tổ chức kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28/6) trên quy mô toàn tỉnh nhằm tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình. Qua đó, biểu dương những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác gia đình, đặc biệt những người làm công tác gia đình ở cộng đồng.

Các hoạt động kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28/6) tổ chức đồng hành với công tác truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình để tạo chuỗi sự kiện truyền thông trong tháng 6/2022 - Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đa dạng, như: Mít-tinh, diễu hành; tăng thời lượng, chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông của địa phương; tổ chức hội thảo, hội nghị; nói chuyện chuyên đề; các hoạt động giao lưu, hội thi; trình diễn văn nghệ, thời trang; vẽ tranh, thi thể thao gia đình; sản xuất clip ngắn tuyên truyền trên mạng xã hội gắn với chủ đề và thông điệp; lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trong sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể ở cộng đồng dân cư...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố để tham mưu UBND cùng cấp ban hành các văn bản về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và lồng ghép các nội dung truyền thông liên quan đến công tác bình đẳng giới. Triển khai đến các cấp, ngành, đoàn thể thành lập các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.

Đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng được 675 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 597 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và duy trì tốt 392 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Nhìn chung, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở huyện, thị xã, thành phố đang được duy trì, tập trung củng cố và nâng chất; tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng với số người tham dự sinh hoạt từ 25-35 người/câu lạc bộ. Bên cạnh đó, các địa chỉ tin cậy cộng đồng và đường dây nóng đã góp phần hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; tại xã, phường, thị trấn có ban hòa giải; khóm, ấp đều có tổ hòa giải làm tốt công tác hòa giải ở địa phương về hôn nhân và bạo lực gia đình…

Các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá hiệu quả của các mô hình, hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã và đang được triển khai tại địa phương để duy trì nâng cao hiệu quả hoạt động, nhân rộng các mô hình, giải pháp phù hợp ở những địa bàn, lĩnh vực còn tình trạng bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ xảy ra bạo lực trên cơ sở giới.

Với nhiều nỗ lực đã kéo giảm tình trạng bạo hành trong gia đình, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” được đẩy lùi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1-1,5%; một số phụ nữ mạnh dạn lên tiếng về những vụ bạo hành gia đình mà bản thân đã cam chịu từ lâu… Từ đó, các vụ bạo lực giảm, giúp ổn định xã hội, góp phần xây dựng gia đình văn hóa...

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/gia-dinh-binh-an-xa-hoi-hanh-phuc-a336673.html