Giá của rủi ro
Nhà đầu tư cần xem xét kỹ cách thức phân phối và thiết kế sản phẩm của bên bảo lãnh phát hành để xem bản chất rủi ro có thể đến từ đâu.
Theo báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra hôm 20/11: Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã gia tăng trong quý III/2019. Tính tới cuối tháng 9, Việt Nam có 55,1 tỷ USD trái phiếu đang lưu hành, cao hơn 3,4% so với quý trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái xét theo giá trị đồng nội tệ.
Sự gia tăng này chủ yếu là nhờ mức tăng 4% so với quý trước của thị trường trái phiếu Chính phủ - lên tới 51 tỷ USD. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tuy có giảm so với quý trước, xuống còn 5 tỷ USD nhưng vẫn tăng trưởng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
“Tình cờ” ngày 18/11 Bộ Tài chính đưa ra khuyến cáo đối với các nhà đầu tư (NĐT) khi tham gia đầu tư vào TPDN. Theo Bộ Tài chính, các NĐT không nên mua TPDN chỉ vì lãi suất cao. Thông lệ thị trường tài chính cho thấy TPDN, nhất là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các NĐT tổ chức, NĐT chuyên nghiệp, không phù hợp với NĐT cá nhân không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro. NĐT cá nhân nhỏ, lẻ nên tham gia đầu tư qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo việc đầu tư an toàn, hiệu quả...
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết: Trên thị trường quốc tế, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ được kiểm soát rất chặt. Ở nhiều thị trường còn cấm tuyệt đối phát hành trái phiếu riêng lẻ cho NĐT cá nhân vì người ta cho rằng đó là biện pháp bảo vệ các NĐT nhỏ lẻ không có nhiều hiểu biết về sản phẩm tài chính phức tạp; thứ hai là họ muốn đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường. Ở thị trường Việt Nam khi mua TPDN thì rủi ro của chúng ta chính là DN.
Do đó, NĐT cần xem xét kỹ cách thức phân phối và thiết kế sản phẩm của bên bảo lãnh phát hành để xem bản chất rủi ro có thể đến từ đâu. Thứ hai, những tài liệu chúng ta ký kết với bên phát hành: Hình thức, nội dung hợp đồng có nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm của DN đối với NĐT không?...
Ông Quỳnh (cũng là Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV) cho rằng, kinh doanh trên thị trường tài chính nói chung là kinh doanh rủi ro. Lãi suất là cái giá của rủi ro. Trên thị trường TPDN hiện có rất nhiều mức lãi suất với sự chênh lệch đáng kể, có thể lên đến 5%-7%/năm. DN càng có độ rủi ro cao thì chi phí huy động vốn và mức lãi suất DN chấp nhận trả NĐT sẽ càng cao. Vì thế, không thể so sánh mức lãi suất trái phiếu của một DN kinh doanh bất động sản vừa thành lập với trái phiếu của một ngân hàng có bề dày vài chục năm hoạt động uy tín, hiệu quả…
“Đây là lý do vì sao vừa qua lượng NĐT tham gia đăng ký mua trái phiếu tăng vốn cấp hai của BIDV cao hơn rất nhiều so với lượng phát hành…”, ông Quỳnh cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm “kinh doanh rủi ro” này thì không có công thức chung cho tất cả NĐT. Thị trường có nhiều phân khúc NĐT với mức độ chấp nhận rủi ro, trình độ khác nhau. NĐT sẽ quyết định chọn mức lãi suất TPDN mà họ chấp nhận được độ rủi ro của DN đó, tỷ lệ thuận với kỳ vọng lợi tức có thể thu về khi đầu tư.
Trái phiếu được phát hành theo hình thức riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Khi phát hành ra công chúng, DN phải thực hiện theo Luật Chứng khoán với các quy định về công bố thông tin, thủ tục cấp phép phát hành… mất thời gian hơn so với phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Do đó thời gian qua, hầu hết DN ở Việt Nam chọn hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Khi mà phát hành riêng lẻ, DN không chỉ hướng tới các NĐT chuyên nghiệp là các định chế tài chính mà còn cả các NĐT cá nhân. Vấn đề rất khó là hiện ở Việt Nam chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN uy tín. Thông tin và xếp hạng tín nhiệm TPDN chưa rõ ràng, như vậy rất khó cho NĐT đánh giá, kiểm soát mức độ rủi ro.
Ở các thị trường có hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN rồi thì NĐT có thể dựa vào đó để định giá trái phiếu và chọn mức độ rủi ro phù hợp với mình. Ví dụ, chúng ta lấy trái phiếu chính phủ làm giá chuẩn và tùy vào xếp hạng tín nhiệm DN, ta sẽ có những điểm cộng để có mức lãi suất phù hợp cho từng đối tượng phát hành trái phiếu trên thị trường.
Hiện Bộ Tài chính đang xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định việc phát hành TPDN; và tới đây việc sửa đổi Luật Chứng khoán cũng sẽ có những điều chỉnh quy định về phân phối TPDN. Thị trường minh bạch thông tin với những luật định rõ ràng sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các bên tham gia, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/gia-cua-rui-ro-95141.html