Giá cacao kỳ hạn đã tăng hơn gấp đôi tính từ đầu năm đến nay

Giá cacao kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất đã tăng tới 4,5% lên 10.080 USD/tấn tại thị trường New York phiên 26/3, trước khi giảm 0,3%, xuống mức 9.622 USD/ounce.

Phân loại hạt cacao tại một xưởng sản xuất chocolate ở Petionville, Haiti. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phân loại hạt cacao tại một xưởng sản xuất chocolate ở Petionville, Haiti. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá cacao kỳ hạn đã tăng trên mức cao chưa từng có 10.000 USD/tấn vào ngày 26/3, trước khi rời khỏi mức "đỉnh" này và nghỉ lấy sức giữa lúc mặt hàng này đang trên đà tăng lịch sử, đưa giá thành phần quan trọng của chocolate tăng gấp đôi trong năm nay.

Những xáo trộn trên thị trường

Ban đầu, những xáo trộn của thị trường cacao bắt nguồn từ các nguyên tắc cơ bản, chủ yếu gây ra bởi một loạt vụ mất mùa ở Tây Phi, khu vực thường sản xuất khoảng 75% nguồn cung cacao thế giới. Sự kết hợp của cây già cỗi, bệnh tật và thời tiết xấu cộng lại đã tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung lớn nhất trên thị trường cacao trong hơn sáu thập kỷ.

Kết quả là một đợt tăng giá mạnh mẽ đã đưa cacao lên mức 6.000 USD/tấn vào tháng 2/2024, từ mức 2.500 USD/tấn của một năm trước đó, vượt mức kỷ lục năm 1977. Đối mặt với tình trạng thâm hụt nguồn cung lớn, thị trường đang thực hiện công việc của mình bằng cách đẩy giá lên đủ cao để hạn chế tiêu dùng và khôi phục trạng thái cân bằng cung cầu.

Tuy nhiên, kể từ đó, giá cacao đã tăng theo chiều thẳng đứng, thiết lập mức cao mới gần như hàng ngày. Giá cacao kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất đã tăng tới 4,5% lên 10.080 USD/tấn tại thị trường New York phiên 26/3, trước khi giảm 0,3%, xuống mức 9.622 USD/ounce. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu năm nay, giá cacao kỳ hạn tại thị trường ở London và New York đã tăng hơn gấp đôi.

Đúng là thâm hụt nguồn cung cacao đang quá lớn, với ba năm thiếu hụt liên tiếp và có khả năng bước sang năm thứ tư, nên giá bị đẩy lên cao để hạn chế tiêu dùng là một cách lý giải.

Tuy nhiên, mức cao kỷ lục được thiết lập hàng ngày của cacao trong vài tuần qua có liên quan nhiều đến các yếu tố tài chính hơn là các nguyên tắc cơ bản.

Cùng với những lo ngại về nguồn cung khan hiếm, áp lực cũng đang gia tăng trên thị trường tài chính, nơi một số nhà giao dịch đã bán hợp đồng cacao tương lai để phòng ngừa rủi ro.

Nhưng khi họ chờ đợi các hợp đồng đáo hạn, họ cần tiền mặt để đáp ứng yêu cầu ký quỹ khi thua lỗ trên các sản phẩm phái sinh và trong một thị trường đang lên có thể buộc phải đóng các vị thế bán (tức là đặt cược giảm giá), giúp thúc đẩy đà tăng giá cacao.

 Kho chứa cacao tại M'brimbo, Ivory Coast. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kho chứa cacao tại M'brimbo, Ivory Coast. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong thị trường bình thường, các công ty sử dụng dự trữ tiền mặt để đáp ứng các yêu cầu ký quỹ hoặc vay một lượng tiền nhỏ. Nhưng trong một đợt tăng giá kéo dài, giống như đợt tăng giá cacao hiện nay, yêu cầu ký quỹ có thể lấn át khả năng thanh toán của một công ty có tình hình tài chính lành mạnh, buộc công ty này phải dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa để tránh khủng hoảng tiền mặt. Trong kịch bản đó, lựa chọn duy nhất là đóng các vị thế bán ở bất kỳ mức giá nào mà thị trường yêu cầu.

Thị trường rối loạn có thể khiến các công ty thương mại gặp khó khăn, thậm chí sụp đổ. Đó là những gì đã xảy ra trên thị trường điện và khí tự nhiên của châu Âu vào năm 2022, buộc một số chính phủ châu Âu phải nới rộng hạn mức tín dụng cho các nhà giao dịch để đáp ứng các yêu cầu ký quỹ. Điều này cũng xảy ra trên thị trường bông vào năm 2008 và một lần nữa vào năm 2011.

Triển vọng và tác động

Ông Paul Joules, nhà phân tích tại Rabobank ở London, cho biết: “Khi cacao ở mức giá này, thật khó để biết nó có phải là mức giá hợp lý hay không."

Các nhà phân tích tại Hightower Report cho biết việc cacao đạt mức 10.000 USD/tấn có thể thúc đẩy một số hoạt động chốt lời, vì giá “đã tăng quá nóng và các nhà giao dịch có thể lo ngại rằng đợt tăng giá đã đến mức đỉnh."

Có nguy cơ tình hình nguồn cung cacao có thể trở nên tồi tệ hơn. Các quy định sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) - nhằm ngăn chặn việc bán các sản phẩm phá rừng trong các cửa hàng, có thể khiến các nhà sản xuất chocolate của khối gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguồn cung.

Trọng tâm hiện đang chuyển sang mùa thu hoạch giữa vụ sắp tới của Tây Phi, vụ thu hoạch nhỏ hơn trong số hai vụ thu hoạch hàng năm. Bloomberg đưa tin, cơ quan quản lý của Bờ Biển Ngà - nước trồng cacao hàng đầu thế giới, dự kiến lượng thu hoạch sẽ giảm trong mùa vụ này.

Báo cáo của Hightower cho biết: “Tình hình nguồn cung ở Tây Phi vẫn cực kỳ thắt chặt trước khi bắt đầu mùa thu hoạch giữa vụ vào tuần tới." Những nước trồng cacao khác như Brazil và Ecuador đang tìm cách tăng cường sản xuất, nhưng phải mất vài năm trước khi những cây cacao mới trồng cho ra quả. Điều này làm trì hoãn việc cải thiện nguồn cung toàn cầu vốn đang căng thẳng.

Tổ chức Cacao Quốc tế dự báo, tỷ lệ tồn kho cacao thô so với cacao xay xát sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn bốn thập kỷ trong mùa vụ này, phản ánh tình trạng bấp bênh của thị trường.

Chi phí mua cacao cao hơn đang gây áp lực lên lợi nhuận của các nhà sản xuất chocolate, và sự tăng trưởng của giá cacao cũng là tin xấu đối với người tiêu dùng nếu các công ty tiếp tục chuyển chi phí này sang họ. Kỳ nghỉ lễ Phục Sinh sắp tới là thời kỳ cao điểm tiêu thụ kẹo và sự chênh lệch giữa thị trường hàng hóa và thị trường bán lẻ đồng nghĩa với việc gánh nặng từ việc giá cacao chạm đỉnh đối với người mua hàng vẫn còn ở phía trước.

 Công nhân phơi hạt cacao tại làng Hermankono, Ivory Coast. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công nhân phơi hạt cacao tại làng Hermankono, Ivory Coast. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Triển vọng giá cacao hiện vẫn chưa chắc chắn, các chuyên gia dự đoán giá mặt hàng này có thể duy trì ở mức cao trong hầu hết năm 2024. Điều này có nghĩa là áp lực giảm lợi nhuận có thể sẽ tiếp tục đè nặng lên các nhà sản xuất chocolate. Các nhà sản xuất sẽ cần áp dụng các chiến lược đổi mới để vượt qua môi trường đầy thách thức này. Điều đó có thể liên quan đến việc tập trung vào các sản phẩm cao cấp, đa dạng hóa dịch vụ hoặc tìm kiếm các nguồn cung ứng bền vững để giảm rủi ro dài hạn.

Một số nhà sản xuất chocolate có thể xem xét việc sử dụng ít cacao hơn trong sản phẩm của họ hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế rẻ hơn để duy trì khả năng chi trả. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng của chocolate, đồng thời có khả năng ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng.

Trong một số trường hợp, nhà sản xuất có thể sử dụng biện pháp sa thải hoặc các biện pháp cắt giảm chi phí khác để bù đắp tác động của việc tăng giá cacao đến lợi nhuận. Điều này có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho người lao động và xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/gia-cacao-ky-han-da-tang-hon-gap-doi-tinh-tu-dau-nam-den-nay-post936914.vnp