Ghi nhận về công tác phòng chống mù lòa trên địa bàn Quảng Trị
Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống mùa lòa (PCML) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong giai đoạn 2019-2020, Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp hành động nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỉ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về mục tiêu thị giác 2020.
Sau hai năm triển khai, Kế hoạch PCML giai đoạn 2019- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Quảng Trị đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận. Tỉ lệ người mù trong toàn tỉnh hiện khoảng 3.000 người, tương đương 4,6 người/1.000 dân, tiệm cận với tỉ lệ người mù trong toàn quốc. Mỗi năm, có gần 3.000 người dân được phục hồi thị lực, tránh khỏi nguy cơ mù lòa thông qua hoạt động mổ đục thủy tinh thể. Đây được xem là hai thành quả nổi bật nhất trong công tác PCML của tỉnh Quảng Trị. Nói về những thành quả này, ông Nguyễn Quỳnh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị cho biết: “Bệnh viện Mắt là đơn vị được Sở Y tế giao nhiệm vụ triển khai công tác PCML trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, theo chỉ đạo của Sở Y tế, bệnh viện đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng, kiện toàn hệ thống chăm sóc mắt từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức người dân về PCML, huy động sự tham gia của cộng đồng cũng như các tổ chức, các nhà tài trợ hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động PCML. Một nội dung khác là hoạt động can thiệp và phát hiện sớm các bệnh gây mù lòa thông qua việc phối hợp với các huyện mở các chiến dịch khám sàng lọc cho người dân tại cộng đồng cũng rất được chú trọng. Bệnh viện Mắt, cũng đã có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân viên, đầu tư các trang thiết bị mới đáp ứng nhu cầu phát triển chuyên môn. Từ sự nỗ lực của bệnh viện, sự phối hợp của các ban ngành và sự chỉ đạo sâu sát của Sở Y tế, công tác PCML có những bước tiến đáng kể, nhận thức của người dân về PCML được nâng cao, số bệnh nhân chủ động tìm kiếm các dịch vụ khám và điều trị các bệnh về mắt tại bệnh viện tăng lên.
Kế hoạch số 4422/KH- UBND ngày 9/10/2020 về phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và tầm nhìn đến năm 2030 được xem là một đòn bẩy tạo ra tác động toàn diện trong công tác phòng chống mùa lòa ở tỉnh ta. Cùng với Khoa Mắt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt trở thành đơn vị hạt nhân, đi đầu trong công tác khám, quản lý và điều trị các bệnh lý về mắt cho người dân trong tỉnh.
Bệnh viện Mắt được đầu tư phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị, kỹ thuật y tế về nhãn khoa theo hướng chuyên sâu, tiên tiến và hiện đại. Nổi bật là hệ thống trang thiết bị phục vụ việc khám, điều trị các bệnh về mắt như máy mổ Phaco, máy đo khúc xạ, máy chụp đáy mắt, máy sinh hiển vi khám mắt, máy sinh hiển vi phẫu thuật… Bên cạnh nguồn đầu tư của Bộ Y tế và nguồn ngân sách địa phương, Bệnh viện Mắt còn tranh thủ nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ trong và ngoài nước để nâng cao năng lực phòng chống mù lòa. Chia sẻ về những tiến bộ trong chuyên môn, Bác sĩ CKI Bùi Thị Vân Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đến nay, ngoài các kỹ thuật chăm sóc nhãn khoa thường quy, đơn vị đã triển khai ứng dụng và làm chủ các kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt, từ tháng 4/ 2020, với việc triển khai kỹ thuật tiêm nội nhãn và laser quang đông cho bệnh nhân mắc các bệnh lý võng mạc do đái tháo đường trên nền tảng trang thiết bị kỹ thuật, máy móc hiện đại, đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên sâu, Bệnh viện Mắt đã thực sự tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc nhãn khoa của ngành y tế Quảng Trị”.
Không chỉ phát huy thế mạnh về chuyên môn tại đơn vị, Bệnh viện Mắt còn đóng vai trò đầu tàu trong việc định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy việc phát triển mạng lưới phòng chống mù lòa của tỉnh nhà theo hướng ngày càng hoàn thiện. Đồng thời đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả các chương trình phòng chống mù lòa trên toàn tỉnh thông qua các hoạt động chỉ đạo tuyến, giám sát, tập huấn đào tạo về chuyên môn cho tuyến cơ sở với mục tiêu hỗ trợ tuyến y tế cơ sở thực hiện tốt chức năng quản lý, chăm sóc mắt ban đầu; phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở tổ chức các đợt khám sàng lọc chuyên khoa mắt tại cộng đồng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt. Trong giai đoạn 2019- 2020, có khoảng 25.000 người dân tại cộng đồng được khám sàng lọc mắt miễn phí. Cũng từ đây, hàng chục ngàn lượt người dân mắc các bệnh lý nhãn khoa được thu dung, can thiệp kịp thời, tránh nguy cơ mù lòa hiện hữu.
Là tỉnh có tỉ lệ người mù vẫn còn cao, sự gia tăng các bệnh lý gây mù lòa trong cộng đồng ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, công tác khám sàng lọc, phát hiện sớm và theo dõi những bệnh lý gây tỉ lệ mù lòa và các biến chứng nghiêm trọng khác về mắt cao như bệnh lý võng mạc do đái tháo đường và tật khúc xạ học đường hiện vẫn chưa đạt mục tiêu giai đoạn 2019-2020 đã đề ra. Trong khi đó, mạng lưới, năng lực phòng chống mù lòa vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt, năng lực phòng chống mù lòa của tuyến y tế cơ sở còn hạn chế cả về nguồn lực lẫn quy mô khiến công tác phòng chống mù lòa hiện nay còn nhiều bất cập. Thực trạng này đòi hỏi Quảng Trị cần tiếp tục có những giải pháp hành động toàn diện nhằm hướng tới mục tiêu giải phóng mù lòa do những nguyên nhân có thể phòng tránh được cho người dân trên địa bàn. “Trước mắt, cần kiện toàn lại hệ thống PCML của tỉnh nhằm bảo vệ bền vững và tiếp tục phát huy những thành quả của hoạt động này. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các sở, ban, ngành, các hội, đoàn, đặc biệt là ngành giáo dục và Hội Người cao tuổi để nâng cao tỉ lệ phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đối với các yếu tố nguy cơ gây mù lòa trong cộng đồng. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng Bệnh viện Mắt cũng như các trung tâm y tế, trạm y tế để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc mắt cho người dân. Tiếp tục lấy Bệnh viện Mắt làm hạt nhân để kết nối, xâu chuỗi với các tuyến y tế trong tỉnh tạo nên một hệ thống có chiều sâu trong công tác khám, phát hiện, chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế và tranh thủ các nguồn hỗ trợ để nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng việc triển khai nhiệm vụ PCML trong tình hình mới. Đặc biệt, có kế hoạch, chiến lược tham mưu cho UBND tỉnh để đưa ra định hướng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu PCML đạt kết quả cao hơn trong giai đoạn tới”, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị nói.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152213