Ghé thăm làng nghề xứ Quảng

Sau khi Quảng Nam sáp nhập vào TP Đà Nẵng, thành phố biển không chỉ được mở rộng về địa giới hành chính mà còn được bồi đắp thêm chiều sâu văn hóa và bản sắc truyền thống bởi Quảng Nam không chỉ là vùng đất di sản mà còn có rất nhiều làng nghề truyền thống tuổi đời cả trăm năm. Những tài sản vô giá này chắc chắn sẽ tạo đà cho du lịch phát triển…

Bà Lê Thị Kề ngồi đan võng ngô đồng.

Bà Lê Thị Kề ngồi đan võng ngô đồng.

Yêu sao chiếc võng ngô đồng

Bao đời nay, người dân sống trên đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Đà Nẵng có nghề đan võng ngô đồng - nghề truyền thống được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo lời kể của các bậc cao niên ở xã Tân Hiệp, hàng trăm năm về trước, trong điều kiện sản phẩm gia dụng công nghiệp còn chưa phổ biến, nhất là đối với người dân xã đảo nằm cách xa đất liền, bà con nơi đây tự cung tự cấp nhiều mặt hàng. Nghề đan võng từ vỏ cây ngô đồng cũng bắt đầu từ đó, và qua năm tháng ngày càng gắn bó chặt chẽ với đời sống bà con trên đảo.

Giấc mơ trưa của bao đứa trẻ trên chiếc vòng ngô đồng cùng lời ru và tiếng sóng biển êm đềm.

Bà Lê Thị Kề, ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp là người gắn bó với nghề đan võng ngô đồng gần 60 năm cho biết: “Tôi quê gốc ở Hội An, năm 1962 theo chồng ra đảo Cù Lao Chàm, quanh quẩn bên bờ biển, làm bạn với thuyền ghe và nghề thủ công. Tôi được mẹ chồng truyền dạy nghề đan võng ngô đồng. Bây giờ thì đã quá quen và thấy gắn bó như hơi thở cuộc sống hàng ngày vậy”.

Để có nguyên liệu, bà con phải lên núi đốn cây ngô đồng nhánh dài, suôn, rồi bó lại mang xuống suối ngâm. Tùy mùa, thời gian ngâm kéo dài từ nửa tháng đến hơn 20 ngày. Khi thân cây rục mềm, người ta gọt sạch lớp bùn, vỏ ngoài, chỉ giữ lại phần vỏ có sợi bên trong để đập, giặt, phơi và tước thành sợi. Sợi càng mảnh, võng càng bền và chắc.

“Ngô đồng là loài cây sức sống mạnh, cứ chặt gốc là nứt ra nhiều chồi mới, chẳng những không hại mà còn giúp rừng thêm xanh” - bà Kề cho biết.

Cũng theo bà Kề, chiếc võng ngô đồng có độ bền khá cao, nếu bảo quản đúng cách tuổi đời sử dụng của võng từ 15 - 20 năm. Đặc biệt khi nằm trên chiếc võng ngô đồng được làm hoàn toàn bằng sợi thiên nhiên nên có tác dụng massage các huyệt đạo trên cơ thể và thấm hút mồ hôi vì vậy rất tốt cho những người bị bệnh phong, thấp khớp và nhiều công dụng khác.

Nói thì như vậy, nhưng nghề đan võng ngô đồng rất vất vả, ngoài việc lên núi tìm cây còn đòi hỏi người thợ phải chịu khó kiên trì ngồi một chỗ hàng giờ, tỉ mỉ, khéo léo từng công đoạn. Mới đầu đan được chiếc võng ngô đồng là khó khăn nhưng dần dần qua thời gian, người thợ sẽ có kinh nghiệm, khéo léo hơn.

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: “Chiếc võng ngô đồng không chỉ là sản phẩm thủ công đơn thuần, mà còn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này. Mỗi chiếc võng đều gửi gắm tâm tư, tình cảm của người làm. Đây là một nghề truyền thống đòi hỏi nhiều công đoạn, kỹ thuật tinh xảo để tạo nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm dấu ấn địa phương”.

Về thử nước mắm làng Cửa Khe

Sau khi ghé thăm đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp để tìm hiểu về đan võng ngô đồng, chúng tôi lại đến thăm một làng nghề truyền thống làm nước mắm. Đó là làng Cửa Khe, xã Thăng An, TP Đà Nẵng. Nhiều người lớn tuổi cũng không biết nghề chế biến nước mắm thủ công ở đây ra đời từ khi nào. Họ chỉ biết từ khi cha ông đi làm nghề biển thì từ đó ra đời nghề này. Thế rồi đời này qua đời khác, cũng lắm lúc thăng trầm nhưng người dân nơi đây vẫn giữ và yêu nghề như một phần máu thịt của cuộc sống ngư dân ven biển này.

Theo những người dân xã Thăng An, mắm được làm từ cá cơm, cá nục hoặc cá trích;…muối trong chum sành theo phương pháp truyền thống, ủ ròng rã từ 12 tháng trở lên để cho ra mẻ nước mắm cốt sánh đậm, màu nâu, vị mặn mòi và hương thơm mang đậm hương vị xứ Quảng.

Người trong xã kể, quy trình sản xuất nước mắm được bắt đầu ngay từ trên tàu, sau khi đánh bắt cá được rửa sạch bằng nước biển, loại bỏ tạp chất rồi trộn với muối theo tỉ lệ thích hợp để ướp bước đầu giữ chất lượng cá. Khi về đến biển Cửa Khe bắt đầu thực hiện các công đoạn vệ sinh và cho vào ghè ủ tiếp. Ướp, ủ cá khoảng 9 đến 18 tháng, bà con bắt đầu rút nước mắm nhĩ. Vì muối ngay từ lúc cá còn tươi sống nên giá trị dinh dưỡng trong mắm cao, hương vị thơm ngon đậm đà.

Hiện tại, làng nghề nước mắm này có khoảng 60 hộ dân làm nghề, trong đó có 10 cơ sở tham gia tổ hợp tác. Mỗi năm, làng nghề nước mắm Cửa Khe bán ra thị trường khoảng 200.000 lít, với giá bán từ 50.000 - 60.000 nghìn đồng/lít tùy loại.

Bà Lê Thị Lợi, chủ cơ sở nước mắm Bà Lợi chia sẻ: “Mặc dù, giá nước mắm của làng nghề cao hơn so với các loại nước mắm công nghiệp khác nhưng được nhiều người dân ưa chuộng. Nhiều khi nước mắm làm ra không có đủ để cung cấp cho thị trường, nhất vào dịp Tết hay lễ hội. Nhờ nghề chế biến nước mắm này mà nhiều gia đình khá lên, có tiền nuôi con ăn học thành tài”.

Hiện tại, cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình bà Lợi có 5 lao động thường xuyên, với mức lương trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, cơ sở sản xuất và cho ra lò khoảng hơn 7.000 - 8.000 lít/năm, doanh thu hơn 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Anh Võ Nguyên Tùng - Trưởng ban Làng nghề nước mắm Cửa Khe chia sẻ: “Có 3 phương thức chính để chúng tôi duy trì làng nghề, một là chế biến nước mắm theo các quy trình nghiêm ngặt để cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao, ngoài ra chúng tôi chủ động tìm đến khách hàng để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Dù thị trường có thế nào chúng tôi vẫn luôn lấy uy tín của làng nghề đặt lên hàng đầu

Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Thăng An cho biết, làng nước mắm Cửa Khe là làng nghề truyền thống lâu đời và có nhiều điều kiện để tổ chức hoạt động sản xuất nước mắm gắn với phát triển du lịch. Người dân luôn chú trọng về chất lượng sản phẩm, đặt uy tín lên hàng đầu để giữ vững thương hiệu truyền thống của làng nghề. Hiện nay, sản phẩm nước mắm làng Cửa Khe đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ghe-tham-lang-nghe-xu-quang-10310311.html