Tận diệt chim trời: Hốt hoảng chim sống giãy dụa vì bị lợi dụng làm cạm bẫy hại đồng loại

Hàng loạt con 'chim giả' và 'chim mồi' bị khâu mắt được người dân Thừa Thiên - Huế mang ra đồng đặt. Sau khi mắc bẫy, các loài chim trời bị vặt lông sống bán tại chỗ cho khách có nhu cầu.

Sau mùa thu hoạch lúa và các kênh mương đưa nước vào ngâm ruộng chuẩn bị cho mùa vụ sắp tới, người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế như mọi năm lại giăng lưới tràn lan khắp các cách đồng để bẫy chim trời và dùng mồi là những con chim giả.

Khi chim trời bay ngang thấy “chim giả” hoặc “chim mồi” màu trắng đậu kín đồng ruộng, chúng cứ tưởng là bạn nên lập tức “hạ cánh” xuống đồng nước và đậu vào những cái bẫy đang chờ sẵn.

Có mặt tại cánh đồng Bao Vinh ngập nước giáp ranh giữa phường Hương Sơ (TP Huế) với xã Hương Toàn, Hương Vinh (thị xã Hương Trà), PV thấy cánh đồng trắng xóa gồm 8 khu vực có “chim giả”, “chim mồi” đặt giữa đồng ruộng ngập nước và luôn luôn có người canh giữ.

Trong vai người đi câu cá, PV đi sâu vào trong thì thấy rất nhiều “chim giả” được làm bằng các miếng xốp, bao ni lông trắng và bên cạnh là những chú “chim mồi” ủ rũ bị buộc dây xuống cọc gỗ, lắc lư khi có gió thổi.

Sau khi phát hiện có người đến, đàn cò trắng bay khỏi cánh đồng Bao Vinh.

Đàn chim trời đang kiếm ăn ở cánh đồng.

Những con “chim giả” được người dân cắm tràn lan trên cánh đồng.

Những chiếc lồng to được dựng sẵn bên cạnh chờ chim trời mắc bẫy.

“Chim giả” và “chim mồi” cùng giá cỏ có sẵn kẹp hoặc keo dính của người dân.

Những con chim giả trên đồng ruộng ngập nước.

Người dân canh bẫy chim núp dưới một gốc cây ở cánh đồng.

Ngoài ra, bên cạnh còn có các giá làm bằng cỏ có bẫy bằng kẹp hoặc keo dính chờ sẵn chim trời bay xuống đậu. Mỗi khu vực luôn có lồng để sẵn cất chim bắt được, “mới đầu mùa, chim hiếm nên giá cao 60.000 đồng/1cặp cò trắng” - một khách đến mua chim cho hay.

Tương tự, đến cánh đồng Dạ Lê (hay còn có tên là cánh đồng Thanh Lam, thuộc phường Thủy

Phương, thị xã Hương Thủy) chúng tôi thấy người bẫy chim luôn luôn trực bên chiếc đò và bắt gặp 3 người đàn ông đang vặt lông những con chim cò trắng sống và còn giãy dụa vì đau đớn để bán cho khách. Đi tiếp đến khu vực ruộng hơi cạn nước, PV phát hiện những con “chim mồi” bị người dân khâu mắt, buộc chân thắt dây cắm cọc xuống đất và hàng loạt cọc tre nhỏ có keo dính cắm la liệt trên ruộng.

“Mỗi ngày trung bình bẫy được khoảng 15 - 20 con và bán trực tiếp cho khách tại ruộng, còn những con chim bẫy được bằng kẹp hoặc hóp vào ban đêm đã chết sẽ bán cho các thương lái hay các chủ quán nhậu đến nhà mua” - người đàn ông canh bẫy chim cho biết.

Người dân vặt lông sống chim trời bán cho khách tại đồng ruộng Thanh Lam.

Những chú cò mắc bẫy bị nhốt trong lồng chờ khách đến mua.

Nhiều con cò trắng thành “chim mồi” vì bị buộc dây vào cọc gỗ đứng ở giữa đồng để bẫy đồng loại .

Hàng loạt bao bì trắng được người dân cắm khắp cánh đồng để bẫy chim.

Hàng loạt chim bẫy được bị vặt sạch lông trắng cả cánh đồng.

Một con cò không may bị dính bẫy keo

Các chú “chim mồi” đều bị khâu mắt đứng ủ rũ trên đồng ruộng.

Các thanh tre có keo dính được giữ ở góc ruộng.

Theo người dân bẫy chim trời cho biết, đa số hiện nay khách hàng đều ưa thích chim bẫy được bằng keo dính bởi chim đang còn sống và đầu mùa ít chim nên phải có người trực ngồi trên, khi nào chim bị dính bẫy lập tức ra gỡ ngay để đàn chim phát hiện có bẫy.

Thông tin với PV, lãnh đạo UBND xã Hương Vinh cho biết, gần đến mùa, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền và vận động người dân không được mang đồ nghề ra đồng bắt chim. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng đi bẫy chim sau khi thu hoạch lúa xong.

Theo Infonet

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/gat-nham-he-thong-bao-chay-o-toa-nha-vincom-center-hang-nghin-nguoi-thao-chay-3714658.html