Gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Năm 2024 là năm cuối cùng học sinh lớp 12 học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đồng loạt tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, ngành Giáo dục tỉnh gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để giúp các sĩ tử 'vượt vũ môn' thành công, đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Dòng sự kiện: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

18/06 Đảm bảo an toàn, thuận lợi cho thí sinh và người nhà di chuyển trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 16/06 Đảm bảo công tác y tế phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 14/06 Thi tốt nghiệp THPT 2024: Cảnh báo thí sinh về hành vi làm lộ, lọt đề

Xem thêm

Bổ khuyết, nâng cao kiến thức

Chỉ còn 2 tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra. Trong khoảng thời gian này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang chỉ đạo các trường tập trung ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh lớp 12. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long cho hay: Sau đợt thi thử tốt nghiệp THPT vào ngày 24 và 25-5, các đơn vị đã tổ chức chấm thi và cập nhật kết quả, áp dụng tính xét tốt nghiệp thử đối với tất cả thí sinh.

Toàn tỉnh có 14.373 thí sinh tham gia thi thử (14.030 thí sinh hệ THPT và 343 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên). Kết quả, 13.732 thí sinh đậu tốt nghiệp (chiếm 95,5%), trong đó, hệ giáo dục phổ thông 13.494 thí sinh (đạt 96,2%), hệ giáo dục thường xuyên 238 thí sinh (đạt 69,4%).

Đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác ôn thi tốt nghiệp tại Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Phú Thiện (ảnh đơn vị cung cấp).

Đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác ôn thi tốt nghiệp tại Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Phú Thiện (ảnh đơn vị cung cấp).

Dựa trên kết quả này, Sở GD-ĐT tập trung chỉ đạo các đơn vị tiếp tục ôn tập, phân lớp theo nhóm khá-giỏi, trung bình, yếu-kém nhằm nâng cao chất lượng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp phụ đạo cho những học sinh có nguy cơ hỏng tốt nghiệp và có kết quả thi thử hỏng tốt nghiệp; đồng thời, phân công giáo viên môn học trực tiếp kèm cặp chặt chẽ, dạy sát nội dung kiến thức học sinh cần hoặc thiếu, rèn luyện các kỹ năng làm bài thi…

“Sở đã tổ chức giao ban công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp; qua đó, phân tích, đánh giá những ưu điểm, hạn chế và chỉ đạo giải pháp cho từng trường, từng trung tâm trong công tác tổ chức ôn tập ở giai đoạn nước rút. Thời gian còn lại trước khi kỳ thi chính thức diễn ra, Sở sẽ tăng cường kiểm tra nền nếp ôn thi của các cơ sở giáo dục trên địa bàn”-ông Long cho biết.

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện) đã tập trung phụ đạo, củng cố kiến thức cho 436 học sinh lớp 12, nhất là đối với 21 em có nguy cơ hỏng tốt nghiệp. Hiệu trưởng Lê Tấn Trọng cho biết: Nhà trường tiến hành phân tích, lọc điểm theo nhóm và lấy kết quả thi thử để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Từ đó, đánh giá rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung ôn tập phù hợp cho các em theo nhóm năng lực. Đối với những học sinh có nguy cơ hỏng tốt nghiệp, nhà trường phân công giáo viên bộ môn quan tâm, dạy tăng cường miễn phí vào trái buổi cho đến ngày thi để giúp các em kịp thời bổ khuyết kiến thức. Mục tiêu trường phấn đấu là tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt 99,5% trở lên theo như đăng ký với Sở GD-ĐT.

Các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang gấp rút ôn tập cho học sinh để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: M.T

Các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang gấp rút ôn tập cho học sinh để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: M.T

Cô Trần Thị Lê-Tổ phó Tổ Ngữ văn (Trường THPT Trần Quốc Tuấn) chia sẻ: “Trên cơ sở phân tích kết quả sau từng đợt thi thử, Tổ xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế, gắn với từng đối tượng học sinh. Nhờ đó, năng lực của các em đã dần có sự chuyển biến rõ nét. Nếu sau đợt thi thử đầu tiên theo cụm, số học sinh lớp 12 có điểm Ngữ văn dưới trung bình chiếm tới 41,7% thì đến đợt thi thử thứ 2 theo đề của Sở GD-ĐT chỉ còn 19,8% số bài thi Ngữ văn dưới 5 điểm”.

Trong thời gian 10 ngày trước kỳ thi, hầu hết các trường đều tập trung ôn tập cho học sinh theo hướng vận dụng kiến thức để luyện đề, có sự phân hóa đối với những em có nguy cơ hỏng tốt nghiệp và có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng. Em Trần Võ Hải (lớp 12A3, Trường THPT Chi Lăng, TP. Pleiku) bày tỏ: “Hạn chế của em là lý thuyết môn Sinh học và vốn từ vựng môn Tiếng Anh. Vì vậy, em đang cố gắng ôn tập mỗi ngày để có thể củng cố phần kiến thức còn yếu trong 2 tuần cuối cùng. Hy vọng, kết quả thi tốt nghiệp sẽ khả quan”.

Đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực

Thời gian qua, ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh chuẩn bị chu đáo, đầy đủ điều kiện cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch và phân công của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.

 Trường THPT Chi Lăng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Mộc Trà

Trường THPT Chi Lăng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Mộc Trà

Qua thống kê, toàn tỉnh có 15.249 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, gồm 14.415 thí sinh đang học lớp 12 và 834 thí sinh tự do. Trong đó, có 989 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp, 13.557 thí sinh vừa thi tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng và 703 thí sinh đã tốt nghiệp, chỉ thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Căn cứ Quy chế thi và số lượng thí sinh đăng ký dự thi, Sở GD-ĐT đã kiểm tra, chọn đặt 41 điểm thi tại 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với 654 phòng thi chính thức. Ngoài ra, Sở cũng bố trí 1 điểm thi dự phòng tại mỗi địa phương và các phòng thi dự phòng tại những điểm thi chính thức. Đến nay, cơ sở vật chất, trang-thiết bị kỹ thuật đã được chuẩn bị và sẽ tiếp tục bổ sung đầy đủ.

Sau 4 năm phải thi ghép tại các điểm thi khác nhau trên địa bàn TP. Pleiku, năm nay, học sinh lớp 12 Trường THPT Chi Lăng đã được dự thi tốt nghiệp tại trường. Thầy Đỗ Viết Huy-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Năm nay, toàn trường có 9 lớp 12 với 341 em, cộng thêm 4 thí sinh tự do. Vì thế, lãnh đạo nhà trường đã đề xuất đặt điểm thi tại trường và được Sở GD-ĐT chấp thuận. Trường đã bố trí đầy đủ 15 phòng thi chính thức, 3 phòng thi dự phòng, 1 phòng làm việc của điểm thi, 1 phòng bảo quản đề thi và bài thi, 1 phòng chờ để vật dụng cá nhân cho thí sinh đảm bảo khoảng cách theo quy định. Ngoài ra, trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện, quạt, camera giám sát, máy in, máy photocopy, máy tính… và có 1 xe 16 chỗ phục vụ khâu vận chuyển bài thi về điểm chấm thi.

Học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tham gia đợt thi thử tốt nghiệp THPT cho Sở GD-ĐT tổ chức. Ảnh M.T

Học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tham gia đợt thi thử tốt nghiệp THPT cho Sở GD-ĐT tổ chức. Ảnh M.T

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long: Từ nay đến khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức diễn ra, các bộ phận liên quan tiếp tục hướng dẫn thí sinh thực hiện các thao tác trên Hệ thống quản lý thi. Sở GD-ĐT thành lập các ban của Hội đồng thi để triển khai các công việc theo đúng quy chế và hướng dẫn thi.

Về nhân lực tham gia làm nhiệm vụ tại kỳ thi, Sở GD-ĐT dự kiến huy động khoảng 2.480 lượt công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành; đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế điều động khoảng 330 lượt cán bộ, chiến sĩ và 43 y-bác sĩ tham gia làm nhiệm vụ trong các ban của Hội đồng thi. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn cũng sẽ triển khai kế hoạch thực hiện chương trình “Tiếp sức mùa thi” bằng nhiều hoạt động thiết thực tại các điểm thi với sự tham gia của lực lượng đoàn viên, thanh niên các địa phương.

“Mặc dù đang tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị tại TP. Pleiku nhưng kết thúc đợt học, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được điều động. Tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng không vì thế mà tôi chủ quan, thiếu sự chuẩn bị, nghiên cứu quy chế thi”-cô Trần Thị Lê cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long, trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương quan tâm hỗ trợ thí sinh con em hộ nghèo, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, con em gia đình chính sách, thí sinh khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thí sinh nhà ở xa điểm thi có thêm điều kiện thuận lợi để các em an tâm dự thi. Các đơn vị có thí sinh đăng ký dự thi rà soát, lập danh sách thí sinh cần hỗ trợ và nội dung hỗ trợ cụ thể như ăn, ở, nghỉ trưa...

Trên cơ sở đó, UBND cấp huyện sẽ xem xét, có phương án tổ chức hoạt động hỗ trợ cho thí sinh bằng nguồn ngân sách của địa phương theo hướng dẫn của Sở Tài chính. Mục tiêu hướng đến là không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến và thực hành quy chế thi ngay từ đầu năm học thông qua kiểm tra thường xuyên, kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra cuối kỳ và đặc biệt là trong các đợt thi thử tốt nghiệp THPT. Việc này không chỉ áp dụng cho học sinh mà còn cả đội ngũ viên chức nhà giáo. “Sở GD-ĐT phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền bảo vệ bí mật nhà nước (đề thi) thông qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook...

Từ nay đến trước ngày thi, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho thí sinh và những người làm công tác thi ký cam kết thực hiện giữ bí mật đề thi. Đây được xem là một trong những biện pháp có tác động mạnh mẽ đến thí sinh và những người làm nhiệm vụ tổ chức thi”-ông Long khẳng định.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gap-rut-chuan-bi-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post281108.html