Gặp gỡ đầu xuân những doanh nhân thành đạt trên đất Thuận
Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, khi những bông hoa đào chúm chím nụ chờ khoe sắc hồng đón xuân, chúng tôi có dịp trở lại Thuận Châu, gặp và trò chuyện với những doanh nhân tiêu biểu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế và có nhiều đóng góp cho địa phương.
Doanh nhân đầu tiên chúng tôi tìm gặp ở bản Thư Vũ, xã Phổng Lái, nằm ngay dưới chân Đèo Pha Đin huyền thoại - Ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thu Đan. Từ một chàng thanh niên quê ở Hưng Yên lên Phổng Lái lập nghiệp bằng nghề trồng chè, đến nay đã hơn 20 năm nên ông hiểu cặn kẽ những bước thăng trầm của cây chè nơi đây. Vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày tại các tỉnh, thành phố để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ông Doanh chia sẻ: Cây chè phù hợp điều kiện khí hậu, chất đất nên sinh trưởng, phát triển tốt, nước chè đậm vị, nhưng do chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sơ chế thủ công, nên chủ yếu phục vụ nội địa. Năm 2001, cùng với số tiền tiết kiệm, tôi vay thêm 600 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu sang Đài Loan mua dây chuyền sản xuất trà Oolong trị giá 20.000 USD và liên kết với bạn hàng bên đó để tiêu thụ sản phẩm. Hiện, Công ty có dây chuyền sản xuất trị giá trên 30 tỷ đồng, công suất 3 tấn chè khô/ngày. Cùng đầu tư dây chuyền chế biến, việc xây dựng vùng nguyên liệu được Công ty chú trọng, đã liên kết với 400 hộ dân trồng chè ở các bản của xã Phổng Lái, Mường É và Chiềng Pha, quy mô 350 ha chè Kim Tuyên theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Với giá thu mua 11.000 đồng/kg chè búp tươi hái bằng tay, người trồng chè có thể thu lời khoảng 80 triệu đồng/ha chè/năm. Công ty còn tạo việc làm cho 100 công nhân, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, trung bình mỗi năm, Công ty xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan gần 200 tấn sản phẩm, với các dòng sản phẩm chính là chè xanh, chè đen, trà Oolong, chè ủ mềm một phần... Cứ thế, thương hiệu chè Phổng Lái từng ngày vươn xa.
Chia tay doanh nghiệp chuyên canh với cây chè, chúng tôi tìm về một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thương mại. Ông Trương Thanh Tùng là một trong những người sáng lập Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Châu Sơn (thị trấn Thuận Châu). Trải qua 10 năm hoạt động, Công ty luôn giữ chữ tín và khẳng định được thương hiệu là một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực xây dựng cơ bản, được huyện tin tưởng giao thi công nhiều công trình quan trọng trên địa bàn. Năm 2019, Công ty mở rộng lĩnh vực thương mại, với tổ hợp công trình: Trường Mầm non tư thục Supe kisd, Khu vui chơi giải trí Hoa Anh Đào, cùng hệ thống nhà hàng, tổ chức sự kiện, khu vui chơi, sân thể thao phục vụ nhân dân trong huyện... Ông Tùng chia sẻ: Tổng doanh thu giai đoạn 2015 - 2020 của Công ty đạt trên 20 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và hơn 30 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Công ty còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Riêng năm 2020, doanh nghiệp đã phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Chữ thập đỏ huyện xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho người khuyết tật tại xã Bó Mười và xã Muổi Nọi, với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng; ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt, đóng góp làm đường dân sinh tại trung tâm xã Co Tòng, hỗ trợ tổ chức tết trung thu cho các cháu tại bản Nà Càng và một số tiểu khu thuộc thị trấn... trị giá hàng chục triệu đồng.
Không chỉ được biết đến là doanh nhân thành đạt, anh Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần NS Đức Việt (xã Tông Cọ) còn là người có tấm lòng nhân ái, giúp đỡ nhiều trẻ em khuyết tật vùng cao. Sinh năm 1973, tại tỉnh Hà Nam, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, anh quyết định lên Thuận Châu khởi nghiệp bằng nghề mộc. Năm 2002, thành lập Công ty Thuận Nguyên, chuyên khai thác đá và tham gia vận chuyển di dân TĐC vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Đến năm 2016, đổi tên thành Công ty cổ phần NS Đức Việt, tham gia các chương trình dự án, vận tải, xúc ủi mặt bằng xây dựng. Trong hoạt động, Công ty đã tạo được uy tín trên thương trường; doanh thu gần chục tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Doanh nhân Nguyễn Văn Nguyên còn được biết đến là người có tấm lòng nhân hậu, giúp đỡ người yếu thế, nhất là trẻ em. Ngôi nhà của gia đình anh trở thành nơi nghỉ trọ của các cháu khuyết tật; chiếc ô tô của gia đình cũng trở thành phương tiện đưa, đón các cháu từ các bản vùng cao về Hà Nội phẫu thuật chỉnh hình. Tính đến nay, anh và các mạnh thường quân đã giúp 15 trẻ bị dị tật bẩm sinh tại các xã, bản vùng cao của huyện Thuận Châu, Bắc Yên, Mộc Châu, Mường La đi phẫu thuật thành công...
Được trò chuyện với chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Chanh leo Thuận Châu, Phó Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (xã Phổng Lái), chúng tôi cảm nhận được sự năng động của người phụ nữ này. Chị Bình chia sẻ: Hiện nay, HTX đã trồng 70 ha chanh leo theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, sản lượng trung bình khoảng 20 tấn quả/ha/năm, với giá trung bình khoảng 15.000 đồng/kg, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/ha, giúp nhiều gia đình ở xã Phổng Lái thoát nghèo. Bên cạnh đó, HTX liên kết với 400 hộ dân trồng chè, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Trung bình một năm, HTX bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con trong khu vực, sản xuất 500 tấn chè khô, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.
Gặp gỡ và trò chuyện với các doanh nhân tiêu biểu đại diện gần 100 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Thuận Châu, chúng tôi nhận thấy điểm chung ở họ là sự năng động, sáng tạo trong thời kỳ hội nhập, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương, để mỗi mùa xuân về, cuộc sống của người dân các xã, các bản vùng cao Thuận Châu no ấm hơn, diện mạo đô thị khang trang, sầm uất hơn.