Gần 200 tỷ đồng trùng tu, nâng cấp các công trình văn hóa ở Lộc Hà
Hơn 50 ngôi chùa, đền, miếu, đình, nhà thờ họ... ở huyện ven biển Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng trong hơn 5 năm qua.
Toàn cảnh chùa Triều Sơn (xã Mai Phụ)
Chùa Triều Sơn ở thôn Sơn Phú, xã Mai Phụ là di tích lịch sử văn hóa (LSVH) cấp tỉnh nhưng đây vẫn là một ngôi chùa nhỏ, làm từ hơn 100 năm, rộng chưa đầy 100 m2.
Dù mang ý nghĩa về nhiều mặt nhưng việc trùng tu, tôn tạo, mở rộng chưa thực hiện được. Vì vậy, di tích ngày một xuống cấp cho đến khi được các doanh nghiệp hảo tâm trong và ngoài tỉnh chung sức nâng cấp, cải tạo.
Tam bảo chùa Triều Sơn được xây dựng bề thế, tất cả tượng Phật và đồ thờ được sơn son thiếp vàng.
Hòa thượng Thích Pháp Luân - Trụ trì chùa Triều Sơn kể: “Nhờ sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh, năm 2017 chùa Triều Sơn đã được khởi công nâng cấp, mở rộng với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Sau 3 năm xây dựng, chùa hiện đã có khuôn viên 20.000 m2, chính điện được xây dựng khang trang, có tháp 9 tầng, có nhà thờ tổ to đẹp và nhiều hạng mục quan trọng khác. Hiện, nhà chùa đang tiếp tục đón nhận công đức để làm lầu chuông, lầu trống, nhà trai, nhà bếp, cải tạo cảnh quan…”
Thượng điện, tả vu, hữu vu nhà thờ Nguyễn Văn Giai (xã Ích Hậu) mới được xây dựng lại.
Tương tự, nhà thờ Nguyễn Văn Giai (xã Ích Hậu) là di tích LSVH cấp quốc gia nhưng đã bị xuống cấp. Để giữ gìn di tích cũng như tôn tạo từ đường dòng họ trở nên khang trang, bề thế hơn, con cháu đã huy động kinh phí trùng tu, nâng cấp.
Từ năm 2019 đến nay, di tích này đã được trùng tu, xây dựng với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng. Hiện, con cháu trong dòng họ tiếp tục đóng góp thêm khoảng 7 tỷ đồng để hoàn thành những hạng mục còn lại.
Tộc trưởng Nguyễn Văn Tân kiểm tra các hạng mục mới xây dựng của di tích lịch sử của dòng họ Nguyễn Văn.
Ông Nguyễn Văn Tân - Tộc trưởng dòng họ Nguyễn Văn (Ích Hậu) cho biết thêm: “Để trùng tu, nâng cấp nhà thờ, 3.000 đinh trong họ tự nguyện đóng nộp 3 triệu đồng/năm, trong 5 năm liên tục. Ngoài nguồn huy động đóng góp thì hầu như nhà nào cũng công đức, hộ ít thì 500 ngàn đồng, hộ nhiều thì 2 - 3 trăm triệu đồng”.
Nhờ công đức hàng chục tỷ đồng, chùa Phổ Độ (xã Hộ Độ) đã được xây dựng khang trang.
Không chỉ có 2 công trình trên mà hơn 5 năm qua (từ 2015 lại nay) ở Lộc Hà đã có hơn 50 ngôi đền, chùa, miếu, đình, nhà thờ họ (đã được xấp hạng di tích) và một số công trình tâm linh (chưa được xếp hạng di tích) được đầu tư xây dựng, trùng tu, nâng cấp với tổng số tiền lên đến gần 200 tỷ đồng.
Trong nguồn kinh phí được huy động đó, nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đóng vai trò “dẫn lối”, động viên, kích cầu với tổng số tiền là gần 8 tỷ đồng. Nguồn chủ đạo được thực hiện theo tinh thần xã hội hóa, sự đóng góp, giúp đỡ của doanh nghiệp, phật tử, con cháu…
Sau 2 lần trung tu, sửa chữa (kinh phí 2,3 tỷ đồng), di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Cả (xã Ích Hậu) đã thay đổi diện mạo.
Với nguồn kinh phí đáng kể trên, nhiều công trình văn hóa, tâm linh đã được trùng tu, xây dựng ngày càng khang trang, to đẹp, thâm nghiêm, trường tồn với thời gian.
Trong số này có thể kể đến: chùa Phổ Độ (xã Hộ Độ), chùa Xuân Đài, chùa Kim Dung (thị trấn Lộc Hà), đình Đỉnh Lự (xã Tân Lộc), đền thờ Vua Mai (xã Mai Phụ), nhà thờ họ Phan Huy (Thạch Châu), nhà thờ Từ Đức Công (Thạch Kim), đền Cả, nhà thờ họ Nguyễn Đức (Ích Hậu)…
Dự kiến, trong năm nay, chùa Chân Tiên (xã Thịnh Lộc) sẽ được 1 tập đoàn lớn hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để trùng tu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Cường cho biết: “Huyện Lộc Hà hiện có trên 200 công trình văn hóa, tâm linh này phân bố khắp địa bàn, trong đó có 60 di tích đã được xếp hạng (6 di tích cấp quốc gia, 54 di tích cấp tỉnh).
Thời gian qua, địa phương đã quan tâm, kêu gọi nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các di tích, công trình văn hóa với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng 2 năm trở lại đây, toàn huyện đã thực hiện trùng tu, tôn tạo được được 29 di tích với tổng số tiền 76 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa 73 tỷ đồng".
Các di tích được tôn tạo, nâng cấp sẽ góp phần hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân và giáo dục truyền thống cho thế hệ sau. (Ảnh: bài vị tổ tiên của dòng họ Phan Huy, xã Thạch Châu).
"Thời gian tới, bên cạnh đề xuất cấp trên bố trí ngân sách thì huyện sẽ tiếp tục kêu gọi xã hội hóa nguồn lực tôn tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình văn hóa, tâm linh, nhất là những di tích đã được xếp hạng. Qua đó, góp phần phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, giáo dục truyền thống quê hương, cách mạng cho thế hệ trẻ cũng như tạo điểm nhấn để thu hút du khách về với quê hương Lộc Hà” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Việt Cường chia sẻ thêm.