Gameshow – cáp treo dẫn tới đỉnh nghệ thuật

Tiếng nhạc Ave Maria cất lên, bản nhạc của Schubert đã trở thành một trong những bản nhạc thiêng liêng gắn với sự mầu nhiệm và vẻ đẹp trinh bạch của Đức mẹ Maria, giọng hát của người thể hiện cũng thanh thoát và trang nghiêm như trong một lễ đường, chỉ có điều màn trình diễn này lại không diễn ra trong lễ đường: nó diễn ra trên một sân khấu gameshow ánh sáng đa sắc bắt mắt, nữ ca sĩ không lộ mặt mà mặc bộ đồ mascot hóa trang hình một con sóc nâu mặc váy vàng, đội khăn voan, và rồi cứ một lúc thì dàn khách mời là những ngôi sao hàng đầu trong làng giải trí ngồi ở kế bên đứng hẳn dậy, rộ lên tỏ ý tán dương: 'Hay quá', 'Oh My God' (Chúa ơi!), 'Khó đoán quá'...

1. Phần thi trên của nhân vật Tí Nâu (mà về sau lộ diện là ca sĩ Thùy Chi) trong chương trình Ca sĩ mặt nạ từng được coi là “hay nổi da ga” - cụm từ bỗng một ngày trở thành câu cửa miệng của rất nhiều giám khảo trong các chương trình thi thố âm nhạc để kịch tính hóa cảm xúc cho khán giả.

Thùy Chi hát hay thực sự, nhưng vẫn có một điều gì gợn sóng trong lòng chúng ta khi xem màn trình diễn ấy, nhất là với những ai đã quen xem Andrea Bocelli hát “Ava Maria” trong một thánh đường ngàn năm tuổi ở Ý, hay Luciano Pavarotti mặc áo đuôi tôm hát “Ave Maria” với cả dàn nhạc giao hưởng đầy kính cẩn, thậm chí ngay cả một nữ hoàng giải trí như Beyoncé khi hát “Ave Maria” cũng rất nghiêm trang - cô đứng trước cổng nhà thờ trong đêm Giáng sinh, trong khoảnh khắc ấy cô khác hẳn với một Beyoncé của những vũ điệu bốc lửa, cô rất thanh lịch và hát bản nhạc tụng ca Đức mẹ.

“The Masked Singer” là một format giải trí nổi tiếng khởi nguồn từ Mỹ

“The Masked Singer” là một format giải trí nổi tiếng khởi nguồn từ Mỹ

“Ave Maria” chỉ là một trong nhiều nhạc phẩm kinh điển xuất hiện trong hai mùa của Ca sĩ mặt nạ, gameshow đang liên tục gây sốt ở Việt Nam với ý tưởng các nghệ sĩ đã thành danh được hóa trang dưới một nhân vật lòe loẹt, có phần hài hước để khán giả phải đoán xem đó là ai. Vậy là gameshow đã vượt qua cả lằn ranh giữa giải trí và cổ điển, ngay cả thành lũy cổ điển cũng phải mở cổng thành đón những show giải trí bước vào, điều đó đáng vui mà cũng có chút đáng buồn.

Tất nhiên đó là xu thế của toàn cầu chứ chẳng phải riêng Việt Nam, nói cho cùng Ca sĩ mặt nạ cũng là format được mua bản quyền từ “The Masked Singer”, một chương trình thi thố tài năng theo dạng truyền hình thực tế của Mỹ. Ở Việt Nam, chương trình này mới có hai mùa, còn ở Mỹ nó đã kéo dài 10 mùa, và ta đã bắt gặp không ít những bản nhạc kinh điển được giải trí hóa, từ nhạc của Nina Simone đến Aretha Franklin, từ nhạc của Stevie Wonder đến Ray Charles. Gần như không có vùng âm nhạc nào là “bất khả xâm phạm”.

Nghệ thuật bước khỏi tháp ngà để mua vui trên các chương trình sặc sỡ, như vậy cũng tốt bởi khán giả đại chúng có thể đi đường tắt để tiếp xúc với những tác phẩm kinh điển. Họ vừa được giải trí, vừa được khám phá những kho báu âm nhạc quá khứ - thứ mà nhiều người rất ngại tìm tòi vì vẻ xa cách, không gần gũi của chúng. Bình thường, để tìm đến những tác phẩm cổ điển, đòi hỏi sự nhọc công nhất định, giống như leo bộ lên đỉnh núi cao. Nhưng sự ra đời của những chương trình như Ca sĩ mặt nạ chẳng khác chi một hệ thống cáp treo giúp bạn vẫn chinh phục được đỉnh cao mà chẳng phải đánh đổi điều gì, không trầy trụa, không mệt bở hơi tai, không cần cố gắng vượt qua cảm giác muốn bỏ cuộc.

Phải thừa nhận rằng nhờ Ca Sĩ Mặt Nạ, khán giả Gen Z lại được làm quen với những diva như Trần Thu Hà, được biết rằng âm nhạc đích thực có thể như thế nào, dẫu cho âm nhạc đích thực ở đây cũng phải xen kẽ nhiều yếu tố giải trí để gây chú ý. Nói rộng ra thì mọi gameshow thực tế đều vén màn một điều bí ẩn nào đó: có thể là căn bếp bí ẩn của những đầu bếp (như các cuộc thi nấu ăn, như Top Chef, như Masterchef), có thể là hậu trường bí ẩn của sàn catwalk (như các cuộc thi người mẫu, Next Tops Model, The Face, The New Mentor, thậm chí cả một số cuộc thi hoa hậu giờ cũng làm theo cách này), có thể là những hành trình đi vào hoang dã bí ẩn (như Amazing Race), thậm chí có thể là các hành trạng bí ẩn của tình yêu (như các cuộc thi/ chương trình thực tế về việc hẹn hò, như The Bachelor, Love Island...).

Với gameshow, mọi thứ được bày ra sáng rõ, mọi ý niệm và nghề nghiệp đều được giải thiêng, không còn gì bí ẩn cả, tất cả biến thành những cuộc đua tranh, mà phần lớn là những cuộc đua tranh được thiết kế và lên kịch bản sao cho có vẻ sát phạt và vô cùng khốc liệt, để hòng tìm ra một quán quân cuối cùng. Gameshow giúp ta giải quyết được sự buồn chán của cuộc đời, nó là một thứ mì chính cho đời sống hiện đại tuy ngày càng sung sướng hơn và tiện nghi hơn nhưng lắm khi lại tẻ nhạt hơn, dập khuôn hơn và chán chường hơn.

Những khán giả xem gameshow sinh tử trong series phim “Squid Game”

Những khán giả xem gameshow sinh tử trong series phim “Squid Game”

2. Nhưng gameshow cũng chỉ là một cuộc cưỡi ngựa xem hoa, như khi bạn đi cáp treo vậy, bạn chỉ có thể nhìn phong cảnh qua một lớp kính và không thể chạm vào cảnh vật. Việc bản trình diễn “Ave Maria” của Tí Nâu khiến khán giả nổi da gà lúc ấy chẳng có nghĩa rằng sau đó, họ sẽ đi lùng tìm gia tài nhạc của Schubert và các soạn giả cổ điển khác để thưởng thức, thậm chí người ta thích bản nhạc ấy vào lúc đó không phải vì chính nó, mà vì bản nhạc thuần khiết ấy ở đây đã được khoác lên những đạo cụ giải trí bông lơn, những phụ kiện bắt mắt, thêm thắt những thủ thuật gây kích thích, khiến họ có ảo tưởng rằng nghệ thuật hàn lâm cũng có thể trở nên bình dân, điều đó làm họ thích thú, tò mò. Song đến hết chương trình, khi ảo tưởng đã tan thì nghệ thuật lại là nghệ thuật, lại trở về với dáng vẻ thâm u của nó.

Nói như vậy không phải để cất nghệ thuật vào két sắt, hay trao cho nghệ thuật vương miện nhà vua để nghệ thuật “ăn trên ngồi chốc” với khán giả đại chúng, nghệ thuật không cần thiết phải xa rời đám đông, nhưng để đi đến cùng với nghệ thuật - dù trên tư cách người thưởng ngoạn - cũng không thể có một con đường dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng. Ta đã từng chứng kiến những gameshow về nhạc rock khi ra mắt cũng không kém phần ồn ào, nhưng rồi cũng chẳng khiến cho dòng nhạc này hồi sinh ở Việt Nam, bởi đơn giản thứ rock mà người ta thích trong gameshow chỉ tồn tại chốc lát trên truyền hình, còn rock thực sự có một đời sống khác, trong thế giới về đêm, trong tinh thần phá bỏ và hoàn toàn tự tại và nói chung, đã đến thời kỳ nó không còn phù hợp với số đông. Thậm chí sự chiếm dụng của gameshow có thể làm suy vi một thể loại nghệ thuật, như thời thịnh trị những cuộc thi bolero lại vô hình trung đưa dòng nhạc này vào cuộc tranh luận về giá trị, bị phủ nhận toàn triệt, khiến người ta dị ứng với bolero và chỉ cần nghe đến bolero là họ liên tưởng tới một hệ thẩm mỹ sến sẩm, nỉ non mà những người cấp tiến nên tránh xa.

Có lẽ nỗi sợ này hơi xa vời, nhưng nếu bạn còn nhớ bộ phim truyền hình đình đám một thời của Hàn Quốc, Squid Games, về một cuộc chơi sinh tử giữa những người khốn quẫn để giành giật một số tiền thưởng khổng lồ những mong đổi đời. Đó cũng là một gameshow giải trí, chỉ là không giải trí cho toàn dân, mà giải trí cho một số ít những ông trùm giàu có giấu mặt. Những vị chóp bu này đeo mặt nạ rồi cùng vào một khán phòng lớn, nơi họ cùng nhau xem tường thuật trực tiếp những cuộc đấu sống chết giữa người nghèo, rồi đặt cược vào các thí sinh như thể đang đặt cược cho những cuộc đua ngựa. Những kẻ đó chỉ muốn được giải trí, và họ chọn cách giải trí hóa hành trình sinh tồn của người khác.

Dù có vẻ rất hư cấu nhưng không phải trong lịch sử con người chưa từng diễn ra những gameshow như thế, chẳng hạn như thời kỳ La Mã với những võ sĩ giác đấu chiến đấu đổ máu cùng cọp beo. Và tình tiết này làm ta tự hỏi, có gì trên đời không thể được đem làm nội dung gameshow hay không? Có gì không thể trở thành một cuộc đấu giải trí không? Hay nếu như được cho phép, người ta sẽ chiếm dụng bất cứ thứ gì, đừng nói là nhạc cổ điển, mà kể cả tình yêu, phẩm giá (chúng ta đã từng thấy những chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò tiêu giảm con người thành những đối tượng tình dục), thậm chí là mạng sống?

Thật khó để biết được, nhưng chắc chắn là chừng nào cuộc sống còn có những chuyện buồn tẻ thì chừng ấy con người sẽ còn đắm mình trong những gameshow.

Hiền Trang

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/gameshow--cap-treo-dan-toi-dinh-nghe-thuat-i707104/