Fed thêm một lần mang lại động lực cho giới đầu tư

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Ba (4/6), sau khi dữ liệu thị trường lao động làm tăng thêm lo ngại về sự yếu kém trong nền kinh tế.

Các chỉ số chính đều giảm sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, cơ hội việc làm đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm vào tháng Tư, báo hiệu sự thắt chặt của thị trường lao động. Cụ thể, chỉ có hơn 8,059 triệu vị trí được tuyển dụng trong tháng 4/2024, thấp hơn so với dự báo có 8,4 triệu vị trí tuyển dụng từ giới phân tích.

Dữ liệu này là dữ liệu mới nhất trong một loạt các báo cáo gần đây, bao gồm hoạt động sản xuất trong tháng Năm suy yếu đã làm gia tăng lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến các thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn.

Kỳ vọng về việc giảm lãi suất vào tháng 9 hiện ở mức khoảng 65%, so với mức dưới 50% vào tuần trước, theo công cụ FedWatch của CME.

"Các bằng chứng đã tích lũy cho thấy Fed nên bắt đầu nới lỏng. Ngày càng ít công nhân nghỉ việc mỗi tháng, báo hiệu rõ ràng ít cơ hội kiếm được mức lương cao hơn bằng cách nhảy việc", Ronald Temple, chiến lược gia thị trường trưởng tại Lazard cho biết.

Tuy nhiên, các chỉ số vẫn gặp khó và đóng cửa phiên này tăng nhẹ, khi áp lực chốt lời ở các cổ phiếu công nghệ và chip vốn hóa lớn, vốn là động lực chính của các đợt tăng gần đây trên Phố Wall.

Trong một diễn biến khác, Bộ Thương mại Mỹ cho biết đơn đặt hàng đối với hàng hóa sản xuất đã tăng 0,7% trong tháng 4, cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế là tăng 0,6%.

Kết thúc phiên 4/6: Chỉ số Dow Jones tăng 140,26 điểm (+0,36%), lên 38.711,29 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,94 điểm (+0,15%), lên 5.291,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 28,38 điểm (+0,17%), lên 16.857,05 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, khi cổ phiếu hàng hóa, khai thác và năng lượng sụt giảm, trong khi sự thận trọng vẫn đang duy trì trước cuộc họp chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối tuần này.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 giảm 0,54% xuống 517,05 điểm.

Nhóm cổ phiếu năng lượng dẫn đầu trong số các nhóm ngành chính với mức giảm 2,6% và chạm mức thấp nhất trong hơn hai tháng, ảnh hưởng bởi giá dầu giảm hơn 1% do hoài nghi về quyết định của OPEC+.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản, bao gồm nhiều công ty khai thác mỏ lớn nhất châu Âu, giảm 2,3%, trong bối cảnh giá các kim loại như vàng và đồng giảm.

Tâm lý tránh ra rủi ro và quyết định đứng ngoài quan sát cũng xuất hiện khi giới đầu tư chờ đợi phán quyết lãi suất của ECB vào thứ Năm. Tuy nhiên, sự gia tăng gần của lạm phát khu vực đồng euro đã làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng nới lỏng tiền tệ nhiều hơn trong năm nay.

Về mặt dữ liệu, số người thất nghiệp ở Đức đã tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 5, trong khi lạm phát của Thụy Sĩ ổn định trong tháng 5, làm tăng kỳ vọng của thị trường rằng Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa vào cuối tháng này.

Kết thúc phiên 4/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 30,71 điểm (-0,37%), xuống 8.232,04 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 202,52 điểm (-1,09%), xuống 18.405,64 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 60,12 điểm (-0,75%), xuống 7.937,90 điểm.

Giá dầu thô tiếp đà giảm, sau khi OPEC+ cho biết sẽ bắt đầu thu hẹp kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày nhưng sẽ được dỡ bỏ từ tháng 10. Điều này làm tăng thêm nỗi lo lắng về tình trạng dư cung trong một môi trường mà các nhà giao dịch lo sợ rằng lãi suất cao cản trở hoạt động kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 4/6, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,97 USD (-1,31%), xuống 73,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,84 USD (-1,07%), xuống 77,52 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/fed-them-mot-lan-mang-lai-dong-luc-cho-gioi-dau-tu-post346600.html