Duy thức trong Thắng pháp (Abhidhamma)

Thắng pháp liệt kê rất chi tiết về các phần tử của tâm thức và mô tả sự vận hành rất vi tế của tâm thức. Ðể thể nghiệm, hành giả cần phải quán sát nội tâm một cách tinh tường từng thời khắc một, và từ đó sẽ hiểu Thắng pháp rốt ráo hơn. Trong ý nghĩa đó, Thắng pháp có thể xem như là một môn tâm lý học thực nghiệm tinh vi và bao quát.

Mục lục bài viết

1. Về Thắng pháp (Abhidhamma)
2. Các nguyên tắc cơ bản
3. Bốn phân hạng chính
4. Sắc pháp
5. Tâm pháp (Tâm vương pháp)
6. Tâm sở (Sở hữu tâm)
7. Lộ trình tâm (Tâm lộ)
8. Niết bàn

Thắng pháp liệt kê rất chi tiết về các phần tử của tâm thức và mô tả sự vận hành rất vi tế của tâm thức. Ðể thể nghiệm, hành giả cần phải quán sát nội tâm một cách tinh tường từng thời khắc một, và từ đó sẽ hiểu Thắng pháp rốt ráo hơn. Trong ý nghĩa đó, Thắng pháp có thể xem như là một môn tâm lý học thực nghiệm tinh vi và bao quát.

Tác giả: Bình Anson
Nguồn: Budsas.net

1. Về Thắng pháp (Abhidhamma)

Tạng thứ ba của Tam Tạng Kinh Ðiển (Tipitaka) là Abhidhamma Pitaka. Tạng này thường được gọi là Luận Tạng vì theo hệ thống kinh điển Ðại thừa, đây là tập hợp các bộ luận giải của các vị cao tăng Ðại thừa. Tuy nhiên, trong hệ Nguyên thủy và để sát nghĩa, Abhidhamma là tập hợp các bài giảng sâu xa của Ðức Phật về thể tính của vạn pháp, và thường được sách Tàu phiên âm là A tỳ đàm. Dịch đúng nghĩa là Vi diệu pháp hay Thắng pháp. Cũng có sách dịch là Ðối pháp, Vô tỷ pháp, hay Ðại pháp.

Theo truyền thống, Thắng pháp được nhiều Phật tử Nam tông kính mộ và tin tưởng rằng đó là các bài giảng mỗi đêm của Ðức Phật cho chư thiên và hoàng hậu Ma Da trong ba tháng của mùa hạ thứ bảy tại cung trời Ðao Lợi. Vào ban ngày, Ngài tóm tắt lại cho Ðại đức Xá Lợi Phất, và sau đó Đại đức Xá Lợi Phất khai triển rộng ra thành bộ Thắng pháp.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu kinh sử Phật giáo, tạng Thắng pháp này được khai triển về sau, trong các thế kỷ hoằng hóa đạo Phật trong thời kỳ phân chia bộ phái, và được đúc kết lại tại Ðại hội Kết tập Kinh điển lần thứ 4 ở Tích Lan vào năm 20 trước Công Nguyên. Ðây là kết quả của nền văn học A tỳ đàm, căn bản chung cho mọi tông phái, kể cả Bắc tông Ðại thừa.

Dù rằng về sau này, các diễn dịch chi tiết của Duy thức tông Ðại thừa có nhiều khác biệt, có thể nói là các ý tưởng chính yếu và khái niệm về duy thức đó đều cùng có chung một nguồn gốc.

Nhìn chung, Thắng pháp là một cố gắng nhằm tổng hợp các bài giảng trong Kinh tạng qua một cấu trúc bao quát và liên kết. Thắng pháp là một hệ thống tâm lý học phức tạp và tinh vi. Ngoài ra, Thắng pháp cũng nhắm đến các vấn đề về siêu hình, thể tính, luận lý, giải thoát nằm ngoài phạm vi của tâm lý học Tây phương hiện thời.

Ðể thông hiểu Thắng pháp, ngoài việc tra cứu kinh sách, hành giả cần phải thực chứng quán niệm nội tâm, trong đó phương cách hữu hiệu nhất là hành trì các pháp thiền minh sát – chẳng hạn như các phương pháp trong quyển Thanh Tịnh Ðạo (Visudhimagga) của ngài Phật Âm (Buddhaghosa) mà hiện nay vẫn còn được áp dụng tại nhiều thiền viện ở Miến Ðiện, Thái Lan và Tích Lan.

Thắng pháp liệt kê rất chi tiết về các phần tử của tâm thức và mô tả sự vận hành rất vi tế của tâm thức. Ðể thể nghiệm, hành giả cần phải quán sát nội tâm một cách tinh tường từng thời khắc một, và từ đó sẽ hiểu Thắng pháp rốt ráo hơn. Trong ý nghĩa đó, Thắng pháp có thể xem như là một môn tâm lý học thực nghiệm tinh vi và bao quát.

2. Các nguyên tắc cơ bản

Một cách tóm tắt, Thắng pháp được dựa chặt chẽ theo 3 đặc tính – tam pháp ấn – của mọi hiện tượng hữu vi: Khổ (dukkha), Vô thường (anicca), Vô ngã (anatta). Thêm vào đó, Thắng pháp cũng dựa theo luật Duyên khởi, như là một nguyên tắc tổng quát và một sự vận hành có điều kiện tính. Tất cả mọi sự cố trên đời đều vận hành theo luật nhân quả, không có gì ngẫu nhiên hoặc áp đặt bởi một vị thần tạo hóa.

Ðiều kiện tính là sự diễn tả của một chuỗi nhân và quả, nhất là 12 nhân duyên thường được thấy trong nhiều bài kinh, bắt đầu bằng: “do vô minh duyên sinh các nghiệp hành, do hành duyên sinh thức”, và đưa đến các hoạn khổ. Từ đó, Thắng pháp đưa ra các tiên đề sau:

– Không có gì sinh ra mà không có nguyên nhân.

– Không có gì sinh ra mà chỉ do một nguyên nhân.

– Không có gì sinh ra mà không có tác động.

– Không có gì tồn tại hơn một thời khắc.

3. Bốn phân hạng chính

Thắng pháp đề cập đến hai loại sự thật: sự thật thông thường (tục đế, sammutisacca), và sự thật tuyệt đối (chân đế, paramatthasacca). Theo chân đế, tất cả mọi sự vật trên đời, mọi pháp (dhamma), có thể được xếp theo bốn phân hạng chính: Sắc (Rupa), Tâm hay Tâm vương (Citta), Sở hữu tâm hay Tâm sở (Cetasika), và Niết Bàn (Nibbana).

Ðể đối chiếu với Kinh tạng, trong cặp Danh – Sắc thì ở đây, Thắng pháp chia Danh (nama) làm 2 loại: Tâm và Tâm sở. Trong khái niệm về ngũ uẩn – sắc, thọ, tưởng, hành, thức – thì thức (vinnana) được Thắng pháp xem như là Tâm (hay tâm vương), còn thọ, tưởng, hành thì được xem là Tâm sở (riêng Hành thì được chia chẻ ra làm nhiều phần tử khác).

4. Sắc pháp

Sắc là thể chất vô tri giác hằng biến hoại đổi thay. Có tất cả 28 sắc pháp, phân thành 2 nhóm:

1) Nhóm Tứ đại (Ðại chủng), gồm đất, nước, lửa, gió; và

2) Nhóm Y đại sinh (Tứ đại sở tạo), gồm 24 sắc pháp

Trong nhóm tứ đại, Ðất là đặc tính cứng mềm, choán không gian; Nước là đặc tính dẽo nhờn, quến tụ; Lửa là đặc tính nóng lạnh, năng lượng; và Gió là đặc tính di động, đàn hồi.

Nhóm Y đại sinh là do bốn Ðại chủng sắc kết hợp tác thành, gồm có 24 sắc pháp: 5 Tịnh sắc, 4 Hành cảnh sắc, 2 Bản tánh sắc, 1 Sắc ý vật, 1 Mạng sắc, 1 Thực sắc, 1 Hạn giới sắc, 2 Biểu sắc, 3 Biến hóa sắc, và 4 Tướng sắc.

5. Tâm pháp (Tâm vương pháp)

Tâm, theo Thắng pháp, là sự nhận thức sự hiện hữu của đối tượng, sự biết, sinh khởi trong một thời khắc khi có trần cảnh. Có nhiều cách phân chia Tâm. Thông thường là phân chia làm 6 tâm (thức), theo sáu cửa tiếp xúc: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý.

Theo cách phân giải chi tiết của Thắng pháp thì tâm tổng thể được chia làm 89 tâm vương. Có nhiều cách kết nhóm các tâm vương này, trong đó có thể kết nhóm theo cõi giới:

1) Dục giới có 54 tâm: 23 dị thục tâm, 11 duy tác tâm, 12 bất thiện tâm, và 8 thiện tâm.

2) Sắc giới có 15 tâm: 5 thiện tâm, 5 dị thục tâm, và 5 duy tác tâm, tùy theo các cấp độ thiền-na hữu sắc (rupajhana).

3) Vô sắc giới có 12 tâm: 4 thiện tâm, 4 dị thục tâm, và 4 duy tác tâm, tùy theo các cấp độ thiền-na vô sắc (arupajhana).

4) Siêu thế giới (lokuttaram) có 8 tâm siêu thế: tâm đạo và tâm quả của mỗi quả vị thánh (Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán).

Cũng có khi tâm được chia làm 121 tâm vương. Sự khác biệt là do cách phân chia của tâm siêu thế: thay vì chia làm 8 loại tâm siêu thế thì tâm tại 5 tầng thiền-na (jhana) của mỗi đạo quả được đưa vào, tạo thành 40 tâm siêu thế (8 x 5).

Một cách kết hợp khác là kết theo 4 nhóm: 12 bất thiện tâm, 21 thiện tâm, 36 dị thục tâm và 20 duy tác tâm. Bất thiện tâm là tâm phát sinh từ tham, sân, si; còn Thiện tâm là tâm phát sinh từ vô tham, vô sân, vô si. Các tâm này đều tạo nghiệp (kamma) mà kết quả là các tâm Dị thục. Tâm Duy tác là tâm tuy có hành động nhưng không tạo nghiệp, không có kết quả dị thục.

6. Tâm sở (Sở hữu tâm)

Tâm sở là các phần cấu thành Tâm vương, là phần sở hữu của Ý hoặc Thức, phụ trợ cho sự biết cảnh. Có tất cả 52 tâm sở: Thọ, Tưởng, và 50 tâm sở trong nhóm Hành. Bốn đặc tính quan trọng của tâm sở là:

– đồng sinh với Tâm,

– đồng diệt với Tâm,

– đồng nương một vật với Tâm, và

– đồng biết một cảnh với Tâm.

Chúng ta cần biết rõ các đặc tính quan trọng này, bởi vì khi phân tích từng thành phần, có khi ta lầm tưởng rằng có một sự tách biệt giữa tâm và tâm sở. Mỗi khi một loại tâm sinh ra thì kèm theo với một tập hợp các tâm sở tương ứng. Mỗi loại tâm có một nhóm tâm sở riêng biệt theo các qui luật nhất định. Tuy nhiên có nhóm tâm sở biến hành (sabbacittasadharana) kết hợp trong mọi loại tâm, trong đó có 7 tâm sở: xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm (định), mạng quyền, và tác ý.

Nhóm tâm sở biệt cảnh (pakinnaka) là các tâm sở có thể thiện, có thể bất thiện, tùy theo đối tượng tâm, gồm có 6 tâm sở: tầm, tứ, thắng giải (quyết định), tinh tấn (cần), hoan hỷ, và dục.

Nhóm tâm sở bất thiện (akusala) gồm có 14 tâm sở: si, vô tàm (không hổ thẹn), vô quý (không sợ tội lỗi), trạo cử, tham, tà kiến, mạn, sân, tật (ganh ghét), lận (bỏn xẻn), hối quá (hối hận), hôn trầm, thụy miên, và hoài nghi.

Nhóm tâm sở tịnh quang (sobhana) là các tâm sở tốt đẹp, trong sạch, thanh tịnh, và gồm có 25 tâm sở, được chia làm 4 loại:

– 19 tâm sở tịnh quang biến hành: tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, hành xã, tịnh thân, tịnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chính thân, và chính tâm.

– 3 tâm sở tiết chế: chính ngữ, chính nghiệp, và chính mạng.

– 2 tâm sở vô lượng: bi và tùy hỷ.

– 1 tâm sở tuệ quyền (pannindriya): hiểu biết sự vật đúng như thật, qua 3 đặc tướng khổ, vô thường, và vô ngã.

7. Lộ trình tâm (Tâm lộ)

Một trong những ý niệm chính yếu trong Thắng pháp là sự vận hành của tâm, gọi là Tâm lộ hay Lộ trình Tâm (cittavithi). Một tâm khởi sinh, trụ và diệt trong một thời gian rất ngắn, thường gọi là một sát na tâm (cittakkhana). Mỗi khi tiếp xúc với đối tượng, các loại tâm xảy ra theo một lộ trình rất phức tạp, tùy theo các hoàn cảnh riêng biệt. Thông thường, các vị giảng sư dùng một thí dụ đơn giản khi mắt thấy một đối tượng để diễn tả một lộ trình tiêu biểu gồm 17 sát na như sau:

1) Hộ kiếp (bhavanga, hữu phần) vừa qua

2) Hộ kiếp rúng động

3) Hộ kiếp dứt dòng

4) Ngũ môn hướng tâm (ở đây là nhãn môn)

5) Nhãn thức

6) Tiếp thu

7) Xác định

8) Phán đoán

9 – 15) Bảy sát na tâm tốc hành (javana)

16 – 17) Hai sát na tâm đồng sở duyên (thập di)

Sát na tâm đầu tiên gọi là gọi là “hộ kiếp vừa qua” vì lúc đó, cảnh chưa có tác động qua mắt, và luồng hộ kiếp còn liên hệ với cảnh quá khứ. Hai sát na kế tiếp là khi hộ kiếp rúng động và tan vở, và tâm trở về thực tại, và hướng về đối tượng qua con mắt (nhãn môn hướng tâm), và nhãn thức sinh khởi.

Ba sát na kế tiếp là tâm bắt đầu tiếp nhận và suy xét, phán đoán. Bảy sát-na tâm tốc hành là quan trọng nhất vì đây là lúc tâm có thể tạo nghiệp hành mới. Nghiệp này có thể tạo quả tức thời trong lộ trình kế tiếp, hay sẽ tạo quả trong một tương lai về sau hoặc kiếp sau. Hai sát na cuối cùng là tâm ghi nhận, tùy theo bản chất của đối tượng mà cường độ ghi nhận có thể thay đổi. Cuối cùng, tâm lại rơi vào luồng hộ kiếp (bhavanga), và tiến vào lộ trình kế tiếp.

Trên một bình diện nào đó, nhiều học giả cho rằng quan niệm về luồng Bhavanga là căn bản cho việc khai triển các quan niệm về Tàng thức (A-lại-da thức) của Duy thức tông về sau này.

Cần nên biết rằng toàn thể một lộ trình như thế xảy ra rất nhanh, và có hàng vạn lộ trình xảy ra chỉ trong một chớp mắt. Ngoài ra còn có các tâm lộ khác, tùy theo hoàn cảnh, chủ thể và đối tượng. Thắng pháp còn đề cập các tâm lộ đặc biệt như lúc cận tử, lúc nhập thai, khi hành giả đắc các tầng thiền-na, và khi đạt các đạo quả thánh.

8. Niết bàn

Phân hạng cuối cùng là Niết Bàn. Ðây là pháp duy nhất không có đặc tướng vô thường và phiền khổ. Ðây là pháp duy nhất không có điều kiện tính (pháp vô vi) hoặc phụ thuộc vào các pháp khác. Về tự tánh (sabhavato) thì Niết Bàn là an tịnh, vắng lặng (santi) và chỉ có một. Theo sự việc thì Niết Bàn có hai: hữu dư y Niết Bàn và vô dư y Niết Bàn. Thật ra, chúng ta không thể nào diễn tả hoặc phân tích Niết Bàn bằng ngôn từ đối đải của hiệp thế.

(Viết theo bài “Some Introductory Notes on Abhidhamma” của Tỳ kheo Punnadhammo, Canada)

Tác giả: Bình Anson
Nguồn: Budsas.net

Bài viết này dựa theo các ý tưởng chính trong bài tham luận “Some introductory notes on Abhidhamma” của Tỳ kheo Punnadhammo, Canada, đăng trên diễn đàn truyền thông Internet năm 1998.

-ooOoo-
Tài liệu tham khảo:

Có thể tìm đọc các tài liệu về Vi diệu pháp liệt kê tại: Mục lục Vi diệu pháp.

Việt ngữ

1) Tạng Vi diệu pháp (Abhidhamma Pitaka), Hòa thượng Tịnh Sự dịch, xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1990.

2) Vi diệu pháp Nhập Môn, Tỳ kheo Giác Chính, xuất bản tại Sài Gòn trong thập niên 1970.

3) Siêu Lý Học, Tỳ kheo Giác Chính, xuất bản tại Sài Gòn trong thập niên 1970.

4) Thắng pháp Tập Yếu Luận, Hòa thượng Minh Châu dịch, Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973. Chùa Kỳ Viên (Washington DC) in lại năm 1989.

Anh ngữ

1) Nina Van Gorkom (1976). Abhidhamma in Daily Life. Bangkok, Thailand. ISBN 189-76-3317-3 (“Vi diệu pháp áp dụng trong đời sống hằng ngày”, Tỳ kheo Thiện Minh dịch).

2) Mahathera Narada (1979). A Manual of Abhidhamma. Colombo, Sri Lanka. Reprinted by Buddhist Missionary Society, Malasia, 1987. (“Vi diệu pháp Toát Yếu”, Phạm Kim Khánh dịch)

3) Bhikkhu Bodhi (1993). A Comprehensive Manual of Abhidhamma. Kandy, Sri Lanka. ISBN 955-24-0103-8

4) Buddhaghosa. The Path of Purification (Visuddhimagga), translated by Bhikkhu Nanamoli (1991). Kandy, Sri Lanka. ISBN 955-24-0023-6 (“Thanh Tịnh Ðạo”, Ni sư Trí Hải dịch).

5) Sayadaw U Acinna (1997). The Light of Wisdom. Kuala Lumpur, Malaysia.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/duy-thuc-trong-thang-phap-abhidhamma.html