Đường Quảng Ngãi (QNS): Lãi tăng gấp đôi năm trước, cổ phiếu QNS lập đỉnh lịch sử

Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cho biết lợi nhuận quý 2/2023 tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước nhờ giá đường và sản lượng tiêu thụ tăng cao. Qua đó, công ty đã hoàn thành 100% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Lợi nhuận tăng gấp đôi, nắm hơn 5.500 tỷ tiền gửi ngân hàng

Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS – sàn UpCOM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm nay với các kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, tính riêng quý 2/2023, Đường Quảng Ngãi ghi nhận doanh thu thuần 3.152 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán trong cùng kỳ chỉ tăng 39,6%, do vậy lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này đã tăng vọt 52% lên mức 997 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2/2023, Đường Quảng Ngãi báo lãi ròng gần 712 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đường Quảng Ngãi hiện chiếm 13% thị phần đường cả nước và sở hữu nhà máy đường lớn nhất cả nước với công suất 1.000 tấn đường/ngày.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua nhưng một số sản phẩm của Đường Quảng Ngãi vẫn duy trì mức tiêu thụ ổn định và tăng trưởng cao như sản phẩm Đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133% và doanh thu tăng 151%; sản phẩm Nha có sản lượng tiêu thụ tăng 13% và doanh thu tăng 14%; Điện có sản lượng tiêu thụ tăng 35% và doanh thu tăng 39%.

Đường Quảng Ngãi cho biết đã tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía, dây chuyền sản xuất đường đã đi vào hoạt động ổn định giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Đồng thời, Đường Quảng Ngãi nhấn mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại của Chính phủ đối với sản phẩm đường và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu cũng là một trong những nguyên nhân giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Đường Quảng Ngãi ghi nhận 5.282 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.028 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng gần 32% và tăng 90% so với nửa đầu năm 2022. Như vậy, doanh nghiệp đường này đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Đáng chú ý, tính đến hết tháng 6/2023, Đường Quảng Ngãi đang nắm giữ hơn 5.500 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng (tương đương 46% tổng tài sản), bao gồm 300 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và hơn 5.200 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này cũng đã gia tăng vay nợ ngắn hạn khiến tổng khoản nợ ngắn hạn đã tăng thêm hơn 46%, đạt 4.049 tỷ đồng (tương đương 34% tổng tài sản).

Cổ phiếu QNS lập đỉnh lịch sử, dự báo giá đường neo cao

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: Trading View)

Đường Quảng Ngãi hiện chiếm 13% thị phần đường cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc sau Tập đoàn Thành Thành Công. Nhà máy Đường An Khê của Đường Quảng Ngãi hiện có quy mô lớn nhất cả nước với công suất 1.000 tấn đường/ngày.

Đồng thời, doanh nghiệp này còn có diện tích mía đường lớn thứ 2 cả nước (30.000 ha tại An Khê, Gia Lai), với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, giá thuê đất rẻ so với mặt bằng chung của các vùng trồng mía đường trọng điểm khác.

Đáng chú ý, giá thành sản xuất đường của Đường Quảng Ngãi thấp hơn so với trung bình của cả nước 15%. Bên cạnh đó, Đường Quảng Ngãi đã phát triển và hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín nên thị trường đầu ra ổn định; sử dụng đường làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sữa đậu nành và bánh kẹo, tận dụng được các phụ phẩm, tăng thêm doanh thu từ phụ phẩm (bã mía).

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường Việt Nam nói chung, Đường Quảng Ngãi nói riêng được kỳ vọng tiếp tục gặp thuận lợi trong nửa cuối năm nay khi giá đường trong nước bắt đầu tăng lên theo giá đường thế giới.

Giá đường tinh luyện dự báo sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg kể từ quý 2/2023. Trong khi đó, giá đường thế giới hiện đang ở mức cao nhất 11 năm trở lại đây do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.

Xem thêm: "Giá đường thế giới phục hồi 11%, liệu cổ phiếu QNS, LSS, SLS có bước vào đợt tăng mới?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan đang tạo trợ lực lớn cho các doanh nghiệp mía đường Việt Nam. Theo tính toán của Tiên Phong Securities, với việc bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như trên, giá đường từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam dự kiến sẽ ở trên mức 22.000 đồng/kg sau khi bị đánh thuế đầy đủ. Qua đó, tạo dư địa khá lớn cho giá đường Việt Nam tiếp tục tăng lên.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi đạt 53.400 đồng/cổ phiếu. Nếu so với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu QNS đã tăng khoảng 56%.

Hiện thị giá cổ phiếu QNS đang ở vùng giá cao nhất kể từ khi chính thức được niêm yết trên sàn UPCoM vào cuối năm 2016 đến nay. Tương tự, giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp mía đường cũng liên tục phá đỉnh lịch sử trong giai đoạn gần đây.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/duong-quang-ngai-qns-lai-tang-gap-doi-nam-truoc-co-phieu-qns-lap-dinh-lich-su-108075.htm