Đừng tiết kiệm khi thoa kem chống nắng

Chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF thấp, hay dùng một cách dè sẻn có thể giảm hiệu quả bảo vệ làn da.

 Chỉ số SPF là yếu tố quan trọng trong quá trình lựa chọn kem chống nắng phù hợp. Ảnh: Armin Rimoldi/Pexels.

Chỉ số SPF là yếu tố quan trọng trong quá trình lựa chọn kem chống nắng phù hợp. Ảnh: Armin Rimoldi/Pexels.

Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về công thức kem tốt nhất, liều lượng sử dụng hoặc thậm chí có nên sử dụng kem chống nắng hàng ngày hay không.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị rằng thoa kem chống nắng là việc nên làm hàng ngày. Trong đó, bác sĩ da liễu Sam Bunting (London, Anh) chia sẻ về 5 điều nên và không nên khi dùng kem chống nắng, Vogue đưa tin.

Nên: Chọn kem chống nắng SPF phổ rộng

Để bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB gây tổn thương, chúng ta nên sử dụng kem chống nắng SPF phổ rộng.

“Một quy trình chăm sóc da tốt là khi ngăn chặn tia UVA hiệu quả", bác sĩ Sam Bunting, người sáng lập phòng khám DR SAM BUNTING + ASSOCIATES, giải thích.

Mặc dù tia UVB thường được chú ý hơn vì gây ra những tổn thương dễ phát hiện, hãy đảm bảo kem chống nắng mà chúng ta sử dụng có khả năng chống cả tia UVA. Tia UVA có thể xuyên qua kính và cấu thành phần lớn (95%) tia UV chiếu xuống trái đất.

Tổn thương do tia UVA dẫn đến hình thành nếp nhăn, làm sắc tố, kết cấu da không đều, lỗ chân lông to, da thô ráp và hao hụt collagen. Kem chống nắng SPF phổ rộng có mức độ bảo vệ đáng kể, chống lại cả tia UVA và UVB nên được khuyên dùng cho mọi làn da.

Nên: Sử dụng kem chống nắng phù hợp với da

Kem chống nắng được chia thành 2 loại. Kem chống nắng hóa học có chứa thành phần oxybenzone, với công dụng như bộ lọc ánh sáng mặt trời, giúp hấp thụ tia UV và ngăn ngừa tổn thương da.

Kem chống nắng vật lý với thành phần từ khoáng chất, thường chứa kẽm oxit và titan dioxit, giúp bảo vệ da về mặt vật lý, phản xạ và hấp thụ ánh sáng.

 Lớp phủ rộng tạo ra khi kết hợp hai loại kem chống nắng có thể chống lại cả UVA và UVB. Ảnh: Xavier Lorenzo/Pexels.

Lớp phủ rộng tạo ra khi kết hợp hai loại kem chống nắng có thể chống lại cả UVA và UVB. Ảnh: Xavier Lorenzo/Pexels.

Theo bác sĩ Bunting, kết hợp cả kem chống nắng vật lý và hóa học sẽ tạo ra lớp phủ phổ rộng chống cả UVA và UVB.

Đáng tiếc, một vài loại da có phát sinh phản ứng đối với các công thức kem chống nắng, thường là những loại được ưa chuộng nhờ không tạo vân kem.

“Kem chống nắng khoáng chất sẽ mang lại trải nghiệm nhẹ nhàng hơn với những ai da nhạy cảm, bị trứng cá hoặc các loại bệnh chàm”, cô nói.

Bác sĩ Bunting cho biết kem chống nắng khoáng chất thường được sử dụng sau khi thực hiện các thủ thuật như laser, lột da hoặc bất kỳ lúc nào hàng rào bảo vệ da bị tổn thương.

Không nên: Tiết kiệm kem chống nắng

“Chúng ta thường cầu kỳ quá mức khi nói về các chỉ số SPF, nhưng hiếm ai nhắc đến tầm quan trọng của việc nên thoa kem một cách 'phóng khoáng'", bác sĩ Bunting cho biết.

Mức độ “phóng khoáng” đối với mỗi người sẽ khác nhau. Theo bác sĩ Bunting, 1/4 thìa cà phê kem chống nắng (tức khoảng 1,25 ml) là lượng vừa đủ cho cả mặt và cổ. Bác sĩ nhấn mạnh cần phải thoa đều để có một lớp bảo vệ phù hợp.

“Bạn cần phải 'trát' kem lên mặt như thể đang sơn tường”, cô nói.

 Phương pháp “13 chấm” giúp thoa lượng kem đủ và tạo lớp bảo vệ toàn diện hơn. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels.

Phương pháp “13 chấm” giúp thoa lượng kem đủ và tạo lớp bảo vệ toàn diện hơn. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels.

Một phương pháp giúp chúng ta không cần phải lấy dụng cụ đong đếm là “kỹ thuật 13 chấm”. Như tên gọi, chúng ta chỉ chấm 13 chấm kem chống nắng quanh mặt và thoa đều, giúp chia đều lượng kem mà không sợ sót.

"Bắt đầu với những thói quen đơn giản từ bây giờ sẽ giúp bạn giữ được vẻ đẹp khi bước sang tuổi 40”, bác sĩ Bunting cho biết.

Không nên: Dùng lớp trang điểm thay cho kem chống nắng

Quan điểm cho rằng lượng SPF trong kem nền sử dụng hàng ngày đủ che phủ là sai lầm. Bác sĩ cho rằng cần sử dụng kem chống nắng chuyên dụng.

"SPF 15 trong các loại kem nền dưỡng ẩm (tinted moisturizer) là không đủ cho làn da, chỉ có ít khả năng chống tia UVB”, bác sĩ nói.

Thực tế, lượng kem nền dưỡng ẩm này thường sẽ không được thoa đủ lên mọi vùng da cần bảo vệ. Khi đó, tầm quan trọng của kem chống nắng SPF chuyên dụng càng rõ ràng hơn.

Không nên: Sử dụng kem chống nắng SPF thấp

Chọn giữa SPF 30 hay 50 là chủ đề muôn thuở.

“Tôi thực sự ủng hộ sử dụng kem chống nắng SPF 50. Không chỉ gây lão hóa sớm, tia UV còn là tác nhân gây ung thư, nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được”, bác sĩ Bunting nói.

SPF 50 có khả năng bảo vệ da lên tới 95%, trong khi SPF 30 là 93%. Theo thời gian, 2% chênh lệch sẽ tích lũy dần.

Kim Ngân

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dung-tiet-kiem-khi-thoa-kem-chong-nang-post1491475.html