Dựng 'lá chắn' bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Thời đại công nghệ số, internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích, từ việc cung cấp thông tin, kết nối bạn bè, học tập trực tuyến đến giải trí...

Tuy nhiên, internet cũng tiềm ẩn nguy cơ đối với trẻ em như các mối đe dọa về an toàn thông tin hay việc tiếp cận với các nội dung bạo lực, độc hại... Trước thực tế đó, việc bảo vệ trẻ em trước những rủi ro trên mạng không chỉ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Mỗi gia đình cần chủ động có những giải pháp để bảo vệ trẻ em trước những ảnh hưởng tiêu cực trên môi trường mạng. Ảnh: Internet

Mỗi gia đình cần chủ động có những giải pháp để bảo vệ trẻ em trước những ảnh hưởng tiêu cực trên môi trường mạng. Ảnh: Internet

Những thách thức hiện hữu

Cuối tháng 11 vừa qua, tại Hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, đại diện Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) đã đưa ra con số gây bất ngờ, đó là có đến 40% trẻ em cảm thấy không an toàn và hơn 70% từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet.

Trước đó, trong một dự án nghiên cứu của UNICEF năm 2022 - khảo sát với 994 trẻ em Việt Nam từ 12 - 17 tuổi, có 2% cho biết, trong năm qua đã bị yêu cầu trò chuyện về tình dục khi bản thân không mong muốn, 1% bị yêu cầu chia sẻ hình ảnh, video khỏa thân; 8% nhận được những bình luận khiếm nhã, 5% nhận được những hình ảnh nhạy cảm không mong muốn...

Có thể thấy, chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ số đang có những phát triển vượt bậc. Các công nghệ hiện đại như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)... đã trở thành một phần không thể thiếu trong học tập, làm việc và giải trí. Tuy nhiên, song hành cùng những lợi ích là những thách thức ngày càng gia tăng, đặc biệt là về an toàn thông tin, quyền riêng tư trên môi trường mạng. Đặc biệt, trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất - đang đối mặt với nhiều nguy cơ khi các em chưa có đầy đủ kỹ năng để nhận diện và phòng tránh rủi ro.

Đơn cử, tháng 3-2024, một tài khoản TikTok đã đăng clip về một bé gái mặc bộ đồ thỏ trắng đang vui chơi trong trung tâm thương mại. Đáng nói là clip này đã thu hút hơn 6 triệu lượt xem cùng với hơn 80.000 lượt bình luận; bên cạnh những bình luận bày tỏ sự yêu thích, có rất nhiều bình luận khiếm nhã, có nội dung tiêu cực. Với vụ việc này, cộng đồng mạng bày tỏ sự tức giận, lên án những kẻ đã đăng những câu nói độc hại trên.

Ở một trường hợp khác, một nữ sinh lớp 8 tên là Nguyễn Phương N. kể rằng một ngày nọ em nhận được tin nhắn cùng số điện thoại của vài người lạ có ý quấy rối, đòi em cung cấp hình ảnh cho họ. Sau khi tìm hiểu, N. mới thấy hình ảnh và thông tin của em đang được phát tán trong một group kín trên nền tảng Telegram... Đó là chưa kể, xuất phát từ ý định “chỉ đùa cho vui”, nhiều học sinh đã bị bạn bè chế, ghép thông tin, hình ảnh cá nhân sau đó đăng lên mạng xã hội, gây tổn hại danh dự, làm xáo trộn cuộc sống...

Bên cạnh đó, sử dụng internet quá sớm còn mang đến nhiều hệ lụy khi các em bị ảnh hưởng bởi những thông tin độc hại, những trào lưu nguy hiểm du nhập từ nước ngoài. Đơn cử như năm 2019, trào lưu thử thách Momo, “cá voi xanh”, đã thu hút số lượng lớn người tham gia, gây ra những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ em. Hay một số đối tượng lợi dụng kẽ hở trên không gian mạng để kêu gọi các em tụ tập gây rối trật tự công cộng, lôi kéo các em sa vào tệ nạn xã hội... Không ít trường hợp, các em còn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như “mua, bán vật phẩm game online”, “cho, tặng điện thoại, máy tính để phục vụ học tập”...

Đối mặt với nhiều rào cản

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó phải kể tới Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng...

Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn gặp nhiều rào cản. Đầu tiên là kỹ năng nhận biết, xử lý thông tin độc hại của trẻ em còn nhiều hạn chế.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Hoạt động phối hợp giữa cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp trong Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, bà Trần Vân Anh, Giám đốc Chương trình MSD - United Way Việt Nam cho biết: “Tỉ lệ trẻ em tự học hỏi, tiếp thu kiến thức qua mạng xã hội tại Việt Nam khá cao. Đây là một điều tích cực nhưng cũng hàm chứa rủi ro xuất phát từ việc nhận thức của trẻ em còn chưa đầy đủ, chưa kể thông tin, kiến thức trên mạng xã hội luôn cần kiểm chứng về độ chính xác”.

Còn ông Đỗ Dương Hiển, chuyên gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tổ chức ChildFund Việt Nam, chia sẻ, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” sẽ có hiệu lực từ ngày 25-12 tới, thể hiện những bước tiến lớn trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng, như là về quản lý thời gian chơi game, trẻ dưới 18 tuổi không chơi game quá 3 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ cần có nhiều giải pháp cụ thể hơn, chi tiết hơn bởi trong thực tế, nhiều trẻ em đăng ký tài khoản bằng thông tin giả, hoặc các em có thể dễ dàng dùng tài khoản hay thiết bị của cha mẹ...

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Nga (Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chỉ ra rằng, hiện nay, Việt Nam chưa thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM (Child Sexual Abuse Material) gồm thông tin, dữ liệu đặc tả về hình ảnh/ video xâm hại trẻ em; thiếu cơ chế để các cơ quan chức năng và tổ chức, doanh nghiệp liên quan tham gia cập nhật, phân tích thông tin nhằm ngăn ngừa việc đăng tải, chia sẻ hình ảnh/video xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Thay vào đó, thông tin chủ yếu được tiếp nhận qua Tổng đài 111, website vn-cop.vn. Tuy nhiên, các nguồn tiếp nhận thông tin này lại thường xuyên bị quá tải do thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị để lưu trữ bằng chứng, hình ảnh, phân tích dữ liệu, kết nối xử lý vụ việc...

Trang bị "lá chắn" cho trẻ

Bảo vệ trẻ em, tăng cường hợp tác kết nối trên không gian mạng để bảo vệ và trao quyền cho trẻ em là những vấn đề đã được các cơ quan chức năng tích cực triển khai trong thời gian qua.

Năm 2021, “Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” được thành lập với sự tham gia của 24 đơn vị, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp... Năm 2023, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cũng ra mắt Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) gồm 11 thành viên là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam. Câu lạc bộ ra đời nhằm tăng cường sự kết nối giữa các bên liên quan, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng...

Hướng đến các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, về bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan tới trẻ em trên mạng, đặc biệt chú ý đến việc thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM...

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng bảo vệ con em mình, như thiết lập các quy tắc về việc sử dụng máy tính, thiết bị mạng. Cần quy định thời gian sử dụng; trang bị giải pháp và phương tiện bảo vệ an toàn thông tin cho gia đình, như các phần mềm phòng chống mã độc, virus; các giải pháp chặn/ lọc thông tin xấu, giám sát và ngăn chặn thông tin độc hại khi con cái truy cập mạng... Đồng thời, cha mẹ, nhà trường cũng cần trang bị kỹ năng “tự vệ” cho trẻ, giúp trẻ biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh trên không gian mạng... Đó chính là chiếc “lá chắn khỏe mạnh” giúp trẻ tăng sức “miễn dịch” trong thời đại số.

Khánh Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dung-la-chan-bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-687678.html