Đừng để trường nội trú trở thành 'vết đen' của ngành giáo dục Thanh Hóa
Đã đến lúc chấm dứt sai phạm tại các trường dân tộc nội trú tại Thanh Hóa, đừng để những ngôi trường này trở thành 'vết đen' của ngành giáo dục địa phương.
Ngành giáo dục Thanh Hóa từ lâu nay đã và đang là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, với những thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng loạt sai phạm liên quan đến tuyển sinh, quản lý tài chính và sử dụng cơ sở vật chất, đặc biệt là tại các trường dân tộc nội trú đã làm lung lay nghiêm trọng hình ảnh đẹp về ngành giáo dục mà phải dày công xây dựng trong lòng nhân dân.
Những vi phạm này còn khoét sâu vào niềm tin của người dân, biến các trường dân tộc nội trú từ biểu tượng của sự hy vọng thành nỗi hoài nghi, thành “vết đen” của ngành giáo dục Thanh Hóa.
Phải chăng lỗi hệ thống?
Chỉ trong một nhiệm kỳ, từ huyện biên giới xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa là Mường Lát đến các huyện gần miền xuôi hơn như Quan Hóa, Ngọc Lặc và rồi đến cả Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh – trường nằm ngay trung tâm TP. Thanh Hóa, hàng loạt sai phạm đã bị phát hiện.

Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Mường Lát.
Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Mường Lát, đơn vị này bố trí phòng ở của học sinh cho cán bộ nhà trường và lái xe UBND huyện, trong khi học sinh chen chúc trong điều kiện thiếu thốn. Ký túc xá cũng không đảm bảo, cơ sở vật chất tồi tàn, phản ánh sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, câu chuyện con lãnh đạo “đi lạc” vào trường dân tộc nội trú ở Thanh Hóa cũng là đề tài được dư luận quan tâm, đa phần bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc, đâu đó còn vang lên những tiếng thở dài đầy bất lực.
Ngoài con cán bộ ‘đi lạc’, nhiều học sinh khác cũng bị “ngồi nhầm chỗ” khi không đủ điều kiện nhưng vẫn được theo học tại các trường dân tộc nội trú. Với việc tuyển sinh sai cũng đã dẫn đến ngân sách nhà nước cũng được chi trả không đúng đối tượng.

Trong số 151 học sinh trúng tuyển tại Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa thì có đến 153 em không đúng đối tượng. Ảnh: Quốc Huy
Khi phát hiện sai phạm, các cá nhân có liên quan đến việc tuyển sinh sai đều bị kỷ luật, tùy mức độ sẽ nặng nhẹ khác nhau. Chỉ riêng tại huyện Quan Hóa, đã có 4 cán bộ bị khởi tố vì “phù phép” đưa 36 học sinh không đủ điều kiện vào trường nội trú, gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.
Mới đây, dư luận xứ Thanh quan tâm câu chuyện ‘bữa ăn thiếu chất’ tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Quan Hóa. Một số phụ huynh cho rằng bữa ăn khá “nghèo nàn”, không đủ chất so với độ tuổi đang phát triển của các em.
Khi chúng ta nhìn nhận một cách tổng thể về vi phạm của các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đây không đơn thuần là sai sót cá nhân mà phản ánh một “căn bệnh” trầm kha, “lỗi hệ thống”, thể hiện sự vô tâm, thiếu trách nhiệm, buông lỏng giám sát; lỏng lẻo trong công tác quản lý và sự nhờn luật trong giáo dục.
Đừng để trở thành ‘vết đen’
Với những sai phạm xảy ra trên diện rộng, trong nhiều năm liên tiếp ở nhiều địa phương, chúng ta có thể nhận thấy trách nhiệm không thể chỉ thuộc về từng cá nhân mà còn đặt ra dấu hỏi lớn về vai trò giám sát của ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa cũng như chính quyền địa phương.
Lãnh đạo, cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo hay chính quyền địa phương có thể không trực tiếp “nhúng tay” vào các sai phạm, nhưng rõ ràng đã thể hiện việc buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm tra cũng như giải quyết triệt để vấn đề. Mỗi khi dư luận và báo chí lên tiếng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra mới vào cuộc, và như một lẽ đương nhiên, nhiều sai phạm bị “lôi” ra ánh sáng.

Đừng để các trường nội trú tỉnh Thanh Hóa bị "bôi đen" bởi sai phạm. Ảnh: Quốc Huy
Thanh tra ngành giáo dục và các phòng/ban chuyên môn các cấp lẽ ra phải là “tấm lưới” ngăn chặn sai phạm ngay từ đầu, nhưng có vẻ như lưới đã rách hoặc quá thưa khiến nhiều cá nhân lợi dụng và sai phạm vẫn tiếp diễn.
Việc hàng loạt trường nội trú “dính chàm” đã làm xấu xí hình ảnh của ngành giáo dục Thanh Hóa, biến những ngôi trường đáng lẽ phải là nơi nâng đỡ tương lai của con em học sinh vùng khó khăn thành những nơi chứa đầy khuất tất.
Có lẽ đã đến lúc cần một cuộc “đại phẫu” để cắt bỏ những ung nhọt, chấn chỉnh và giám sát chặt hoạt động của các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Việc này không chỉ để khôi phục niềm tin vào các trường nội trú mà còn tạo một môi trường trong sạch, lành mạnh để các em học tập, trưởng thành và cũng là để giữ hình ảnh của ngành giáo dục Thanh Hóa.
Những sai phạm tại các trường dân tộc nội trú ở Thanh Hóa không chỉ là câu chuyện về quản lý yếu kém hay lỗ hổng trong tuyển sinh, mà còn là lời cảnh tỉnh về đạo đức và trách nhiệm của ngành giáo dục. Và dù có làm gì, hãy đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu.