Đừng để 'tháng Giêng là tháng ăn chơi'

Thời xa xưa, nhân dân ta thường quan niệm 'tháng Giêng là tháng ăn chơi'. Nhưng ngày nay, trong bối cảnh đời sống hiện đại, câu nói đó không còn đúng nữa. Các cuộc vui chơi lễ Tết không còn kéo dài cả tháng, mà để phù hợp với thực tế cuộc sống, các cuộc vui chơi đều được rút gọn và hầu hết mọi người, thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề, lĩnh vực đều nhanh chóng quay trở lại lao động, học tập ngay sau vài ngày nghỉ Tết.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Những ngày đầu năm, đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, trong khi các công trường, nhà máy, phân xưởng, cửa khấu, các cơ quan và địa điểm kinh doanh hoạt động trở lại ngay lập tức thì không ít người có tâm trạng uể oải, muốn nghỉ ngơi, đi chơi. Ca dao xưa có câu "Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Vui Xuân bao gồm nhiều hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm có tâm lý xả hơi sau một năm lao động vất vả, nhiều người vui chơi, vừa gặp gỡ, thăm viếng vừa kết nối tình cảm. Có người còn mong muốn có thời gian rảnh rỗi để bù đắp tháng ngày bận rộn công việc, đặc biệt là người xa nhà. Thế nhưng, dù muốn hay không thì vẫn phải trở lại làm việc sau Tết.

"Tháng Giêng là tháng ăn chơi", câu ca dao xưa hay được dùng như câu nói cửa miệng của nhiều người Việt khi muốn trì hoãn việc đi làm để được "xả hơi", để thoải mái đi chơi xuân, đi dâng hương cầu tài lộc, may mắn... Nếu xét từ quan niệm văn hóa, phong tục, thì việc cầu tài lộc, cầu an, may mắn cho gia đình trong một năm hoàn toàn phù hợp, vì đó là nhu cầu tinh thần để mong sự an yên cho một năm mới. Nhưng, lạm dụng quan niệm coi tháng Giêng là tháng "ăn chơi" để bê trễ công việc, để khiến cho bản thân trở nên lười biếng ngay sau Tết, sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân người ấy, thậm chí ảnh hưởng đến công việc và mất đi những cơ hội. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, hiểu sao cho đúng?

PGS. TS Bùi Xuân Đính - Chyên gia văn hóa cũng đã có những chia sẻ sâu sắc về quan niệm "Tháng Giêng là tháng ăn chơi"

Có thể thấy, nguyên nhân đầu tiên của việc "ăn chơi" là do nếu có làm nông nghiệp thì cũng không thuận lợi. Đây là nguyên nhân hoàn toàn chính đáng với một nước thuần nông xưa kia. Tiếp đó, nguyên nhân thứ hai xuất phát từ chính nhu cầu của con người. Cả năm làm việc vất vả, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nên đây là thời điểm con người nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, người thân, con cháu tỏ lòng kính ngưỡng đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Như vậy, quan niệm "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" vốn xuất phát từ cơ sở của xã hội nông nghiệp và tính thời vụ của nông nghiệp tạo nên. Tuy vậy, trong xã hội hiện nay, khi đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì quan niệm này phần nhiều không còn phù hợp.

Tháng Giêng có còn là tháng ăn chơi?

Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người đã lên các thành phố lớn làm việc. Song, sau Tết cũng là mùa lễ hội chính thức bắt đầu. Mùa lễ hội năm nay, ở nhiều nơi tổ chức lễ hội hoành tráng, quy mô hơn. "Vui xuân" là thói quen của mỗi người dân Việt Nam mỗi dịp tết đến xuân về. Tết là điều kiện thuận lợi để "ăn chơi" bởi thời gian nghỉ dài ngày, mỗi người đều có tâm lý xả hơi sau một năm lao động vất vả. Đây cũng là thời gian người người, nhà nhà sum vầy, vui chơi, du xuân, đi lễ chùa, gặp gỡ, thăm viếng nhau, kết nối lại tình cảm. Nhiều người còn mong muốn có thêm thời gian rảnh rỗi để bù đắp những tháng ngày bận rộn công việc, đặc biệt với những người xa nhà.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một thực tế, tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi" vẫn còn trong suy nghĩ của không ít người dân, những người công nhân viên. Có những người nghỉ hết tháng Giêng để vui chơi hội hè; một số người lại trì hoãn chưa quay trở lại công ty làm việc để nghỉ ngơi, thăm thú bạn bè; tạo nên tâm lý lơ đãng chểnh mảng trong công việc những ngày đầu năm.

Chị Trần Phương Anh, Quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: "Cả năm mới có một dịp này nên rất là thích nếu như mọi người có thể dành cả tháng này để quay quần, chơi với nhau. Khi mà có sự nạp năng lượng này, quay quần cùng bạn bè như thế thì cả năm mới làm việc hiệu quả được. Cả năm cũng làm việc vất vả rồi thì có tháng này được quay quần bên bạn bè mình thấy rất ý nghĩa".

Bạn Trần Phương Anh, Quận Bắc Từ Liêm

Bà Minh Tâm, Quận Tây Hồ cho biết: "Tất cả ai cũng mong chờ mùa xuân đến để đón Tết cái Tết rất vui, gặp gỡ đoàn viên con cháu. Đối với tôi còn mùng là còn Tết. Tháng Giêng là tháng ăn chơi đôi khi cũng rất đúng đối với hoàn cảnh của từng người, từng gia đình. Có những cháu vẫn còn công tác thì vẫn phải đi làm, nhớ tới công việc của mình. Nhưng đối với tôi tuổi về hưu rồi, Tết xong 1 cái tháng Giêng đúng là tháng ăn chơi. Chúng tôi sẽ đi du lịch khắp nơi ở trong nước, nếu có điều kiện thì đi du lịch nước ngoài".

Bà Minh Tâm, Quận Tây Hồ

Anh Vũ Anh Tuấn, Thành phố Thái Nguyên chia sẻ: "Tháng Giêng là tháng đầu tiên của một năm, chúng ta dành thời gian nghỉ ngơi, gắn bó bên gia đình sau 1 năm hoạt động mệt mỏi và chuẩn bị cho một hành trình một năm tiếp theo".

Bạn Vũ Anh Tuấn, Thành phố Thái Nguyên

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Quận Hoàng Mai cho biết: "Xưa thì các cụ vẫn nói tháng Giêng là tháng ăn chơi thì cũng đúng, trước đây cả năm chúng ta làm việc vất vả, đến Tết thì chúng ta đón năm mới, tham gia các lễ hội, vui xuân. Trong quá trình đó thì đi thăm thú mọi nơi, danh lam thắng cảnh. Trong đó thì chúng ta không quên nhiệm vụ phải làm việc, không nên vui chơi quá đà, kéo dài thời gian vui chơi mà tập trung vào lao động sản xuất".

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Quận Hoàng Mai

Chị Trần Thu Mình, Thành phố Thái Nguyên cho biết: "Nghỉ Tết thì cũng nên có mức độ thôi. Như mình năm ngoái, nghỉ tết xong chơi nhiều quá lúc thi điểm không được cao nên năm nay mình sẽ cố gắng hoàn thành nốt việc học rồi sau đấy sẽ chơi sau".

Bạn Trần Thu Mình, Thành phố Thái Nguyên

Chị Lê Hoàng Nhi, Quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: "Mình cảm thấy là hết mùng 5 là hết Tết. Đối với việc các bạn vẫn trì trệ trong công việc vào tháng Giêng thì cũng hiểu cho các bạn vì cũng chẳng mấy khi có dịp để chơi như thế. Có thể các bạn vẫn chưa tin là hết Tết rồi nhưng với mình thì con người khá là thích làm việc nên sau mùng 5 Tết sẽ đi làm như bình thường".

Bạn Lê Hoàng Nhi, Quận Bắc Từ Liêm

Cô và trò khẩn trương bắt nhịp trở lại sau kì nghỉ Tết

Xuân mới Giáp Thìn năm 2024 đã về trên mọi miền đất nước. Trong sắc xuân mỗi ngành nghề đều có thêm quyết tâm, thêm động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024. Với ngành giáo dục, ghi nhận chung tại các trường học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết học sinh đều hào hứng, phấn khởi trở lại trường học sau kỳ nghỉ.

Ngày mùng 5 Tết - ngày đầu tiên đi học trở lại sau kì nghỉ Tết, nhiều lớp đã dành một khoảng thời gian nhất định ở tiết 1 để giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh gặp gỡ, chúc Tết học sinh. Mọi người đều muốn động viên tinh thần các em bước vào năm mới Giáp Thìn với nhiều quyết tâm và hứng khởi để gặt hái thêm nhiều thành tích học tập mới, đặc biệt là các học sinh cuối cấp THCS hay THPT.

Cô và trò trường THCS Phan Chu Trinh khẩn trương bắt nhịp trở lại sau kì nghỉ tết

Năm nay, thời gian nghỉ Tết không dài nên việc ổn định nền nếp dạy học sau Tết của các nhà trường không gặp nhiều khó khăn. Tại trường Phan Chu Trinh, tỉ lệ học sinh tới trường vào ngày đầu tiên sau Tết đạt trên 99% như mọi năm. Là cấp học với nhiều kiến thức cơ bản chuyên ngành, nhất là lớp 9, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, nên để giúp các trò không vì mải chơi Tết mà quên chữ, các thầy cô có giao bài ôn tập cho các con. Bản thân các học sinh cũng khá ý thức về việc cần bắt nhịp học hành trở lại ngay sau kỳ nghỉ.

Cô giáo Phùng Thị Kim Yến - Giáo viên Môn Toán - Trường THCS Phan Chu Trinh chia sẻ: "Trong kì nghỉ tết, giáo viên giao số lượng nhất định dạng đề kiểm tra để các em vẫn được vui xuân mà vẫn kết nối được kiến thức ôn thi; đồng thời duy trì kênh kết nối trực tuyến, sẵn sàng hỗ trợ học sinh trong thời gian nghỉ Tết".

Cô giáo Phùng Thị Kim Yến - Giáo viên Môn Toán - Trường THCS Phan Chu Trinh

Năm nay là năm cuối cùng của học sinh lớp 9 và lớp 12 - học và thi theo chương trình cũ. Thời gian từ nay tới kỳ thi tuyển sinh lớp 10 không còn nhiều, Ban giám hiệu Nhà trường đã chủ trương để các thầy cô cố gắng động viên các con, cần biết ưu tiên việc học, ngay từ những ngày đầu trở lại trường.

Nông dân Chương Mỹ nô nức xuống đồng cấy xuân

Vui đón tết không quên nhiệm vụ đó là câu nói cửa miệng của những người nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội trong những ngày này.

Ngay trong những ngày Tết, những người nông dân huyện Chương Mỹ đã xuống đồng cấy xuân với mong muốn kịp khung thời vụ tốt nhất, mùa màng sẽ cho bội thu và hy vọng cuộc sống ngày càng no đủ hơn.

Theo lịch cấy xuân của HTX nông nghiệp xã Thượng Vực, bà con xã viên chuẩn bị đất, nước, mạ đầy đủ để đúng mồng 8 tết, toàn HTX xuống đồng cấy xuân. Tuy nhiên, tranh thủ thời tiết nắng ấm, ngay từ mồng 4 tết bà Tạ thị Mạnh, xã Thượng Vực cùng bà con trong xóm đã xuống đồng cấy lúa xuân, với bà con nơi đây, đi cấy được ví như ngày hội xuống đồng, mọi người cùng hỗ trợ nhau cấy cho nhanh để kịp khung thời vụ và lúa bén rễ nhanh hơn khi thời tiết nắng ấm.

Nông dân Chương Mỹ nô nức xuống đồng cấy xuân

Ông Nguyễn Bá Đồng - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Xã Thượng Vực - Huyện Chương Mỹ cho biết: "Trước tết là chúng tôi đã làm đất cho bà con, từ hôm mồng 4 tết đến giờ là máy và người đã xuống đồng cấy xuân rồi phấn đấu xong trước 25/2".

Tại xã Quảng Bị, một trong những xã chuyên canh nông nghiệp đang tiến nhanh về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Vụ xuân này, toàn xã dự kiến cấy hơn 400 ha lúa chiêm xuân. Xã đã cho gieo sạ 1/4 diện tích bằng máy bay không người lái những giống lúa chất lượng cao, hôm nay không chờ lịch cấy, bà Lại Thị Quy cùng rất nhiều bà con đã xuống đồng cấy sớm hơn vài ngày. Gia đình bà năm nay cấy hơn 4 sào dự kiến xong trước rằm tháng giêng.

Ruộng ngày nay đã được cơ giới hóa, đưa những giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hướng tới xuất khẩu, bởi vậy không còn cảnh bỏ ruộng cũng như tháng ăn chơi "ngụp lặn" trong hội hè nữa mà là tháng khởi đầu cho các hoạt động sản xuất, hướng tới "mùa vàng" bội thu.

Công nhân chủ động bắt nhịp ngay từ những ngày đầu năm

Với nghề nông, phụ thuộc vào thời tiết để tính toán thời điểm gieo cấy vụ Xuân, người nông dân cũng không thể trì hoãn. Nếu mải lo lễ hội thì lại mất đi thời điểm vàng để cấy mạ chẳng hạn.

Với người công nhân trong các phân xưởng cũng vậy. Họ phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất. Nếu một cá nhân chậm trễ thì sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động của cả một tập thể.

Công nhân chủ động bắt nhịp ngay từ những ngày đầu năm

Vì vậy, tại nhiều doanh nghiệp, đã không còn tư tưởng ăn chơi sau kỳ nghỉ Tết, mà mọi việc đều khẩn trương và nhịp nhàng ngay từ ngay đầu quay trở lại làm việc. Đó cũng là không khí trong xưởng của công ty Meiko, một công ty FDI ở khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai trong ngày mùng 6 Tết, ngày công ty quy định đón công nhân trở lại làm việc. Tất cả các vị trí đều đầy đủ người đảm nhiệm. Riêng ca làm việc sáng mùng 6 tết có hơn 3.400 người trong danh sách đã có mặt đúng giờ, đầy đủ, nhận lì xì năm mới của Ban lãnh đạo công ty, sau đó bắt tay vào việc. Công đoàn và ban lãnh đạo công ty cũng có cách thức để thiết lập kỷ luật lao động với công nhân.

Với người công nhân, họ hiểu rằng để giữ được một chỗ làm ổn định với mức thu nhập tốt, cũng cần có sự cố gắng. Nên không mặc dù tập quán của người dân là tháng Giêng có nhiều lễ hội và còn ăn Rằm to, nhưng cũng không ai có tư tưởng sẽ trễ nải, trốn việc, trong những ngày đầu tiên đi làm trở lại sau Tết.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dung-de-thang-gieng-la-thang-an-choi-219996.htm