Dùng đất hiếm để đấu Mỹ: Bắc Kinh đang ngộ nhận?

Các công ty công nghệ của Mỹ nếu không nhập đất hiếm của Trung Quốc thì hoàn toàn có thể nhập đất hiếm từ các thị trường khác.

Đất hiếm là thành phần quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp và công nghệ cao như chế tạo vật liệu siêu bán dẫn.

Hôm 20/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới một trong những quặng đất hiếm lớn nhất nước này. Đây được xem là một tín hiệu cảnh cáo ngầm đến Mỹ.

Tháp tùng nhà lãnh đạo Trung Quốc là Phó thủ tướng Lưu Hạc, một trong những người được ông Tập tin tưởng nhất và là gương mặt quen thuộc trong các vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung thời gian qua.

Năm 2018, có đến 59% lượng đất hiếm sử dụng ở Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Mountain Pass - mỏ khai thác đất hiếm duy nhất của Mỹ tại bang California, hiện lại đang nằm trong tay của một công ty Trung Quốc. Tất cả đất hiếm khai thác ở Mỹ phải được chở về Trung Quốc để tinh chế thì mới có thể sử dụng.

Bản đồ phân bố đất hiếm trên thế giới

Trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang căng thẳng. Bắc Kinh có thể sử dụng quân bài đất hiếm để gây khó khăn cho Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc sử dụng đòn đánh này cũng chỉ giống như vung kiếm chém xuống dòng nước, không thể làm tổn hại đến nền kinh tế số một thế giới.

Đất hiếm phân bố rộng khắp trên thế giới chứ không chỉ có ở riêng Trung Quốc. Vì sao Mỹ lại nhập khẩu 59% đất hiếm từ Trung Quốc mà không tự sản xuất? Lý do là vì ngành công nghiệp này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Mỹ đã qua thời đánh đổi môi trường để đổi lấy kinh tế, đó cũng là lý do vì sao Mỹ chỉ khai thác mỏ đất hiếm duy nhất ở bang California.

Các công ty công nghệ của Mỹ nếu không nhập đất hiếm của Trung Quốc thì hoàn toàn có thể nhập đất hiếm từ các thị trường khác. Thậm chí, nếu bị dồn vào bước đường cùng, Mỹ hoàn toàn đủ khả năng tự sản xuất sản phẩm này.

Năm 2010, khi Tokyo và Bắc Kinh căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông, Trung Quốc tìm cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật bằng cách đặt hạn ngạch, siết việc cấp phép và tăng thuế.

Điều này khiến ngành công nghiệp điện tử của Nhật gặp nhiều khó khăn nhưng cũng tạo ra động lực để các nhà khoa học, địa chất nước này tìm kiếm nguồn cung thay thế, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thái Bảo

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dung-dat-hiem-de-dau-my-bac-kinh-dang-ngo-nhan-3380523/