Dùng cát biển thay thế khi chưa đủ điều kiện là đánh cược với môi trường

'Trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án thì việc dùng cát biển thay thế là một phương án, song nếu triển khai đại trà khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện sẽ đánh cược với môi trường'.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cho biết, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng thì phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc thay thế khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cần thiết nếu triển khai đại trà sẽ đánh cược với môi trường.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước?

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) chất vấn

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu về phương án sử dụng cát biển, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông đã sử dụng loại cát này. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đánh giá trữ lượng cát biển ở khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu mét khối. "Trữ lượng cát biển rất lớn và đã được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển" - Bộ trưởng cho biết.

Về lo ngại của đại biểu với nguy cơ nhiễm mặn, Bộ trưởng khẳng định, cần đánh giá tác động môi trường, tốt nhất sử dụng cát biển ở khu vực đã nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động, với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nước mặt. Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đặt câu hỏi

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đặt câu hỏi

Cùng chất vấn về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là nội dung quan trọng của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, định hướng và giải pháp khắc phục tình trạng trên?

Về tác động của việc khai thác cát biển đối với bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học biển, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.

Để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa, Quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển. Chúng ta cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dung-cat-bien-thay-the-khi-chua-du-dieu-kien-la-danh-cuoc-voi-moi-truong-post578478.antd