Đừng bao giờ để bất kỳ ai lấy đi giấc mơ của bạn

Nếu luôn phụ thuộc vào ý kiến của người khác, thì bạn sẽ không bao giờ theo đuổi được giấc mơ của chính mình.

Tôi có một người bạn tên là Monty Roberts. Cậu ấy sở hữu một trang trại ngựa ở San Ysidro. Cậu ấy thường cho cả nhóm chúng tôi mượn ngôi nhà với sân vườn rộng rãi để tổ chức những sự kiện gây quỹ từ thiện, kiểu như quyên tiền cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Monty đặc biệt quan tâm tới trẻ em. Tôi biết rõ điều đó qua câu chuyện cậu ấy kể vào lần đầu tiên cậu ấy cho chúng tôi “mượn” nhà:

Một người bạn tôi có trang trại ngựa rất lớn…

“Tớ muốn kể cho cậu biết tại sao tớ muốn các cậu gây quỹ từ thiện cho trẻ em ở đây. Tớ thậm chí luôn rủ các em nhỏ trong khu vực đến đây chơi. Tất cả những điều này là vì một câu chuyện từ nhiều năm trước, câu chuyện về một cậu bé là con trai của một người huấn luyện ngựa lưu động. Người này cùng gia đình của ông ấy phải đi từ trang trại này sang trang trại khác, từ trường đua này sang trường đua khác, từ gia đình nông dân này tới gia đình nông dân khác, hỏi xem người ta có muốn huấn luyện ngựa không. Chính vì thế, việc học tập của cậu con trai cũng liên tục bị gián đoạn. Khi cậu bé mới vào trung học, có lần, ở lớp, cậu được yêu cầu viết một bài luận về việc sau này cậu muốn trở thành con người như thế nào, muốn làm gì.

“Hãy viết bài luận về ước mơ của mình”.

“Buổi tối hôm đó, cậu bé viết một bài luận dài 7 trang giấy, miêu tả mục tiêu của đời mình là một ngày nào đó có thể sở hữu một trang trại ngựa. Cậu bé viết rất chi tiết về ước mơ của mình, và thậm chí còn vẽ hình một trang trại rộng lớn, trong đó đầy đủ vị trí của những ngôi nhà, chuồng ngựa, bãi cỏ… Thế rồi cậu còn trang trí rất cầu kỳ cho bức vẽ, coi đó là trang trại trong mơ của mình.

“Cậu bé dốc cả trái tim mình vào bài luận đó và ngày hôm sau, cậu nộp cho cô giáo. Hai ngày sau, cô giáo trả lại bài viết cho cậu. Ở trang đầu tiên là một điểm F to, màu đỏ, cùng dòng chữ: ‘Em hãy ở lại gặp cô sau giờ học’.

Ước mơ của cậu bé bị cô giáo cho là thiếu thực tế.

“Cậu bé cùng ước mơ về trang trại ngựa ở lại gặp cô giáo, và hỏi cô: “’Thưa cô, tại sao em lại phải nhận điểm F?’.

“Cô giáo đáp: ‘Tại vì đây là một giấc mơ rất thiếu thực tế đối với một cậu bé như em. Em đâu có tiền. Em sinh ra trong một gia đình lưu động. Em cũng không có khả năng gì đặc biệt. Sở hữu một trang trại ngựa đòi hỏi em phải có rất nhiều tiền. Em phải mua được đất. Em phải trả tiền để mua những con ngựa giống và sau đó em phải trả rất nhiều khoản phí lớn khác. Với những người ở vùng nông thôn này, việc đó là không thể. Và em cũng không có cách nào làm được điều đó. Nếu em viết lại bài luận này với một mục tiêu thực tế và hợp lý hơn, cô sẽ cân nhắc lại điểm số của em’.

“Cậu bé về nhà và nghĩ rất lâu về những lời cô giáo nói. Cậu hỏi bố xem mình nên làm gì. Bố cậu nói: ‘Nghe này, con trai, con phải tự quyết định về vấn đề này. Tuy nhiên, bố nghĩ đây là một quyết định rất lớn và quan trọng đối với con’. Cuối cùng, sau một tuần nữa, cậu bé lại đưa cho cô bài luận cũ, không thay đổi một chút nào.

“Cậu bé nói với cô giáo: ‘Thưa cô, cô có thể giữ nguyên điểm F, còn em sẽ giữ nguyên giấc mơ của em’”.

“Hãy giữ những ước mơ của bạn cho đến khi bạn đủ mạnh để bảo vệ chúng, vì chúng rất dễ bị phá hủy bởi lời bình luận của người khác” - Jerry Corsten.

Nói đến đây, Monty mỉm cười và bảo tôi: “Tớ kể cho cậu nghe câu chuyện này bởi vì cậu đang ngồi trong ngôi nhà gần 400 mét vuông, ở giữa khu trang trại ngựa rộng hơn 80 héc-ta của tớ. Tớ vẫn còn bài luận ngày xưa, tớ đóng khung và treo nó ở gần lò sưởi”.

Và Monty nói thêm: “Phần tuyệt nhất của câu chuyện này là mùa hè năm ngoái, tớ mời cô giáo cũ cùng 30 học sinh nhỏ đến chơi ở trang trại một tuần. Trước khi ra về, cô giáo bảo tớ: “Monty này, giờ cô có thể nói với em, khi cô là cô giáo của em, cô nghĩ cô đã suýt lấy đi ước mơ của em rồi. Thật may mắn là em đã đủ can đảm để không từ bỏ ước mơ đó”.

Mong rằng bạn đừng bao giờ để bất kỳ ai lấy đi ước mơ của mình.

THỤC HÂN (dịch)

Internet

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tich-cuc/dung-bao-gio-de-bat-ky-ai-lay-di-giac-mo-cua-ban-1629534.tpo