Đức đưa ra khuyến nghị về tiêm phòng cho trẻ em từ 5-11 tuổi

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em tại Southfield, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

* WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc

Ủy ban Tiêm chủng thường trực của Đức (STIKO) khuyến cáo trẻ em từ 5-11 tuổi chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, đặc biệt là trẻ em có bệnh nền. Do đó, tiêm phòng sẽ giúp giảm hiệu quả tỉ lệ mắc bệnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, STIKO cho biết trẻ em và thanh thiếu niên nếu mắc COVID-19 thường chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, một số biến chứng nặng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt đối với trẻ em bị bệnh nền.

Ngoài ra, ngay cả những trẻ em ban đầu không phát hiện triệu chứng nào cũng có thể mắc phải các hội chứng thứ phát sau này, như mệt mỏi, kiệt sức nhanh chóng khi gắng sức, rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung; thậm chí xuất hiện các vấn đề về tim mạch, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm.

Mức độ, tỉ lệ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng lâu dài bởi COVID-19 vẫn chưa rõ ràng và cần phải được nghiên cứu thêm.

Tuy nhiên, số lượng trẻ mắc COVID-19 càng cao thì càng có nhiều trường hợp dẫn tới các biến chứng nặng. Theo STIKO, nghiên cứu cho thấy vắc xin dành cho trẻ em của hãng BioNTech/Pfizer (Mỹ - Đức) có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 một cách hiệu quả.

Việc sử dụng vắc xin ở trẻ em từ 5-11 tuổi với nồng độ chỉ 10 microgam mỗi liều làm giảm 90,7% nguy cơ mắc COVID-19.

Đáp ứng miễn dịch (được đo bằng lượng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2) ở trẻ em lứa tuổi này đã sau tiêm phòng tương đương đáp ứng miễn dịch ở người lớn đã tiêm phòng.

Chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở hai nhóm trẻ em từ 12-18 tuổi và 5-11 tuổi đã giúp giảm đáng kể tỉ lệ mắc bệnh ở những đối tượng này.

Do đó, STIKO khuyến cáo đối với trẻ em từ 5-11 tuổi bị bệnh nền, cha mẹ nên cho con đi tiêm phòng COVID-19, kể cả các mũi cơ bản lẫn mũi tăng cường. Đối với trẻ em không bị bệnh nền, nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng do COVID-19 đến mức phải nhập viện ở mức thấp. STIKO không đưa ra bất kỳ khuyến nghị tiêm chủng nào cho trẻ từ 5-11 tuổi không mắc bệnh nền.

Về loại vắc xin cho trẻ em, từ ngày 26/11/2021, vắc xin dành cho trẻ em của hãng BioNTech/Pfizer đã được cấp phép sử dụng cho trẻ độ tuổi từ 5-11 tuổi trên toàn Liên minh châu Âu (EU).

Đây là loại vắc xin công nghệ mRNA, liều lượng bằng 1/3 liều lượng của người lớn (10 microgam). Mũi tiêm thứ hai nên được thực hiện cách mũi đầu từ 3-6 tuần.

Ngoài vắc xin của hãng BioNTech/Pfizer, ngày 2/3 vừa qua, EU cũng phê duyệt vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) cho trẻ em từ 6-11 tuổi, liều lượng 50 microgam. Loại vắc xin công nghệ mRNA này sau đó cũng được các quốc gia khác ở châu Âu như Anh, Thụy Sĩ phê duyệt.

* Ngày 19/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 Convidecia của hãng dược phẩm CanSinBIO, Trung Quốc, cho người trên 18 tuổi. WHO khẳng định vắc xin Convidecia đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO về khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 và lợi ích của việc tiêm vắc xin này lớn hơn so với rủi ro. Như vậy, Convidecia là vắc xin ngừa COVID-19 thứ 11 được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp trên thế giới.

Theo WHO, các kết quả thử nghiệm vắc xin này cho thấy khả năng ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 lên đến 92%.

Convidecia là vắc xin một liều duy nhất, tương tự loại vắc xin của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Trước khi được WHO phê duyệt, vắc xin này đã được sử dụng ở một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và một số quốc gia trong khu vực Mỹ Latin như Brazil, Argentina, Mexico, Chile và Ecuador.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/276689/duc-dua-ra-khuyen-nghi-ve-tiem-phong-cho-tre-em-tu-5-11-tuoi.html