Đưa siêu thị về nông thôn

Sáng 24-11, tại huyện Thạch Thất – Hà Nội, Hội chợ Vàng nằm trong chương trình Tháng khuyến mãi Hà Nội chính thức khai mạc. Hàng trăm người dân thị trấn Đồng Quan và các xã lân cận nô nức đến tham quan mua sắm.

Ấn tượng với phiên chợ lưu động

Theo thông báo, vào 9h00 sáng ngày 24 -11, Hội chợ Vàng, Tháng khuyến mãi tại Thạch Thất mới khai mạc, nhưng từ sáng sớm, các hoạt động bán hàng đã chính thức diễn ra. Nhiều người dân tại thị trấn Đồng Quan, và các xã lân cận như Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu... đã có mặt tại sân UBND huyện Thạch Thất. Hội chợ Tháng khuyến mãi đã tạo nên một không khí náo nhiệt tại làng quê.

Hội chợ lần này có 40 gian hàng của các siêu thị lớn: Fivimart, BigC, Sài gòn Coopmart, Hapro, Công ty CP thủy sản 584 Nha Trang - Đại lý Đạt Tin... Các sản phẩm được bày bán tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có nhiều mặt hàng thuộc danh mục Hàng bình ổn giá như dầu ăn, thực phẩm chế biến...

Khu vực quầy hàng của siêu thị Coopmart luôn đông người. Với 200 mặt hàng thiết yếu, tập trung nhiều vào bột giặt, nước mắm, nước xả vải cùng cam kết bán với giá thấp hơn 10% so với thị trường, nhân viên bán hàng của siêu thị bận rộn luôn tay luôn chân. Nhân viên bảo vệ tại gian hàng cũng kiêm luôn nhiệm vụ bán hàng. Các lô hàng liên tiếp được đưa đến, bày cả dưới sàn sân.

Đối diện với gian hàng của siêu thị Coopmart, nhân viên Công ty TNHH nhà nước một thành viên thực phẩm Hà Nội cũng kéo được lượng khách hàng khá đông về mình khi giới thiệu sản phẩm "mỳ gà xào nấm” chỉ 5.000 đồng, được phép ăn thử.

Ông Nguyễn Ngọc Kỷ, xã Hương Ngải cho biết "từ đầu năm đến giờ đã có 2 lần hội chợ. Lần nào ông cũng đến và mua được hàng về”. Chị Phạm Thị Thanh Hoa, đến từ thị trấn Yên Hòa nói: "Mình cứ tham quan, thấy thứ gì cần thì mua”. Và khi được hỏi, trong lần hội chợ tiếp theo, chị muốn các nhà cung ứng đưa sản phẩm gì về để bán? Chị Hoa trả lời: nếu được thì đưa thêm nhiều loại mắm. Ở đây chỉ có mỗi mắm Chin su và mắm Nha Trang.

Theo quan sát, phần lớn người dân đến với hội chợ đều tìm được một loại hàng hóa phù hợp với túi tiền của mình và cảm thấy hài lòng về sản phẩm đó. Cụ bà Hoàng Thị Liên (thị trấn Đồng Quan) rất vui khi chọn được chiếc chảo sunhouse kích cỡ nhỏ: "Quả thật, có nhiều loại nồi mà bà chưa từng thấy bán ở chợ Đồng Quan. Hội chợ này là dịp để chúng tôi mua được những sản phẩm do Việt Nam sản xuất phù hợp với người nông thôn, chất lượng thì chắc chắn sẽ hơn hẳn hàng Trung Quốc”.

Hình thành những điểm bán cố định

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc hệ thống siêu thị Coopmart – Hà Nội cho biết, trong chuyến hàng lần này siêu thị giới thiệu 200 mặt hàng, với tổng giá trị 300 triệu đồng, ước tính doanh thu đạt 600 triệu. Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính để Coopmart có mặt tại đây. "Trước mắt là phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đây là cơ hội để chúng tôi tiếp cận với thị hiếu người nông dân. Trong mỗi đợt bán hàng lưu động kéo dài từ 2 đến 5 ngày này, doanh nghiệp sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, Sở Công thương tìm hiểu sức mua người dân. Sau đó, với chiến lược từ giờ đến năm 2015, tại mỗi khu vực sẽ có một siêu thị của hệ thống, chúng tôi hi vọng sẽ hình thành được những điểm bán cố định tại địa phương, tạo ra sự phát triển bền vững”.

Ông Hoàng Nhất Thống, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên thực phẩm Hà Nội cũng khẳng định, mục đích của chúng tôi chính là tiếp cận thị trường để xem "phản ứng” của khách hàng với các sản phẩm thuộc hệ phân phối của công ty. Ông Thống chia sẻ, mật độ bán hàng của công ty tương đối dày, mỗi tháng tổ chức 20 phiên bán hàng tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Sau mỗi lần chuyến đi, một mặt công ty thúc đẩy được hoạt động kinh doanh tại địa phương, mặt khác công ty cũng quan tâm tìm kiếm các đối tác để trở thành đại lý phân phối.

Tuy nhiên, để có thể hình thành mạng lưới chân rết bán hàng tại địa phương, cả ông Dũng và ông Thống đều mong muốn, nhận được sự hướng dẫn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ chính quyền địa phương.

Ông Phạm Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, những mặt hàng đưa về phục vụ bà con nhân dân các huyện ngoại thành đều là hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất, xuất xứ rõ ràng. Hội chợ nhằm hưởng ứng chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn và cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Mục đích của hội chợ là hỗ trợ bà con nhân dân vùng xa, tạo điều kiện cho bà con tại các vùng ngoại thành mua được hàng hóa chất lượng với giá cả ưu đãi hấp dẫn. Ông Tiến cũng cho biết, từ giờ tới Tết Nguyên Đán, sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để kéo dài những hành trình đưa hàng về nông thôn.

Thúy Hằng

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=42708&menu=1372&style=1