Đưa cải lương, tuồng cổ, đờn ca tài tử... vào trường học

Nhiều trường học tại TPHCM đang đẩy mạnh việc đưa âm nhạc truyền thống vào các hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và tiết học âm nhạc.

Từ năm học 2025 - 2026, học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ được các nghệ sĩ chuyên nghiệp giảng dạy âm nhạc. Ảnh: M.A

Từ năm học 2025 - 2026, học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ được các nghệ sĩ chuyên nghiệp giảng dạy âm nhạc. Ảnh: M.A

Đây là một trong những nỗ lực nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy khi triển khai Chương trình GDPT 2018, qua đó bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu nước thông qua tình yêu văn hóa dân tộc.

Nghệ sĩ đứng lớp dạy học sinh

Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống trong môi trường học đường, mới đây, Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11) ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Văn hóa Vân Anh (Quận 1) về việc phổ cập bộ gõ nhạc cụ dân tộc cho học sinh tiểu học.

Theo đó, học sinh được các nghệ sĩ giảng dạy theo chương trình kéo dài suốt 35 tuần thực học trong năm học 2025 - 2026, với thời lượng một tiết/tuần cho các lớp. Cụ thể, bên cạnh nội dung âm nhạc theo Chương trình GDPT 2018, các nghệ sĩ sẽ truyền đạt kiến thức và kỹ năng sử dụng bộ gõ nhạc cụ dân tộc như song loan, mõ, thanh la, trống nhỏ… cho toàn thể học sinh.

Trong bối cảnh chung, Trường Tiểu học Phú Thọ hiện thiếu giáo viên âm nhạc; dù đã tổ chức tuyển dụng nhiều lần trong vài năm gần đây nhưng vẫn không có ứng viên. Chia sẻ về việc mời nghệ sĩ về giảng dạy và phổ cập bộ gõ nhạc cụ dân tộc cho học sinh năm học tới, bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường mạnh dạn thực hiện theo gợi ý của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Định hướng này như kim chỉ nam, mở ra hướng đi mới cho nhà trường. Cách làm này thực sự tạo ra cảm xúc và hứng thú cho học sinh trong việc học âm nhạc, nghệ thuật. “Tại buổi lễ ký kết, các nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc khiến học sinh thích thú. Chúng tôi tin rằng việc mời nghệ sĩ về trường giảng dạy chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong dạy học âm nhạc”, bà Hương nói.

Năm đầu tiên thực hiện thỏa thuận hợp tác, Trường Tiểu học Phú Thọ chú trọng phổ cập bộ gõ nhạc cụ dân tộc để học sinh hiểu rõ và nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc truyền thống, đồng thời khám phá tiềm năng bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật.

“Các em được tiếp xúc với nhạc cụ dân tộc từ sớm, lại được hướng dẫn bởi nghệ sĩ chuyên nghiệp, sẽ khơi gợi tinh thần khám phá bản thân. Vì vậy, tôi và các giáo viên đặt nhiều kỳ vọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy âm nhạc nhờ sự tham gia của các nghệ sĩ đứng lớp trong thời gian tới”, bà Hương chia sẻ.

Ở góc độ người trực tiếp giảng dạy, nghệ sĩ Đỗ Hoàng Nam bày tỏ: “Khi biết tin sẽ đến giảng dạy cho học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ, bản thân cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng và tình yêu âm nhạc dân tộc cho các em, góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước thông qua âm nhạc. Chúng tôi cũng mong muốn giúp học sinh trang bị thêm nhiều kỹ năng âm nhạc, từ đó hoàn thiện tâm hồn, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực và lành mạnh trong cuộc sống”.

 Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng phối hợp với Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển đờn ca tài tử (TPHCM) tổ chức chương trình sân khấu hóa “Nữ kiệt lưu danh” tháng 3/2025. Ảnh: M.A

Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng phối hợp với Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển đờn ca tài tử (TPHCM) tổ chức chương trình sân khấu hóa “Nữ kiệt lưu danh” tháng 3/2025. Ảnh: M.A

Nỗ lực lan tỏa

Việc đưa văn hóa, âm nhạc truyền thống đến với học sinh được các cơ sở giáo dục tại TPHCM quan tâm nhiều năm qua. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiều trường đã mời các đoàn cải lương tuồng cổ, đờn ca tài tử, câu lạc bộ âm nhạc… đến biểu diễn phục vụ học sinh.

Cụ thể, từ năm 2023 đến nay, nhiều trường THCS, THPT phối hợp với các đoàn cải lương để trình diễn trích đoạn tuồng cổ trong tiết học thuộc môn Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Trong khoảng thời gian 2 tiết, học sinh không chỉ được thưởng thức nghệ thuật biểu diễn, mà còn có cơ hội trực tiếp tham gia đóng vai, biểu diễn như những nghệ sĩ thực thụ trên sân khấu.

Cô Vũ Thị Thu Trang - Tổ trưởng chuyên môn liên tổ Ngữ văn - Giáo dục địa phương - Hoạt động trải nghiệm, Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng (Tân Bình, TPHCM) cho hay, đưa cải lương, tuồng cổ, đờn ca tài tử vào trường học được nhà trường lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.

Hoạt động này không chỉ mở rộng không gian lớp học, làm mới giờ học, mà còn mang đến những sắc màu sinh động, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn nghệ thuật truyền thống, cũng như những giá trị văn hóa - lịch sử dân tộc.

“Các tiết mục cải lương, tuồng cổ hay đờn ca tài tử đến gần hơn với học sinh không chỉ giúp các em hiểu rõ hơn về bộ môn nghệ thuật này, mà còn tái hiện những trang sử hào hùng của dân tộc, giáo dục học sinh lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì Tổ quốc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, cô Trang nhấn mạnh.

Tương tự, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 4, bình quân mỗi năm một đến hai lần, đơn vị này phối hợp với Câu lạc bộ Sân khấu Lạc Long Quân (TPHCM) tổ chức các hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp với nội dung giới thiệu âm nhạc dân tộc và các làn điệu dân ca Nam Bộ đến học viên.

Dù thời gian không nhiều nhưng ông Nguyễn Minh Kha - Giám đốc Trung tâm nhận thấy, các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của câu lạc bộ đã phần nào giúp học sinh tại trung tâm tiếp cận với âm nhạc truyền thống, hiểu hơn những giá trị độc đáo của các loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ cho rằng, âm nhạc dân tộc đã trở nên gần gũi hơn với người dân, song việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học cần được đặc biệt quan tâm. Nhà trường xác định, làm quen với âm thanh và giai điệu dân tộc sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc.

“Khi được làm quen với âm nhạc dân tộc, quen thuộc với các giai điệu cổ truyền, các em sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc nói chung. Từ đó, bồi dưỡng trong các em lòng yêu nước thông qua tình yêu dành cho văn hóa truyền thống”, bà Hương khẳng định.

Nghệ sĩ Vân Anh - Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Thương mại Vân Anh chia sẻ: “Tôi có thể chơi nhiều loại nhạc cụ như đàn bầu, đàn T’rưng, trống và các bộ gõ, từng có cơ hội biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi được ký kết chính thức để giảng dạy âm nhạc dân tộc trong trường học - một cột mốc khiến tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc.

Tôi luôn ấp ủ mong muốn được lan tỏa âm nhạc dân tộc đến với thế hệ trẻ, để những giai điệu truyền thống không chỉ được gìn giữ, mà còn trở thành nền tảng bồi đắp tình yêu quê hương, niềm tự hào về cội nguồn nơi các em lớn lên và trưởng thành”.

Hồ Phúc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dua-cai-luong-tuong-co-don-ca-tai-tu-vao-truong-hoc-post732388.html