Đua bò Bảy Núi - môn thể thao độc lạ vạn người mê ở An Giang

Quyết liệt nhưng đầy nhân văn, hào hứng nhưng chất chứa hiếu đạo… sự đan xen độc lạ này đã đưa môn đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer tỉnh An Giang ra khỏi giới hạn phum sóc, được vạn người mê.

Trong tiếng dập dồn của dàn nhạc ngũ âm, chầm-nik (người điều khiển) dùng sà-luôl (gậy gỗ đầu có phần đinh nhọn ngắn) thúc đôi bò tăng tốc kéo giàn bừa gỗ lướt trên mặt ruộng sủng nước tạo ra những chùm hoa nước lộng lẫy dưới ánh mặt trời… Chỉ một khoảnh khắc trên, đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer tỉnh An Giang đủ toát lên vẻ đẹp chinh phục vạn người mê.

Đôi bò tăng tốc kéo giàn cày bằng gỗ trên mặt ruộng sủng nước, tạo nên những chùm hoa nước lộng lẫy.

Nhưng đua bò ở đây không chỉ là cuộc chạy tốc độ của cơ bắp, mà là còn là sự kết hợp hài hòa giữa sức bền của “chiến binh 4 chân” và sự khéo kéo của người điều khiển. Bởi theo “luật chơi” được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đua bò Bảy Núi không xuất phát cùng hàng và cũng không phải chạy một mạch về đích như nhiều môn thể thao khác.

Mỗi lần, có 2 đôi thi đấu xuất phát theo vị trí trước - sau (cách nhau 3-4m). Đầu tiên, đôi bò vào sân thực hiện 2 vòng “hô”, tức chạy vòng quanh sân đua hình chữ nhật với tốc độ chậm với quy định rất gắt gao. Nếu đôi bò đi sau vô tình hay cố ý chạm vào đôi bò đi trước, lập tức bị xử thua cuộc.

Thậm chí, ở vòng đua này, chầm-nik của đôi bò có quyền dừng đột ngột bất cứ lúc nào để thử thách tay nghề của đối phương. Vì thế, chầm-nik đi sau phải thật sự khéo léo và tinh tế cao độ để duy trì khoảng cách an toàn. Bởi chỉ cần một thoáng sơ suất là bị loại khỏi cuộc chơi.

Đua bò Bảy Núi độc lạ ngay từ hình thức xuất phát trước - sau.

Tuy nhiên, đến vòng “thả” thì mọi chuyện thay đổi 180 độ. Đây là vòng đua tốc độ về đích, nên các chầm-nik phải tìm cách thúc đôi bò chạy với tốc độ nhanh nhất. Và đôi bò đi sau hoàn toàn có quyền tăng tốc mà không sợ phạm qui. Thậm chí, nếu chạm được đôi bò đi trước là xem như thắng cuộc mà không cần phải chờ về đến vạch đích.

Tuy nhiên, do đoạn đường vòng “thả” lên đến 80-100m, các chầm-nik phải dùng kỹ năng nóng và cái đầu lạnh để chọn thời điểm thích hợp nhất thúc đôi bò chạy với tốc độ nhanh nhất giành chiến thắng. Bởi nếu thúc quá sớm, đôi bò dễ bị đuối sức ở chặng cuối. Hay thúc chạy nhanh liên tục, khó đảm bảo sức khỏe cho đôi bò duy trì tốc độ tốt suốt cuộc đua được thi đấu theo thể thức loại trực tiếp, chọn đôi chiến thắng vào vòng sau.

Người điều khiển (chầm-nik) phải khéo léo đưa ra quyết định về thời điểm thúc đôi bò chạy với tốc độ hợp lý nhất theo quy định từng vòng đua.

Có thể nói đua bò Bảy Núi không chỉ là môn thể thao thi đấu đối kháng bằng sức mạnh cơ bắp, mà còn bằng cả sức mạnh của trí tuệ. Chính vì sự độc lạ này mà đua bò Bảy Núi đã nhanh chóng vươn ra khỏi giới hạn sân chơi phum sóc, trở thành sân chơi vạn người mê.

Một điều rất khác biệt của môn đua bò Bảy Núi so với nhiều môn thể thao khác bên trong môn thể thao này chứa đựng đến 3 yếu tố tinh thần đặc biệt: tính nhân văn, lòng hiếu và sự sẻ chia trách nhiệm cộng đồng.

Khoảnh khắc giao tranh quyết liệt trên đường đua về đích.

Đầu tiên là tất cả các đôi bò được chọn tham gia đua đều được người chủ xem như “thú cưng”. Sau những giờ cày bừa, được nuôi dưỡng, chăm sóc rất chu đáo. Đặc biệt là đôi bò thắng cuộc trong trận đua cuối cùng, ngoài việc đăng quang ngôi vô địch, còn được mọi người trân trọng và săn đón như “ngôi sao” để làm của riêng vào mùa thi đấu tiếp theo. Nhiều lúc, giá đôi bò vô địch tăng lên 3-5 lần so với ban đầu. Đó là tính nhân văn sâu sắc và hiếm có.

Mặt khác, người Khmer Nam Bộ nói chung, An Giang nói riêng rất sùng đạo Phật (Nam tông) nên rất quan tâm đến việc trợ giúp để tạo phước, nhất là giúp nhà chùa trong phum, sóc. Và đây chính là nền tảng khai sinh ra đua bò Bảy Núi.

Theo Hòa thượng Chau Sơn Hy- sải cả chùa Sà Lôn (Tri Tôn- An Giang) cho biết, xưa kia, vào khoảng cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, khi mùa lũ trên sông Cửu Long bắt đầu rút, người Khmer vùng Bảy Núi vào mùa gieo cấy. Với truyền thống lâu đời của mình, người dân chung tay cày ruộng nhà chùa trước. Mỗi phum, sóc chọn đôi bò “xịn sò” nhất để giúp.

Ngoài chế độ chăm sóc chu đáo, bò đua Bảy Núi còn được chủ nhân đầu tư nhiều “trang sức” để tăng thêm nét đẹp.

Trong quá trình cày, các đôi thi nhau xem ai làm xong phần việc trước. Từ hình thức sơ khai đó, theo thời gian, đua bò Bảy Núi dần phát triển với những luật chơi quy củ hơn, khiến cho tính hấp dẫn ngày cao hơn, thu hút cả người Kinh, Hoa… trong và ngoài tỉnh thưởng thức..

Hơn thế nữa, đây là thời điểm cộng đồng người Khmer vào mùa lễ Dolta, lễ cúng ông bà, có ý nghĩa tương tự như lễ “Vu Lan”. Vì thế việc đưa bò cày ruộng giúp nhà chùa, không chỉ đơn thuần là tích phước cho người còn sống trong gia đình, mà còn là cách hồi hướng thiết thực công đức của con cháu đến tổ tiên ông bà. Vì thế không quá lời khi nói đua bò Bảy Núi đã trở thành đạo chơi độc lạ của đồng bào Khmer tỉnh An Giang.

Theo báo Lao động

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dua-bo-bay-nui-mon-the-thao-doc-la-van-nguoi-me-o-an-giang-post379705.html