Dư luận bị thách thức đến bao giờ?

Việc Công ty CP đầu tư nước sông Đà và các cơ quan chuyên môn chưa có giải đáp nào thỏa đáng về nguyên nhân gây ra hiện tượng nước có mùi lạ, ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân sử dụng nước của Nhà máy tại Thủ đô Hà Nội là quá tắc trách và chậm trễ.

Qua hành vi trộm đổ chất thải, mà ở đây là dầu nhớt ở khu vực thượng nguồn sông Đà tại suối Trâm. Con suối này có hướng chảy vào kênh và kênh đó có hướng nước chảy vào khu vực nhà máy nước sạch sông Đà.

Hành vi này đã vi phạm khoản 5, khoản 6 Điều 7 "Những hành vi bị nghiêm cấm" được Quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2014, như sau:

- Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.

- Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.

Đối chiếu theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP – Quy định về XPVPHC Trong Lĩnh Vực Bảo Vệ Môi Trường, thì mức xử phạt cao nhất là 1 tỉ đồng và có cộng phạt tăng thêm % theo mức phạt tối đa; cùng hình phạt bổ sung, cũng như biện pháp khắc phục.

Khu vực suối bị đổ dầu thải dẫn đến nước cấp cho Nhà máy Nước sông Đà bị nhiễm dầu. Ảnh: MINH CHIẾN

Nhưng, thực tế thời gian qua, có rất nhiều vụ xả thải ra môi trường, chưa được xử lý triệt để và chưa có chế tài cần thiết, đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa chung, nên loại tội phạm này vẫn diễn ra liên tục, như thách thức dư luận và các nhà lập pháp.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, phát hiện của các cơ quan quản lý về tài nguyên môi trường của địa phương còn chậm, mà ở đây là chính quyền xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Sở TNMT tỉnh Hòa Bình và Công ty CPĐT Nước Sông Đà. Qua sự lỏng lẻo này, cũng cần xem công trình này có được xếp vào danh mục công trình trọng điểm an ninh quốc gia để có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt hay không?

Để nâng cao việc bảo vệ môi trường, cũng như cụ thể trong trường hợp này, thì cần làm rõ, điều tra, xác định chất thải thuộc loại chất nào, hàm lượng đến đâu, để xử lý về mặt hình sự, như quy định tại Điều 235: Tội gây ô nhiễm môi trường và Điều 236: Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hai tội này có khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù và đều phân biệt rõ cá nhân và pháp nhân phạm tội. Các cơ quan tố tụng cần áp dụng mạnh như quy định tại BLHS, thì sẽ cảnh tỉnh cho toàn xã hội hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn - Đoàn Luật sư TP HCM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/nuoc-sinh-hoat-o-ha-noi-bi-hoi-du-luan-bi-thach-thuc-den-bao-gio-20191016114131734.htm