Dữ liệu - tài nguyên cốt lõi cho tăng trưởng và đổi mới sáng tạo ngành Ngân hàng
Theo các chuyên gia, ngành Ngân hàng - một trong những lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng công nghệ và số hóa dịch vụ, hiện có đầy đủ điều kiện để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới – giai đoạn lấy dữ liệu làm trung tâm cho mọi hoạt động vận hành, ra quyết định và phục vụ khách hàng.
Ngân hàng ra quyết định dựa trên dữ liệu
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đến nay, trên 90% giao dịch ngân hàng tại nhiều tổ chức tín dụng được thực hiện qua kênh số, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Thêm vào đó, hàng loạt dịch vụ như tiền gửi, mở tài khoản, phát hành thẻ, chuyển tiền, cho vay… đã được số hóa 100%, giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao sự thuận tiện cho khách hàng... Ngành Ngân hàng đang minh chứng là một trong những ngành đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo thông tin từ NHNN, trong 5 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024, giao dịch TTKDTM tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,09% về số lượng và 34,46% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 39,90% về số lượng và 23,22% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 76,62% về số lượng và 179,14% về giá trị. Ngoài ra, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 9,99% về số lượng và tăng 39,85% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 14,33% về số lượng và 3,85% về giá trị.

Dữ liệu là tài sản quan trọng hiện nay
Theo ông Hùng, trong giai đoạn phát triển mới, ngành Ngân hàng đang hướng tới một hệ sinh thái ngân hàng số thông minh, linh hoạt, an toàn và mở rộng, nơi mà dữ liệu không chỉ là yếu tố vận hành mà thực sự trở thành tài nguyên cốt lõi cho tăng trưởng và đổi mới sáng tạo.
Thực tế trong thời gian qua, dữ liệu trong ngành Ngân hàng thực sự đã trở thành một yếu tố hết sức quan trọng, không chỉ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số mà còn trong hoạt động điều hành chính sách. Ông Lê Hoàng Chí Quang, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN cho biết, NHNN cũng đang đẩy mạnh việc ra quyết định trên cơ sở dữ liệu thông qua thu thập từ các tổ chức tín dụng, bộ ngành liên quan, từ đó để hỗ trợ Thống đốc và ban lãnh đạo đưa ra quyết định chính sách sát với thực tiễn hơn.
Một ví dụ cụ thể là việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tháng 7/2024, nhằm phục vụ xác thực sinh trắc học theo các quy định của pháp luật. Đến nay, đã có 119 triệu tài khoản cá nhân và 1,1 triệu tài khoản tổ chức được đối chiếu, làm sạch, minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng và hiệu quả của việc ứng dụng dữ liệu trong phát triển dịch vụ ngân hàng, cũng như phòng chống lừa đảo, gian lận trên không gian mạng.
Gần đây, NHNN thông qua Vụ Thanh toán và Cục Công nghệ thông tin cũng đã phối hợp với một số ngân hàng xây dựng hệ thống SIMO, thu thập dữ liệu liên quan đến các tài khoản, ví điện tử có dấu hiệu giả mạo, gian lận. Hệ thống này hiện đã cung cấp cảnh báo tới các ngân hàng, hỗ trợ khách hàng khi chuyển tiền đến các tài khoản nằm trong danh sách nghi ngờ, giúp người dân cân nhắc trước khi thực hiện giao dịch. Đây tiếp tục là một minh chứng cho vai trò quan trọng của dữ liệu.
Ngoài ra, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) hiện đang quản lý khoảng 54 triệu hồ sơ khách hàng, là một nguồn dữ liệu quý giá phục vụ quá trình ra quyết định cấp tín dụng và đánh giá khách hàng.
Cần có giải pháp khai thác hiệu quả dữ liệu
Tầm quan trọng của dữ liệu đã thấy rõ nhưng ông Lê Hoàng Chí Quang cũng chỉ ra những thách thức và tồn tại trong quản lý dữ liệu mà ngành Ngân hàng đang phải đối mặt. Đơn cử như việc hệ thống công nghệ tại nhiều ngân hàng còn lỗi thời, thiếu linh hoạt, gây khó khăn trong khai thác dữ liệu; dữ liệu vẫn còn phân tán, việc liên thông giữa các hệ thống còn nhiều vướng mắc… Bên cạnh đó, thiếu các tiêu chuẩn đồng bộ, gây khó khăn trong tích hợp, chia sẻ dữ liệu; khả năng khai thác dữ liệu thời gian thực còn hạn chế; cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức tín dụng vẫn đang trong quá trình hình thành, chưa thực sự hoàn thiện.
Thêm vào đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân mới được Quốc hội thông qua, trong đó có những quy định chặt chẽ hơn liên quan đến phân loại, quản lý, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu. Đây sẽ là những yêu cầu pháp lý mà các ngân hàng cần tuân thủ nghiêm túc, đồng thời cũng đặt ra áp lực không nhỏ đối với việc hoàn thiện hạ tầng dữ liệu của toàn ngành.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cũng nêu rõ, sự bùng nổ của các giao dịch, hành vi khách hàng, thị trường và các kênh tương tác đã tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ mà nếu được khai thác hiệu quả, sẽ mang lại giá trị vượt trội. Tuy nhiên, việc “khai thác, tinh chế và đưa vào sử dụng” nguồn dữ liệu này đòi hỏi một nền tảng vững chắc - đó chính là một kiến trúc dữ liệu hiện đại và phù hợp.

Cần có giải pháp khai thác hiệu quả dữ liệu trong ngành Ngân hàng
Theo ông Dũng, kiến trúc dữ liệu không còn là một lựa chọn mà là một yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng trong kỷ nguyên số. Việc xây dựng một kiến trúc dữ liệu phù hợp sẽ không chỉ giúp chúng ta giải quyết các thách thức hiện tại mà còn mở ra những cơ hội chưa từng có để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Từ góc độ ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, dữ liệu hiện nay bị chậm trễ, tức là phải sau một ngày mới có thể cập nhật và sử dụng được. Ngoài ra, phần lớn mới chỉ là dữ liệu có cấu trúc, trong khi dữ liệu phi cấu trúc thì bao giờ cũng nhiều hơn, nhưng lại chưa được khai thác hiệu quả.
“Hiện nay, tôi tin rằng tất cả các ngân hàng đều đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư để đảm bảo nắm được những nguyên tắc cốt lõi. Nguyên tắc đầu tiên là dữ liệu của mình phải giàu, càng giàu càng tốt, về ngữ nghĩa, cấu trúc và phạm vi”, ông Trần Công Quỳnh Lân nhấn mạnh.
Nhấn mạnh đến yếu tố con người trong chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch CTCP Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, bản thân con người, mỗi cá nhân chính là điểm khởi đầu của dữ liệu. Theo đó, ở bất kỳ hành động nào, con người cũng tạo ra dữ liệu.
Vì thế, theo bà Dương, khi các luật và quy định mới, đặc biệt là Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực và được tất cả tuân thủ nghiêm túc, thì sẽ có một sân chơi minh bạch và bình đẳng. Chính điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng trong tương lai.