Du lịch gắn với phát triển dược liệu thôn Tân Sơn

Thôn Tân Sơn, thị trấn Việt Quang có vị trí độc đáo – nằm cuối dãy Tây Côn Lĩnh, cũng là điểm cuối của quần thể thác Thí đã được Bộ Văn hóa – TT&DL xếp hạng danh lam, thắng cảnh Quốc gia. Thôn có 90% đồng bào Dao sinh sống với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, Tân Sơn được ví như 'nàng công chúa ngủ quên'. Do đó, để 'đánh thức' tiềm năng du lịch về văn hóa, sinh thái, dược liệu vốn có của địa phương; tháng 8.2019, UBND huyện Bắc Quang đã thực hiện Đề án Xây dựng Làng Văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển dược liệu Tân Sơn; kỳ vọng đến năm 2022, Tân Sơn trở thành Làng văn hóa Du lịch – Dược liệu. Trong đó, xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm chính là 9 tiêu chí cơ bản theo Tuyên bố chung về phát triển du lịch và dược liệu của UBND tỉnh.

Đồng bào Dao thôn Tân Sơn còn lưu giữ nghề thêu truyền thống, tạo nên những bộ trang phục độc đáo.

Tân Sơn được đánh giá giàu tiềm năng văn hóa truyền thống bản địa để khai thác và thu hút khách du lịch, như: Lễ hội Nhảy lửa, Cấp sắc, làn điệu dân ca, dân vũ… Các phong tục tập quán tốt đẹp trong việc hiếu, hỉ, ứng xử của đồng bào Dao được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Không những vậy, Tân Sơn có nhiều nghệ nhân giỏi về kiến trúc truyền thống, nghề rèn, đúc, thêu, dệt và thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng dân gian hay nghề hái, bốc thuốc gia truyền. Nổi bật trong đó, nghề sản xuất giấy bản truyền thống bằng công cụ thô sơ của dân tộc Dao đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bên cạnh đó, Tân Sơn còn phong phú tiềm năng du lịch sinh thái khi sở hữu địa thế đẹp, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, khí hậu trong lành, mát mẻ. Mặt khác, do nằm cuối quần thể thác Thí nên có những bãi đá cổ xếp lớp tự nhiên đẹp mắt; được bao bọc xung quanh bởi hệ thống rừng tự nhiên, nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý hiếm như Kỳ đà hoa, rắn Hổ mang chúa đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, thôn Tân Sơn còn có rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng hệ thống suối Thủy không chỉ có nhiều loài thủy sinh mà còn hình thành các lớp đá lớn, nhỏ phủ dày không gian vô cùng độc đáo. Không những vậy, với lợi thế nằm cuối dãy Tây Côn Lĩnh, thôn Tân Sơn còn được thiên nhiên ưu đãi lớn về khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, có nhiều loại cây dược liệu mọc tự nhiên dưới tán rừng. Trong đó, có những thảo mộc quý hiếm, như: Thất diệp, Hoàng tinh, Sâm đá, Ba kích, Tam thất, Giảo cổ lam, Hà thủ ô… Các thảo mộc quý này được đồng bào Dao phát hiện, khai thác, sử dụng để làm thuốc bồi bổ sức khỏe, cầm máu, phục hồi sức khỏe sinh sản, chữa đau dạ dày, xương khớp, giải độc cơ thể, chống nhiễm trùng… thông qua hình thức sắc nước uống, đắp lá hoặc chế nước tắm. Đặc biệt, thôn Tân Sơn có nhiều nghệ nhân biết cách bốc thuốc nam gia truyền, là cơ sở để thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mặc dù Tân Sơn giàu tiềm năng du lịch, thuận lợi trong việc kết nối tour, tuyến với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu khai thác tiềm năng du lịch, bao gồm: Các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, văn hóa tâm linh để phát triển du lịch theo hướng văn hóa cộng đồng; khai thác cảnh quan thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái kết hợp hình thành khu trồng, chế biến, bào chế các loại sản phẩm dược liệu gia truyền được thu hái từ thiên nhiên hoặc trồng trọt để có sản phẩm dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay sản phẩm du lịch.

Hiện nay, theo Tuyên bố chung về phát triển du lịch và dược liệu thì Tân Sơn chưa có tiêu chí nào hoàn thành 100%; có tiêu chí hoàn thành một phần nội dung hoặc chưa hoàn thành nội dung nào so với tiêu chí về kinh tế, văn hóa, cảnh quan môi trường, cơ sở hạ tầng… Đơn cử như, tuyến đường bê tông kết nối từ thôn Tân Sơn, qua Thanh Sơn (thị trấn Việt Quang) đấu nối với Quốc lộ 279 không chỉ hẹp ngang mà mặt đường xuống cấp, không đủ điều kiện về quy mô đáp ứng của điểm du lịch. Trong thôn chưa có không gian đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và trưng bày sản phẩm du lịch, dược liệu… Bên cạnh đó, khi phát triển du lịch, dược liệu sẽ là một sản phẩm du lịch trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe du khách, có vai trò quyết định phát triển du lịch, trở thành chuỗi giá trị và có thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, hoạt động thu hái, bào chế dược liệu mới dừng ở phương thức thủ công, quy mô chăm sóc sức khỏe trong phạm vi gia đình; chưa tạo dựng được thương hiệu để trở thành sản phẩm hàng hóa tăng thu nhập cho người dân… Trong khi đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của du khách ngày càng cao, nhất là nhu cầu thưởng thức các bài thuốc gia truyền dân gian.

Có thể khẳng định, quá trình xây dựng Tân Sơn trở thành Làng văn hóa du lịch – dược liệu còn nhiều khó khăn; nhưng với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang; kỳ vọng đến năm 2022, Tân Sơn sẽ đạt được mục tiêu trên. Qua đó, tạo đột phá trong phát triển du lịch, dược liệu để xứng tầm ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đồng thời, tạo động thái tích cực duy trì hiệu quả nghề truyền thống gắn với phát huy giá trị bản sắc văn hóa đồng bào Dao.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202001/du-lich-gan-voi-phat-trien-duoc-lieu-thon-tan-son-754260/