Dự báo xâm nhập mặn ở miền Tây sẽ giảm từ tháng 5

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, từ khoảng tháng 5 tình hình xâm mặn mới giảm nhanh và sang tháng 6 xâm nhập mặn lùi xa về phía cửa sông.

Thời gian qua, tình hình xâm nhập mặn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gây hưởng đến việc trồng trọt, thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

 Xâm nhập mặn gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Xâm nhập mặn gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Xâm nhập mặn mức cao

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, từ hôm nay đến 30-4, mực nước trên sông Mê Kông ít biến đổi. Lưu lượng nước qua trạm Kratie ở mức nhỏ hơn so với cùng kỳ năm 2023 khoảng 12% và lớn hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 10%.

Mực nước tại Kompong Luong ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và TBNN khoảng 0,09-0,14m, dung tích biển Hồ nhỏ hơn TBNN khoảng 0,11 tỉ m3. Thủy triều vùng hạ lưu trên các sông ở miền Tây Nam Bộ xuống nhanh, sau lên chậm vào 29-4 và 30-4.

Độ mặn lớn nhất tại hầu hết các sông xuất hiện vào khoảng ngày 25-4, mức lớn hơn cùng kỳ năm ngoái và TBNN. Ranh mặn 4g/l xâm nhập cách cửa sông Tiền khoảng 50-55km, sông Hậu khoảng 40-45km.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn TBNN. Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn vẫn tăng đến nửa đầu tháng 5, sau đó giảm dần từ nửa cuối tháng 5.

"Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn" - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo.

Nhiều địa phương xâm nhập mặn giảm dần

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, ở Nam Bộ từ khoảng tháng 5 tình hình xâm mặn mới giảm nhanh và sang tháng 6 xâm nhập mặn mới lùi xa về phía cửa sông.

Cụ thể tại Bến Tre, trong tháng 4 độ mặn bắt đầu giảm dần ở khu vực thượng nguồn Chợ Lách và Châu Thành. Tuy nhiên, khu vực từ 50-60km trở xuống cửa sông, xâm nhập mặn vẫn còn duy trì và xâm nhập theo triều ở mức cao.

Xâm nhập mặn tiếp tục giảm trong tháng 5 nhưng vẫn còn xâm nhập theo triều ở mức cao từ khu vực cách cửa sông 48-50km trở xuống. Tình hình này sẽ giảm mạnh và kết thúc trong tháng 6.

Tại Long An, xâm nhập mặn tăng cao trên các sông từ nay đến đầu tháng 5, sau đó có khả năng giảm dần.

Từ nay, tới tháng 5 dự báo vẫn ít mưa, bốc hơi cao, kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.

 Tình hình xâm nhập mặn ở Sóc Trăng cũng gây thiếu nước cho cây trồng. Ảnh: NC

Tình hình xâm nhập mặn ở Sóc Trăng cũng gây thiếu nước cho cây trồng. Ảnh: NC

Tại Sóc Trăng, từ cuối tháng 5, xâm nhập mặn sẽ giảm dần. Ranh mặn 4‰, trên sông Hậu xâm nhập sâu khoảng 49 – 54km; trên sông Mỹ Thanh xâm nhập sâu khoảng 57– 62km. Các địa phương cần sớm có biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Tại Cà Mau, từ đầu năm 2024 diễn biến xâm nhập mặn tại tỉnh này vẫn duy trì ở ngưỡng cao. Độ mặn tại TP Cà Mau cao nhất đạt 33 g/l, Sông Đốc 33-34g/l, Thới Bình 28-29g/l. Mức mặn ở Thới Bình cao hơn năm 2016.

Tuy nhiên, mức độ mặn tại TP Cà Mau và Sông Đốc thấp hơn năm 2016 nhưng cao hơn năm 2020. Dự báo từ nay đến tháng 6 độ mặn còn tiếp tục tăng, nhiều khả năng đạt đỉnh vào những ngày cuối tháng 4.

Hạn mặn gây thiếu nước sinh hoạt

Đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, để giảm thiểu thiệt hại do tình trạng mùa khô năm 2024 khả năng ít mưa trái mùa, nguồn nước trên sông Mê Kông chảy về ĐBSCL thấp, gió Đông Bắc mạnh, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ tới sớm và mức độ gay gắt hơn.

Các Đài khí tượng thủy văn tỉnh ra những bản tin dự báo, cảnh báo hạn dài, tập trung vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn, tham mưu cho địa phương bố trí mùa vụ cây trồng để tránh thiệt hại do vấn đề thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.

Chính vì vậy, các tỉnh ĐBSCL mùa khô năm nay tính đến thời điểm này thiệt hại về nông nghiệp do xâm nhập mặn là không lớn, các địa phương chủ yếu là thiếu nước sinh hoạt.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-bao-xam-nhap-man-o-mien-tay-se-giam-tu-thang-5-post786865.html