Dự án Nhà máy sản xuất mũ, giầy xuất khẩu (TP Uông Bí): Giá bồi thường về đất nông nghiệp đã có phần chênh lệch

Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất mũ, giầy xuất khẩu tại phường Yên Thanh (TP Uông Bí) thực hiện bồi thường, GPMB từ năm 2003, thu hồi đất của 102 hộ dân. Tại thời điểm đó, 102/102 hộ nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, không có ý kiến, kiến nghị, khiếu nại gì. Tuy nhiên đến năm 2014, các hộ dân lại khiếu nại về giá đền bù.

Ngày 21/7/2020, lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với bà Nguyễn Thị Thực và một số hộ dân liên quan đến kiến nghị về phương án bồi thường GPMB dự án.

Theo khiếu nại, các hộ dân cho rằng giá đền bù đất nông nghiệp chưa bao gồm khoản cộng thêm tối đa bằng 30% phần chênh lệch giữa giá đền bù đất ở trong đô thị của khu đất ở liền kề với giá đền bù đất nông nghiệp theo quy định tại Thông tư số 145/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính. Do đó, các hộ đề nghị ngoài mức đền bù đất nông nghiệp là 26.000 đồng/m2 còn được cộng thêm tối đa bằng 30% phần chênh lệch giữa giá đền bù cho đất ở trong đô thị của khu đất ở liền kề với giá đền bù đất nông nghiệp.

UBND TP Uông Bí giải quyết khiếu nại lần đầu tại Quyết định 602/QĐ-UBND ngày 30/1/2015 với nội dung không chấp nhận nội dung khiếu nại của 101 hộ dân cư trú tại khu Phú Thanh Tây, phường Yên Thanh, TP Uông Bí. Một số hộ dân không đồng ý với giải quyết khiếu nại lần đầu nên tiếp tục khiếu nại lên tỉnh. Ngày 26/5/2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1414/QĐ-UBND không chấp nhận nội dung khiếu nại của các hộ dân.

Theo quy định tại Điều 42, Luật Khiếu nại năm 2011, trường hợp hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Như vậy, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại lần hai, các hộ dân không đồng ý với việc giải quyết thì có quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh ra TAND tỉnh mà không có quyền khiếu nại tiếp. Tuy nhiên, sau khi nhận được Quyết định 1414/QĐ-UBND, một số hộ dân đã không khởi kiện ra tòa mà vẫn tiếp tục có đơn kiến nghị được xem xét lại việc giải quyết vụ việc.

Mặc dù, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, đến thời điểm hiện nay các hộ dân không còn quyền khởi kiện Quyết định 1414/QĐ-UBND vì đã hết thời hiệu khởi kiện; đây cũng không phải là vụ việc khiếu nại tồn đọng vì nội dung khiếu nại của các hộ dân đã được Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh giải quyết theo đúng quy định; tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của các hộ dân, UBND tỉnh đã lập danh sách và đưa vụ việc này vào danh sách các vụ việc được tiếp tục kiểm tra, rà soát.

Tỉnh đã giao các sở, ngành: TN&MT, Tài chính, NN&PTNT, Thanh tra tỉnh, UBND TP Uông Bí, cùng sự giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh, để kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình giải quyết nội dung khiếu nại của các hộ dân. Trên cơ sở đó, tổ chức đối thoại nhiều lần với các hộ dân để làm rõ về giá bồi thường đất nông nghiệp của các hộ được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3344/QĐ-UBND ngày 22/9/2003 là 26.000 đồng/m2 đã được “cộng thêm một khoản tiền tối đa bằng 30% phần chênh lệch giữa giá đền bù cho đất ở trong đô thị của khu đất ở liền kề với giá đất đền bù đất nông nghiệp”.

Qua kết quả rà soát, các cơ quan chức năng của tỉnh khẳng định trong giá bồi thường đất nông nghiệp đã có phần chênh lệch.

Qua báo cáo rà soát từ các cơ quan chức năng của tỉnh cho thấy, việc các hộ dân cho rằng trong giá bồi thường về đất nông nghiệp cho các hộ chưa có phần chênh lệch là không đúng. Bởi lẽ tại thời điểm năm 2003, giá đất nông nghiệp hạng 3 tại khu vực thu hồi đất của các hộ dân có giá là 750 đồng/m2, khoản chênh lệch giữa giá đền bù cho đất ở trong đô thị của khu đất ở liền kề với giá đất đền bù đất nông nghiệp tính cho các hộ là 2,72% (tại thời điểm năm 2015). Sau khi các hộ dân cung cấp thêm tài liệu, các sở, ngành của tỉnh và UBND TP Uông Bí đã tính toán lại và xác định đến thời điểm hiện nay khoản chênh lệch này là 3,08%.

Tại buổi làm việc của UBND tỉnh với các hộ dân ngày 21/7/2020, đại diện một số hộ dân sau khi nghe các ý kiến phân tích, trao đổi từ cơ quan chức năng của tỉnh và của TP Uông Bí vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết, rà soát của UBND TP Uông Bí và UBND tỉnh.

Ông Vũ Văn Chiến, Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh cho biết: Hiện tại các hộ dân đã sử dụng hết quyền khiếu nại, kiến nghị đến các cơ quan hành chính nhà nước và không còn quyền khởi kiện vụ án hành chính đến các cơ quan Tòa án. Trong trường hợp các hộ dân có căn cứ chứng minh việc giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND TP Uông Bí và Chủ tịch UBND tỉnh có vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dụng vụ việc khiếu nại thì có thể làm đơn kiến nghị đến Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có liên quan, để được xem xét lại theo quy định tại khoản 2, Điều 20, Nghị định 75/2012/NĐ-CP. Ban Tiếp công dân tỉnh đã có văn bản hướng dẫn đến các hộ.

Trần Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/ban-doc/202008/du-an-nha-may-san-xuat-mu-giay-xuat-khau-tp-uong-bi-gia-boi-thuong-ve-dat-nong-nghiep-da-co-phan-chenh-lech-2494769/