Dự án Khu đô thị mới Thuận Phước - Đà Nẵng đủ điều kiện huy động vốn
Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Văn bản số 2177/SXD-QLNN ngày 17/4/2025 thông báo dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại Khu đô thị mới Thuận Phước - Đà Nẵng đủ điều kiện huy dộng vốn đối với khoảng 1.880 căn nhà ở liền kề và 212 căn nhà ở biệt thự...

Phối cảnh khu đô thị mới Thuận Phước - Đà Nẵng.
Khu đô thị mới Thuận Phước - Đà Nẵng nằm trên địa bàn thuộc hai phường Nại Hiên Đông và phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) do Công ty cổ phần Đầu tư đô thị vịnh Thuận Phước làm chủ đầu tư, có diện tích sử dụng đất 976.475 m2, với tổng vốn đầu tư xây dựng là hơn 11.493 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự là 5.485 tỷ đồng; vốn huy động của các tổ chức cá nhân khoảng 2.139 tỷ đồng (chiếm 39%).
Theo Văn bản 2177/SXD-QLNN về nội dung huy động vốn phát triển nhà ở thương mại tại dự án Khu đô thị mới Thuận Phước - Đà Nẵng đối với khoảng 1.880 căn nhà ở liền kề và 212 căn nhà ở biệt thự theo hình thức huy động vốn thông qua việc góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 115 Luật Nhà ở.
Mức huy động vốn khoảng 2.139 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 39% tổng vốn đầu tư xây dựng nhà ở liền kề và nhà ở biệt thự của dự án).
Thời gian huy động vốn kể từ khi có văn bản này thông báo đủ điều kiện huy động vốn của Sở Xây dựng đến khi kết thúc tiến độ đầu tư xây dựng dự án.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác về thông tin và hồ sơ gửi kèm Công văn số 31/2025/CV-VTP ngày 28/3/2025; Thực hiện việc huy động vốn, sử dụng vốn phát triển nhà ở đảm bảo nguyên tắc theo quy định tại Điều 116 Luật Nhà ở.
Văn bản của Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng lưu ý bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết chỉ được phân chia lợi nhuận bằng tiền hoặc cổ phiếu trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào mục đích để phát triển nhà ở và thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, không được sử dụng vốn đã huy động cho dự án khác hoặc mục đích khác.
Trường hợp chủ đầu tư dự án đã thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc đã thế chấp nhà ở trong dự án và đã đăng ký thế chấp theo quy định mà huy động vốn để thực hiện đầu tư xây dựng phần dự án hoặc nhà ở đã thế chấp, thì phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp hoặc rút bớt tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm trước khi ký kết hợp đồng huy động vốn theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP; Đảm bảo tổng vốn được huy động theo các hình thức và vốn chủ sở hữu phải có không vượt quá tổng vốn đầu tư dự án, bao gồm cả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai.
Văn bản của Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng yêu cầu chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và pháp luật có liên quan; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư theo quy định tại Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Điều 39 Luật Nhà ở năm 2023 và các quy định pháp luật có liên quan. Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trường hợp để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây dựng dự án, huy động vốn, kinh doanh bất động sản tại dự án.
Chủ đầu tư phải thực hiện công khai thông tin dự án theo đúng quy định tại Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023. Thực hiện chế độ báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 15 và khoản 1, 2, 3 Điều 17 Nghị định số 94/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ.