Dòng vốn tín dụng và dòng tiền ngân sách phải vào đúng chỗ, tạo động lực cho nền kinh tế

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tài chính - ngân sách ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bộ Tài chính phải có chính sách khuyến khích thu và phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch, chống tiêu cực, chạy chọt. Dòng vốn tín dụng và dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Thu ngân sách vượt dự toán

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 nghìn tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu và tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất - kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6% GDP (vượt mục tiêu 15,5% GDP). Thu ngân sách Trung ương ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

“Trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, khi nào khó khăn thì nhà nước chia sẻ, giảm thuế, giảm phí cho doanh nghiệp, khi thuận lợi thì doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ”-

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 38 nghìn tỷ đồng, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng.

Công tác điều hành chi NSNN chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách chi NSNN cho phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ mua và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021. Bộ cũng triển khai các giải pháp thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, với số tiền huy động đến hết ngày 31/12/2021 đạt 8.803 tỷ đồng...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2021, công tác điều hành thu chủ động, chi tiết kiệm.

Vì thế, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2021 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, ước đến hết 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 đạt 82,66%).

Thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao đóng góp quan trọng của ngành tài chính vào kết quả, thành tích chung của đất nước. Các cân đối lớn được bảo đảm, “thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, các chỉ tiêu này đều có dư, năng lượng được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi rất nhanh sau khi bị đứt gãy”. Trong đó, thu ngân sách cao hơn năm 2020 và tăng gần 180.000 tỷ đồng so với dự toán. “Đặc biệt, chúng ta đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn”- Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế của ngành trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thủ tướng nhấn mạnh: “Phân bổ thu chi thế nào cho hợp lý, khen thưởng, kỷ luật thế nào để khuyến khích các địa phương trong thu ngân sách, chính sách nào để phân bổ nguồn lực cho các địa phương một cách công bằng, minh bạch. Phải có chính sách khuyến khích thu, phải có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt. Phải đầu tư công sức nghiên cứu để khắc phục hạn chế, bất cập”. Thủ tướng lưu ý, phải tránh tình trạng địa phương có thể thu nhiều hơn nhưng lại không muốn thu để tránh bị áp dự toán thu năm sau cao hơn.

Thủ tướng yêu cầu phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chính sách này phải nâng đỡ, thúc đẩy chính sách kia, hết sức tránh lợi ích cục bộ, chính sách này mâu thuẫn, cản trở chính sách kia.

Cùng với đó, phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, “trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng”, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình, không vung tay quá trán cũng không quá thận trọng. “Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt”, Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập để làm tốt hơn công tác quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp, chống tiêu cực, ách tắc. Tập trung thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; tận dụng thời cơ thị trường thuận lợi để đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm mang tính dài hạn, minh bạch và bền vững. Kiểm soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp; uốn nắn ngay, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Nha Trang -

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-von-tin-dung-va-dong-tien-ngan-sach-phai-vao-dung-cho-tao-dong-luc-cho-nen-kinh-te.html