Đồng Tháp quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2025 - 2030
Chiều 15/7, Tỉnh ủy Đồng Tháp họp Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Tham dự cuộc họp có đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo; cùng các Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đồng chí Lê Quốc Phong phát biểu tại cuộc họp
Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo tỉnh Đồng Tháp cũ đề ra 27 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm 2025 đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm, kết quả đã hoàn thành 6/12 nhiệm vụ, đang triển khai 6/12 nhiệm vụ, trong đó có 1/12 nhiệm vụ đang chờ hướng dẫn của Trung ương. Đối với chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo tỉnh Tiền Giang đề ra 45 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm 2025 đề ra 26 nhiệm vụ trọng tâm, kết quả hoàn thành 22/26 nhiệm vụ; đang triển khai 2/26 nhiệm vụ; có 1/26 nhiệm vụ đang chờ hướng dẫn của Trung ương.
Nhìn chung, việc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Đồng Tháp trong thời gian qua đạt được những kết quả tích cực, thể hiện sự chủ động, quyết tâm và nỗ lực của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cùng các cấp, ngành và địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được quan tâm và triển khai kịp thời, đồng bộ ngay từ đầu. Về hoàn thiện thể chế, dù còn một số vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính đặc thù do chờ hướng dẫn từ Trung ương, tỉnh đã chủ động áp dụng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Về đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hệ thống chính trị, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin cốt lõi như: hệ thống thông tin báo cáo, kho dữ liệu dùng chung, nền tảng dữ liệu mở.
Song song đó, hoạt động thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp được quan tâm thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số. Việc ký kết hợp tác 3 bên với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Công ty Vĩnh Hoàn, xác định 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể, cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp để giải quyết các bài toán thực tiễn. Việc tỉnh đang xây dựng kế hoạch hành động với chỉ tiêu chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt ít nhất 1% tổng chi ngân sách địa phương và tỷ lệ chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt 2% GRDP cho thấy sự cam kết mạnh mẽ về nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này…
Tuy nhiên, việc triển khai khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số còn gặp một số khó khăn như: cơ chế, chính sách đặc thù chưa hoàn thiện do chờ hướng dẫn từ Trung ương; thay đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương đã làm ảnh hưởng đến việc việc triển xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ hoạt động chưa hiệu quả do cơ chế tài chính còn vướng và tỷ lệ nợ quá hạn của doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn; nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước còn mỏng và yếu, đặc biệt ở cấp xã thiếu chuyên gia an toàn an ninh thông tin… ảnh hưởng đến chất lượng triển khai và sáng tạo trong ứng dụng công nghệ.
Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại cơ sở, đào tạo kỹ năng số cho cán bộ và triển khai đào tạo chuyên sâu về AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật), AR (thực tế tăng cường), VR (thực tế ảo), Big Data (dữ liệu lớn)... Tỉnh đẩy mạnh triển khai Đề án chuyển đổi số, số hóa 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện, phát triển chữ ký số, công dân số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy học tập số trong cộng đồng. Đồng thời khẩn trương rà soát dự án Công viên phần mềm Mekong; ban hành chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao và xây dựng cơ chế đặt hàng cho doanh nghiệp công nghệ số thực hiện nhiệm vụ trọng điểm về chuyển đổi số…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh, trước hết phải khẩn trương làm việc với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để triển khai chương trình hợp tác về công nghệ sinh học. Cần sớm thành lập nhóm nghiên cứu, tổ công tác liên ngành, vận hành theo cơ chế “ba nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chương trình thành các dự án thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho phát triển các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đề nghị, nghiên cứu phân công nhóm xây dựng báo cáo chuyên đề thực hiện đột phá chiến lược của tỉnh trong giai đoạn 2025 - 2030. Thành lập hội đồng tư vấn về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Hội đồng này sẽ là kênh tham vấn trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh, họp định kỳ mỗi tháng một lần, tạo cơ chế phản biện khoa học và thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà nghiên cứu và nhà quản lý. Các ngành liên quan chủ động đề xuất các chính sách tôn vinh, vinh danh nhà khoa học, nhà sáng chế, các nhóm nghiên cứu có đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Việc sàng lọc và tôn vinh các ý tưởng, sáng kiến tiêu biểu nên được tổ chức hằng năm, gắn với các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động, có trọng tâm. Phải có những nhóm động lực, nhóm nòng cốt về khoa học - công nghệ để dẫn dắt sự phát triển.
Từ đây đến cuối năm, đồng chí Lê Quốc Phong yêu cầu các ngành và các cơ sở nghiên cứu đề tài, xác định nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2026, đồng thời có tầm nhìn dài hơi hơn, phục vụ cả nhiệm kỳ 2025 - 2030. Cần mở ra không gian sáng tạo, điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các rào cản về cơ chế tài chính, thanh quyết toán và quy trình hành chính, để các nhà khoa học toàn tâm nghiên cứu và ứng dụng.
Đồng chí Lê Quốc Phong đề nghị, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh chủ động xây dựng đề án phục vụ phát triển địa phương, vừa là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, vừa là trung tâm chuyển giao tri thức và công nghệ. Tỉnh sẽ định vị 2 vùng trọng điểm, đóng vai trò là hai trụ cột phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo: Vùng Mỹ Tho sẽ là không gian của chuyển đổi số, trung tâm khoa học - công nghệ của tỉnh; vùng Cao Lãnh sẽ phát triển theo hướng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hai vùng này sẽ hỗ trợ, tương tác, bổ trợ cho nhau, tạo sức bật toàn diện cho Đồng Tháp.
Về chuyển đổi số, đồng chí Lê Quốc Phong yêu cầu đặc biệt quan tâm đến 2 Trung tâm hành chính công của tỉnh và Trung tâm phục vụ hành chính công của 102 xã, phường. Cần bảo đảm trang thiết bị đồng bộ, đầy đủ, nhất là ở những địa phương ở xa - nơi người dân càng cần được phục vụ thuận tiện. Cùng với đó, phải sớm hình thành đội ứng phó nhanh với sự cố kỹ thuật, chia đều theo từng khu vực để xử lý kịp thời, hạn chế gián đoạn hoạt động hành chính. Đặc biệt là đẩy mạnh số hóa toàn bộ tài liệu, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tiến tới cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh - làm nền tảng cho phân tích, dự báo, điều hành thông minh…