Đồng Tháp: Long trọng lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường

Lễ giỗ ông, bà chủ chợ Cao Lãnh được tổ chức long trọng với nhiều hoạt động đậm chất văn hóa, giáo dục. Lễ giỗ thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, thắp hương viếng.

Ngày đầu tiên chính thức lễ giỗ, có rất đông nhân dân trong và ngoài tỉnh tìm đến viếng Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường.

Sáng 25/7, tại Khu di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chính thức diễn ra Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 203.

Trong không khí trang nghiêm, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, thành phố Cao Lãnh cùng du khách thập phương đã đến Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường. Các đại biểu và bà con nhân dân thành kính dâng hương tưởng nhớ công đức ông, bà đối với quê hương Cao Lãnh.

Bà con nhân dân viếng và tham quan Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường.

Ban Tế tự Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường đã thực hiện trang nghiêm nghi thức diễu hành Lễ Nghinh Sắc ông, bà Đỗ Công Tường qua nhiều tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Cao Lãnh.

Lễ giỗ được tổ chức trong một không gian mở rộng với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Không gian văn hóa góc quê, gồm các hoạt động thư pháp, tái hiện Chợ Vườn Quýt, trang trí công cụ nông nghiệp xưa…

Nghi thức Nghinh sắc diễn ra tại một số tuyến đường của thành phố Cao Lãnh.

Ngoài ra, còn có các hoạt động quảng bá-kết nối du lịch và văn hóa, văn nghệ-thể dục, thể thao như: Biểu diễn trải nghiệm làng nghề, nghề thủ công mỹ nghệ (nghề đan mê bồ, đan lục bình, rổ rế, quy trình làm trà tim sen, hạt sen sấy, rượu sen…).

Triển lãm ảnh, ngày hội đặc sản đất sen hồng, hội thao các môn thể thao dân tộc, giao lưu biểu diễn thể dục dưỡng sinh, chương trình nghệ thuật tổng hợp, hội diễn lân-sư-rồng, hội thi các món ăn chế biến từ xoài và bánh dân gian, hội thi giới thiệu sách…

Hoạt động trải nghiệm xưa tại khu vực lễ hội.

Theo tài liệu ghi chép, năm Canh Thìn (1820), xảy ra bệnh dịch tả trong vùng khiến nhiều người chết. Ông, bà đặt bàn hương án khấn nguyện, xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt. Sau đó, ông bà chay lạt, khổ hạnh từ ngày mùng 6 đến 9/6 thì bà lâm bệnh và mất, ngày mùng 10/6 ông cũng bệnh qua đời, dịch bệnh cũng sớm chấm dứt.

Nhớ ơn ông, bà, dân làng lập miếu phụng thờ. Tên Câu Lãnh được gọi trại thành Cao Lãnh, ngày nay là tên chợ, tên một thành phố và một huyện của tỉnh Đồng Tháp.

Hoạt động trải nghiệm xưa tại khu vực lễ hội.

Ngày 8/7/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định xếp hạng Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.

Lễ giỗ diễn ra từ ngày 24 đến 27/7 (nhằm ngày mùng 7 đến 10/6 năm Quý Mão).

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-thap-long-trong-le-gio-ong-ba-do-cong-tuong-post763996.html