Dòng sông chảy mãi…

Những gương mặt trên bức hình như động đậy, nói cười, khiến đôi bàn tay ông run run hết đưa tấm hình lại gần rồi lại lùi ra xa. Từ góc căn phòng tôi thấy đôi mắt ông dần ngấn lệ, hai môi bậm vào nhau. 'Tuổi già hạt lệ như sương'.

Có nỗi nhớ đang thành sóng bể, bão giông. Những gương mặt thời ông đó. Sạm màu thuốc súng mà lắm nét tinh nghịch chất ngất trong trẻo, nồng nàn. Ai mất, ai còn? Ông im lặng. Một thước phim 50 năm trước quay về. Một lát cắt số phận của cả một dân tộc…

Bốn người bạn cùng lớp K12 Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội gặp nhau tại đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Miền Trung tháng 6/1974. Từ trái sang Nguyễn Bá Thâm, Lê Tất Cứ (cha của tác giả), Vũ Thị Hồng, Nguyễn BBảo

Bốn người bạn cùng lớp K12 Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội gặp nhau tại đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Miền Trung tháng 6/1974. Từ trái sang Nguyễn Bá Thâm, Lê Tất Cứ (cha của tác giả), Vũ Thị Hồng, Nguyễn BBảo

Trong ánh hoàng hôn xuyên qua khung cửa sổ, bóng ông đổ dài trên nền nhà như một nhành cây khô cỗi vẫn gắng vươn về phía mặt trời. Những gương mặt trong bức ảnh, mỗi người một dáng đứng, một nụ cười, một ánh nhìn trẻ trung đầy khí phách. Nhưng tất cả giờ chỉ còn lại trên một tấm hình đã ố vàng, mép ảnh sờn rách như lòng người nhiều vết cứa. Ông chạm nhẹ vào từng khuôn mặt, tay khẽ run như đang lần lại từng dấu chân qua những cánh rừng, những đồi sim cháy đỏ trong lửa đạn. Có lẽ trong kí ức của ông, giờ này, tiếng pháo đang vang rền, mùi khói súng lại xộc lên trong từng hơi thở, và cả tiếng gọi nhau rối ren giữa màn sương dày đặc của chiến tranh. Mỗi người trong ảnh không chỉ là đồng đội, mà còn là một phần máu thịt của ông - người gánh chung ba lô, chia nhau mẩu lương khô, kề vai mà xông lên giữa những tràng đạn réo bên tai.

“Thằng Tư cười to lắm… cứ mỗi lần nghe pháo nổ là nó lại nói: không trúng tao đâu” - ông chợt thì thầm, giọng khản đặc như gió thổi qua lá khô. Tôi chẳng rõ ông đang nói với tôi, hay nói với những người trong ảnh, hay chỉ là nói với chính mình - với cái quá khứ không thể nào quên. Căn phòng như chùng xuống, yên lặng đến nỗi nghe rõ tiếng kim đồng hồ nhích từng nhịp một, như thời gian đang chầm chậm quay ngược. Ông vẫn ngồi đó, lưng như còng hơn, ánh mắt xa xăm vời vợi, tay vẫn chưa buông bức ảnh. Có lẽ trong sâu thẳm, ông đang ngồi lại bên bếp lửa năm nào, bên những đồng đội không bao giờ trở về…

Tôi chợt sợ sự xúc động mỗi lúc một dâng trào ấycó thể làm cơn khó thở do căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bộc phát nên cắt ngang mạch suy nghĩ của ông: “Con rót cho bố chén nước nhé?”.

Ông khẽ gật đầu, bàn tay buông nhẹ bức ảnh xuống bàn. Tấm hình nằm đó, như một mảnh kí ức vừa được gói ghém lại sau chuyến trở về bất chợt trong tâm trí người lính già. Tôi chậm rãi rót, tiếng nước rơi vào lòng chén nghe như tiếng mưa rơi trên tán lá rừng xưa - thứ âm thanh mà có lẽ một phần hồn ông vẫn còn lặng lẽ nằm lại đâu đó giữa Trường Sơn, giữa mênh mông đất đỏ và hoa rừng cháy rực.

Khi tôi đưa chén nước đến, ông đỡ lấy bằng hai tay, miệng khẽ nhấp một ngụm. Mắt ông chớp nhẹ, giọt nước mắt còn vương nơi khóe mi như giọt sương đầu ngày đọng trên cánh cỏ già. Tôi ngồi xuống bên, lặng im không nói. Có những điều trong lòng ông, tôi biết, không thể nói thành lời. Đó là thứ nỗi nhớ được chưng cất từ máu, khói súng và cả những lời hứa chưa thành. Mỗi cái tên, mỗi gương mặt trong bức ảnh ấy là một câu chuyện dang dở, một thanh xuân gửi lại chiến trường.

Các nhà thơ, nhà văn từng chiến đấu ở chiến trường B thăm đồng đội đã hi sinh nằm lại nghĩa trang tỉnh Quảng Nam (Cha tác giả thứ 2, từ trái qua)

Các nhà thơ, nhà văn từng chiến đấu ở chiến trường B thăm đồng đội đã hi sinh nằm lại nghĩa trang tỉnh Quảng Nam (Cha tác giả thứ 2, từ trái qua)

Ngoài kia, gió chiều thổi qua vòm cây già như một bản nhạc buồn không tên. Bên trong căn phòng, chỉ còn tiếng thở của ông chậm rãi vang lên. Thỉnh thoảng, ông lại khe khẽ ho, tiếng ho khô khốc như vọng lại từ thẳm sâu trong lồng ngực mỏi mệt - nơi đã từng hô vang “xung phong!” năm nào, giờ chỉ còn đủ sức gợi lại một quá khứ vời xa.

Tôi nhìn ông, lòng dâng lên một cảm giác khó gọi tên. Là thương, là biết ơn, hay là nỗi xót xa khi chứng kiến người lính năm xưa giờ chỉ có thể “đi lại” bằng kí ức? Trong tim tôi bỗng nhen lên một điều giản dị - dẫu bom đạn đã lùi xa, thì những người như ông và những người đã nằm lại chiến trường xưa trong bức ảnh kia vẫn đang sống, bằng một cách nào đó, trong từng nhịp thở của Đất nước này.

Những người lính già như cha tôi, đi qua bom đạn của 50 năm trước, nay tóc đã bạc, lưng đã còng, nhưng ánh mắt vẫn sáng như những đêm hành quân dưới trăng rừng Trường Sơn. Họ trở về từ chiến tranh không mang theo súng đạn, chỉ mang trong tim khí phách của người lính - thứ khí phách không hoen gỉ theo thời gian.

Cha tôi và những người như ông, họ sống lặng lẽ, không ồn ào kể công, cũng chẳng cần ai khắc ghi. Nhưng chỉ cần nhìn cách họ cặm cụi chăm vườn rau sau nhà, miệt mài góp sức xây lại chiếc cầu làng đã cũ, hay lặng lẽ đứng chào cờ vào mỗi sáng thứ Hai, ta sẽ hiểu tinh thần người lính ấy chưa từng phai nhạt. Họ không sống bằng quá vãng hào hùng, không giữ chiến tích như những vết son cũ để ngợi ca bản thân. Họ giản dị như dòng sông mãi chảy- trầm lặng, bền bỉ, len lỏi tìm về tưới mát những mảnh đất cằn khô.

Tâm thế của người lính Cụ Hồ, với họ, là điều không thể rời bỏ, đã hóa vào máu thịt. Chiến tranh đi qua, nhưng lòng yêu nước, tinh thần phụng sự, niềm tin vào lẽ phải… vẫn nguyên vẹn trong từng hành động, từng lời dạy cháu con. Những nếp nhăn trên gương mặt cha tôi không chỉ khắc dấu thời gian, mà còn là chứng tích của sự can trường, của một thế hệ từng đặt Tổ quốc lên trên cả mạng sống.

Tôi nhìn ông - một người lính già trong chiều muộn, khi ánh mặt trời rọi qua ô cửa và ánh lên trên tấm huân chương cũ treo trên tường, chợt hiểu ra rằng, những con người như ông, với đôi chân từng đi qua chiến trường rực lửa, với đôi mắt từng nhìn cái chết đến trong gang tấc chính là chiếc cầu lặng thầm nối giữa quá khứ oanh liệt và hiện tại yên bình. Họ không chỉ kể lại lịch sử bằng lời, mà bằng chính cách họ sống: giản dị, kiên cường và chan chứa yêu thương.

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em...”

(Trích trường ca “Những người đi tới biển” - Thanh Thảo)

Họ đã đi qua thanh xuân như vậy đó. Tận hiến bằng cả tình yêu tha thiết như vỡ ra từ giọt máu. Và chính vì không thể tiếc khi không thể không tiếc đã dệt gương mặt tâm hồn, để hôm nay ta soi vào đó, đọc từ bóng họ trong kí ức, lời nhắc tưởng chừng bâng quơ, rằng mỗi một phút bình yên đã phải đổi bằng máu xương. Hãy nhớ lấy điều đó, và xem đấy như lời nhắc về một giá trị sống cần phải thẩm thấu và giữ gìn, để những gương mặt tuổi hai mươi yêu dấu một thuở đó nhìn họ, mỉm cười…

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dong-song-chay-mai-post1738670.tpo