Đông Nam Á dẫn đầu thế giới về tăng trưởng hạ tầng đám mây
Đông Nam Á đang dẫn đầu tốc độ tăng trưởng toàn cầu về hạ tầng đám mây nhờ làn sóng đầu tư các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và nhà điều hành trung tâm dữ liệu của nước ngoài vào các nền kinh tế như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
NTT của Nhật Bản phủ trung tâm dữ liệu khắp ASEAN
Mới đây, Tập đoàn viễn thông NTT của Nhật Bản thông báo đầu tư 90 triệu đô la để xây dựng trung tâm dữ liệu thứ ba ở Thái Lan nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Hồi đầu tháng này, AWS, đơn vị điện toán đám mây của tập đoàn Amazon (Mỹ) cam kết đầu tư đến 6 tỉ đô la ở Malaysia trong 14 năm tới.
Giới phân tích và chuyên gia trong ngành kỳ vọng Đông Nam Á sẽ trở thành tâm điểm tăng trưởng về trung tâm dữ liệu phục vụ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu khi họ nỗ lực đáp ứng nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng ở một khu vực chứng kiến nền kinh tế internet phát triển nhanh chóng, được dự báo đạt giá giá 330 tỉ đô la vào năm 2025, tăng gần gấp ba lần sau 5 năm.
Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, doanh thu hạ tầng đám mây của Đông Nam Á tăng lên con số 2,18 tỉ đô la năm 2022, cao hơn 25% so với năm trước đó. Singapore chiếm khoảng một nửa doanh thu này. Philippines, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hạ tầng đám mây hàng năm trên 30%, cao hơn so với mức tăng trưởng trên thị trường toàn cầu và châu Á nói chung. Sutas Kongdumrongkiat, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của chi nhánh của NTT tại Thái Lan, nhận định: “Châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực tăng trưởng quan trọng. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng sử dụng trung tâm dữ liệu ở khu vực này khá lớn, vì vậy, chúng tôi có kế hoạch mở rộng hơn nữa”.
Cách trung tâm Bangkok khoảng một giờ lái xe, dự án Trung tâm dữ liệu Bangkok 3 (BKK3) của NTT sẽ được xây dựng ở khu công nghiệp Amata Nakorn ở tỉnh Chonburi, sát Bangkok. Có diện tích 4.000 mét vuông và có công suất lớn hơn gấp đôi so với trung tâm dữ liệu BKK2, BKK3 dự kiến khai trương vào năm 2024.
Sutas Kongdumrongkiat cho rằng ngay cả khi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây bỏ tiền để xây dựng trung tâm dữ liệu riêng ở khu vực Đông Nam Á, họ không dễ dàng đáp ứng công suất lưu trữ và xử lý dữ liệu trong thời gian ngắn.
Ông nói: “Họ có thể cung cấp dịch vụ đám mây cho khách hàng nhanh chóng hơn nhiều cách sử dụng các trung tâm dữ liệu bên ngoài như của NTT”.
Khi các nền kinh tế đang phát triển nhanh của Đông Nam Á phải vật lộn ứng phó nguồn cung điện không ổn định, NTT nhận thấy nhiều nhu cầu sử dụng trung tâm dữ liệu tăng lên từ các công ty có hoạt động quan trọng, bao gồm cả ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ đám mây.
Trung tâm dữ liệu BKK3 sẽ đáp ứng “tiêu chuẩn cấp 3” với nhiều đường dẫn điện và làm mát, cũng như các hệ thống dự phòng cho phép nhân viên làm việc trên các thiết bị mà không bị ngắt kết nối internet.
Sutas nói thêm rằng NTT đã chuẩn bị quỹ đất ở một khu vực liền kề để sẵn sàng cho nhu cầu mở rộng trong tương lai, bao gồm kế hoạch xây trung tâm dữ liệu thứ 4 và thứ 5 để đáp ứng nhu cầu từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô.
BKK3 là sự bổ sung mới nhất cho dấu ấn của NTT ở Đông Nam Á. Tháng 4 năm ngoái, tập đoàn viễn thông này đã hoàn tất dự án trung tâm dữ liệu thứ ba ở Indonesia, nằm gần Jakarta. NTT dự kiến hoàn thành trung tâm dữ liệu thứ sáu tại trung tâm công nghệ đa phương tiện Cyberjaya ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) có vốn đầu tư hơn 50 triệu đô la.
Cuộc đấu giữa những “tay chơi” Mỹ và Trung Quốc
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đã dẫn đầu về trung tâm dữ liệu. Các công ty bản địa như Telemedia Global Data Centers, được quỹ đầu tư nhà nước Temasek hậu thuẫn, đang mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài, bao gồm cả ở Thái Lank khi nhu cầu trong nước bão hòa.
Thái Lan là thị trường trung tâm dữ liệu lớn thứ hai trong khu vực, với doanh thu 338 triệu đô la vào năm 2022, tiếp theo là Indonesia (313 triệu đô la) và Malaysia (221 triệu đô la), theo dữ liệu của IDC.
Bên cạnh nhu cầu tiêu thụ dữ liệu trực tuyến trong khu vực tăng tốc kể từ đại dịch Covid-19, sự gia nhập của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn trên toàn cầu như Huawei Technologies và Alibaba Cloud của Trung Quốc, cũng như các đối thủ từ Mỹ là một trong những động lực chính của sự tăng trưởng này.
Năm 2018, Huawei nhảy vào thị trường đám mây Thái Lan, cung cấp dịch vụ với giá chỉ bằng 1/3 so với các đối thủ cạnh tranh, Chỉ trong hai năm, công ty này trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn thứ ba ở Thái Lan, chỉ đứng sau AWS và Microsoft.
Huawei cũng đang tìm cách xâm nhập ở các nước khác trong khu vực. Tháng 11 năm ngoái, Huawei đánh dấu bước tiến vào thị trường Indonesia với việc khánh thành một trung tâm dữ liệu mới ở Jakarta. Tập đoàn công nghệ này cam kết đầu tư 300 triệu đô la trong 5 năm tới để nâng cấp hạ tầng đám mây ở Indonesia sau khi mở rộng hoạt động sang Singapore và Thái Lan.
Những “tay chơi” của Mỹ bao gồm AWS, công ty đang thống trị thị trường đám mây ở Đông Nam Á, cũng đang tăng tốc đầu tư. Năm ngoái, AWS công bố khoản đầu tư 5 tỉ đô la vào Thái Lan trong 15 năm tới, sau khi cam kết đầu tư 5 tỉ đô la ở Indonesia.
Dù tăng trưởng nhanh chóng, thị trường hạ tầng đám mây của khu vực vẫn chỉ chiếm 2% doanh thu toàn cầu trong lĩnh vực này. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đang muốn đi xa hơn ngoài dịch vụ lưu trữ dữ liệu giá rẻ bằng cách hướng đến dịch vụ xử lý dữ liệu được lưu trữ với các chức năng bổ sung như máy học và trí tuệ nhân tạo (AI).
Về lâu dài, việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững về môi trường cao hơn sẽ gây khó khăn cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây ở Đông Nam Á. Google đã đặt mục tiêu cung cấp năng lượng cho tất cả các trung tâm dữ liệu đám mây bằng năng lượng không có carbon, 24 giờ/ngày vào năm 2030. Amazon, bao gồm cả AWS, đặt mục tiêu đạt mức phát thải zero ròng vào năm 2040.
Tuy nhiên, các nguồn cung năng lượng tái tạo trong khu vực, kể cả ở các thị trường trưởng thành như Singapore, vẫn còn hạn chế. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trong năm 2022, sản xuất điện của Đông Nam Á chủ yếu dựa vào than và khí đốt, đáp ứng lần lượt 43% và 29% nhu cầu, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 27%.
Prapussorn của IDC nhận định: “Rốt cục, nhu cầu của các công ty trong khu vực sẽ tập trung vào các trung tâm dữ liệu bền vững và hiệu quả hơn. Đây sẽ là mối quan tâm chính khi các công ty xây dựng trung tâm dữ liệu mới”.
Theo Nikkei Asia