Đông Nam Á chuẩn bị cho đối đầu thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc như thế nào?

Hoa Kỳ và Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại sau các thảo luận tại Bắc Kinh trong hai ngày 3 và 4/5. Nguy cơ cuộc chiến thương mại đã hạ nhiệt sau khi Hoa Kỳ nói rằng hai bên có 'các cuộc thảo luận tốt', riêng Trung Quốc đề nghị nhập thêm hàng từ Hoa Kỳ.

Các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu đến hai thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ chịu "thiệt hại kép" nếu chiến tranh thương mại giữa hai gã khổng lồ xảy ra. (Ảnh: Reuters)

Khách mua sắm ở cửa hàng đồ xa xỉ trong một trung tâm thương mại ở thủ đô Jakarta. Thị trường nội địa khổng lồ với hơn 260 triệu dân giúp Indonesia ít bị thiệt hại trong cuộc đối đầu thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. (Ảnh: Washington Post)

Tuy vậy, hai bên vẫn còn tương đối nhiều các bất đồng lớn mà các nhà phân tích nói rằng cần ít nhất là ba tháng để nối lại toàn bộ các đàm phán đã đổ vỡ, nếu tinh thần "thảo luận tốt" tiếp tục được phát huy. Và như vậy, các chuyên gia nói “quả bom chưa được gỡ ngòi hoàn toàn”.

Các nước Đông Nam Á theo dõi chặt chẽ và chuẩn bị trước cho kịch bản xấu nhất khi chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc xảy ra.

Tập trung vào thị trường nội địa, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu

Các cơ quan hoạch định chính sách của Đông Nam Á đang tập trung phát triển thị trường nội địa để tạo tấm đệm hơi cho nền kinh tế nếu cuộc đối đầu thương mại giữa hai gã khổng lồ bùng nổ.

Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất đối với các nền kinh tế Đông Nam Á và là nguồn vốn đầu tư cũng như nguồn khách du lịch quan trọng. Indonesia với thị trường nội địa đủ lớn để thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến. Các nước còn lại như Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan lại phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu và vì thế ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh mâu thuẫn thương mại sẽ có tác động toàn cầu, dù rằng ảnh hưởng trực tiếp đến tổng sản lượng nội địa GDP của Đông Nam Á hiện ở mức rất thấp.

“Cơ cấu GDP của chúng tôi phần lớn tạo thành từ sức tiêu thụ nội đìa và chính phủ đang thúc đẩy đầu tư để đa dạng hóa sức phát triển của nền kinh tế ngoài việc tập trung vào đầu kéo là xuất khẩu”, bà Indrawati nói. Từng là giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB), Indrawati tin rằng các bất đồng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nên giải quyết trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hơn là dựng nên hàng rào thuế quan của hai bên.

Bà Indrawati lạc quan rằng mục tiêu tăng trưởng GDP của Indonesia trong năm nay sẽ đạt 5,4%, tăng nhẹ so với mức 5,1% của năm 2017.

Thắt chặt kiểm soát tiền tệ và tìm cách đàm phán

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Veerathai Santiprabhob nói nước này đang kiểm soát sự gia tăng giá trị của đồng baht để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng. “Là ngân hàng trung ương, chúng tôi phải bảo đảm rằng sự tăng giá của đồng nội tệ không làm tổn thương nền kinh tế. Chúng tôi rất cẩn trọng về ảnh hưởng của việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, bao gồm biến động thị trường tiền tệ và sự tăng giá của đồng baht” – ông Veerathai phát biểu.

Còn Malaysia đang tìm cách để “né” các mức thuế Hoa Kỳ đánh vào nhôm và thép của nước này, đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ làm rõ mức thuế đối với thiết bị năng lượng mặt trời.

Các nền kinh tế khác ở châu Á cũng lo ngại về ảnh hưởng của cuộc chiến. Paul Chen – Bộ trưởng Tài chính Hong Kong (Trung Quốc) - viết trên blog rằng mâu thuẫn giữa hai gã khổng lồ “chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại khác” và ảnh hưởng đến nền kinh tế đặc khu. Năm ngoái, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ thông qua ngã Hong Kong chiếm 7% xuất khẩu của lãnh thổ này.

Ngành công nghiệp điện tử và chất bán dẫn của Philippines - vốn mang về khoảng 33 tỷ USD mỗi năm, chiếm tỷ trọng hơn 50% xuất khẩu - sẽ bị "tổn hại kép" nếu chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra. (Ảnh: Washington Post)

Philippines là quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất

Philippines là quốc gia ASEAN chịu nhiều thiệt hại nhất nếu cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ diễn ra.

Theo số liệu của RHB Bank Bhd – một trong bốn ngân hàng lớn nhất của Malaysia, tỷ trọng xuất khẩu của Philippines sang thị trường Trung Quốc chiếm đến 16,9%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Malaysia là 11,4%, Indonesia 10,9%, Thái Lan 6,8%, Singapore 5% và Việt Nam chỉ 2,2%.

RHB nói ngành điện tử và điện máy của Philippines sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất.

Hiệp hội Điện tử và chất bán dẫn Philippines (Seipi) nói nền kinh tế nước này chịu thiệt hại nặng nề nếu chiến tranh thương mại xảy ra. Philippines xuất khẩu linh kiện điện tử sang cả Hoa Kỳ và Trung Quốc và sau đó, các sản phẩm hoàn chỉnh được hai gã lớn xuất sang thị trường của nhau.

Theo số liệu của Seipi, sản phẩm điện tử vốn chiếm hơn 50% xuất khẩu của Philippines và đạt hơn 32,7 tỷ USD trong năm ngoái – mức cao kỷ lục. Trong đó, thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ (đứng thứ hai) và Trung Quốc (đứng thứ ba) mỗi nơi chiếm hơn 12%.

Danilo Lachica, chủ tịch của Seipi, nói với tờ The Inquirer rằng về lâu dài chắc chắn khách hàng sẽ tìm nguồn hàng rẻ hơn để thay thế do hàng của Philippines bị đánh thuế hai đầu. Và doanh thu của ngành sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông hy vọng “những cái đầu ôn hòa sẽ thắng thế và vì thế chúng ta tránh được cuộc chiến thương mại to lớn”.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/dong-nam-a-chuan-bi-cho-doi-dau-thuong-mai-hoa-ky--trung-quoc-nhu-the-nao-d67138.html