Động lực từ đổi mới
Sau 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) và hơn 30 năm hội nhập phát triển, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước) đã dày công xây dựng để lại di sản quý giá với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc. Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước, xếp hàng thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng số vốn hơn 42,6 tỷ đô la Mỹ.
Vượt khó trong phát triển
Trong giai đoạn hòa bình, tái thiết đất nước, cùng với các địa phương trong khu vực và cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé (trước đây) và Bình Dương hiện nay đã không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn để xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, dịch vụ của Bình Dương phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong ảnh: Tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua TP.Bến Cát. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Tỉnh Sông Bé (gồm 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước hiện nay) sau ngày thống nhất đất nước, cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp. Lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là chế biến nông sản mủ cao su, cà phê, hạt điều, khai thác gỗ và một số ngành nghề thủ công truyền thống quy mô nhỏ. Về thương mại - dịch vụ chưa phát triển, mạng lưới thương mại còn hạn chế, chủ yếu là trao đổi hàng hóa nông sản và các mặt hàng thiết yếu. Sự tàn phá trong chiến tranh để lại cơ sở hạ tầng yếu kém cùng sự đầu tư hạn chế khiến cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Sông Bé đã có những nỗ lực khôi phục kinh tế sau chiến tranh và bắt đầu có những chuyển dịch nhất định. Đến năm 1997, sau khi chia tách ra thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, cơ cấu kinh tế của 2 tỉnh này đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, Bình Dương trở thành một trong những địa phương của cả nước đã chuyển mình mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Giai đoạn 1991-1996, tỉnh Sông Bé xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu, hướng tới mục tiêu đạt mức sống khá giả cho người dân. Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, sáng tạo, lần lượt các KCN ra đời, như KCN Bình Đường, KCN Sóng Thần 1, KCN VSIP 1… đặt nền móng đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nhớ lại trong giai đoạn 1991-1996, tỉnh Sông Bé đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của tổng sản phẩm trong tỉnh, cụ thể năm 1996 đạt trên 2.324 tỷ đồng, tăng gấp 61 lần so với năm 1991; thu nhập bình quân đầu người năm 1996 đạt 3.132.000 đồng. Đến nay, Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người đạt 182,6 triệu đồng/năm. Xuyên suốt các giai đoạn, trong cơ cấu kinh tế tỉnh xác định công nghiệp đóng vai trò chủ đạo và chủ trương phát triển các khu công nghiệp (KCN) làm đòn bẩy, động lực tăng trưởng chính của địa phương. Lãnh đạo tỉnh Sông Bé khi đó thực hiện chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư”, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, các KCN thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển công nghiệp gắn bảo đảm an sinh xã hội
Bình Dương sớm xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư; trong đó KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) 1, được thành lập từ 1996, đã đặt nền móng cho sự phát triển công nghiệp xanh, sản xuất xanh của tỉnh theo quy chuẩn môi trường của Singapore. Chính việc quan tâm phát triển hạ tầng đồng bộ, xử lý môi trường trong quá trình sản xuất đã góp phần xây dựng được thương hiệu VSIP, không những trong nước mà còn lan tỏa đến các nhà đầu tư lớn trong và nước ngoài. Nổi bật như Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đầu tư 1,3 tỷ đô la Mỹ tại KCN VSIP 3, Tập đoàn Trường Hải đầu tư KCN hơn 1 tỷ đô la Mỹ tại huyện Bắc Tân Uyên…

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại tạo lực đẩy để Bình Dương bứt phá phát triển. Trong ảnh: Đại lộ Bình Dương đoạn qua TP.Thuận An
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, chia sẻ những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước Bình Dương được biết đến là vùng đất thuần nông, thu ngân sách hàng năm còn khiêm tốn. Trước những khó khăn như thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, hạ tầng yếu kém, đã đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà một bài toán khó, đó là làm thế nào để thúc đẩy Bình Dương từ vùng đất thuần nông trở thành một vùng đất phát triển, khai mở tiềm năng và cơ hội, tạo dựng thế và lực để bứt phá đi lên.
Ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Hưng Thịnh, chủ đầu tư KCN Đồng An, cho hay năm 1996, khi nắm bắt được chủ trương mời gọi đầu tư của tỉnh Sông Bé ông đã đến đây để tìm hiểu thực tế, gặp gỡ lãnh đạo tỉnh. “Tiếp chúng tôi là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé và các lãnh đạo tỉnh. Các vị lãnh đạo rất ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chúng tôi đến đầu tư. Nhờ đó, năm 1997 KCN Đồng An chính thức đi vào hoạt động”, ông Lân chia sẻ. Cũng theo ông Bùi Mạnh Lân, chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” của tỉnh là điều kiện để đưa Bình Dương ngày nay phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Sau chặng đường 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và hơn 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển, có thể khẳng định các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã để lại những thành tựu, những di sản rất đáng tự hào, nhất là trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/dong-luc-tu-doi-moi-a345701.html