Chính sách thuế nội địa phù hợp giúp doanh nghiệp ứng phó biến động vĩ mô do thuế quan của Mỹ

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nguy cơ từ việc tăng thuế của Mỹ đối với hàng xuất khẩu đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách tài chính trong nước, điển hình như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cần được đặt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại và thận trọng xem xét với lộ trình phù hợp hơn.

Nguy cơ từ việc tăng thuế của Mỹ đối với hàng xuất khẩu đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Nguy cơ từ việc tăng thuế của Mỹ đối với hàng xuất khẩu đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Những ngày gần đây, nền kinh tế Việt Nam “phập phồng” dõi theo những diễn biến phức tạp từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Thông tin về việc Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế đối ứng lên một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam, dù đã tạm hoãn thi hành 90 ngày và giảm mức thuế dự kiến xuống 10%, vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác động tiêu cực tiềm ẩn.

“Gọng kìm” thuế quan gây xáo trộn lớn

Thời gian tạm hoãn mang đến một "khoảng thở" quý giá để Việt Nam có cơ hội đàm phán, nhưng sự bất định về mức thuế cuối cùng, cũng như khả năng chính sách này quay trở lại sau 90 ngày, đòi hỏi Việt Nam phải có những đánh giá và chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kịch bản xấu nhất.

Những lo ngại về tác động của thuế quan Mỹ lên nền kinh tế Việt Nam không phải là không có cơ sở. Mới đây, Ngân hàng UOB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay xuống còn 6%, thay vì mức 7% dự báo trước đó, chủ yếu do những rủi ro và áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Do đó, việc Việt Nam đồng thời xem xét lại chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong nước, nhất là lộ trình và mức tăng đã được định hướng, trở nên hết sức cần thiết. Theo những phân tích từ giới chuyên gia và phản ánh từ chính các doanh nghiệp, áp lực thuế quan gia tăng đột ngột sẽ “bào mòn” đáng kể lợi nhuận, thậm chí đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế thua lỗ.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ chịu thuế rất cao từ Mỹ.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ chịu thuế rất cao từ Mỹ.

Bài học nhãn tiền từ những đợt áp thuế trước đây đã cho thấy rõ điều này. Các doanh nghiệp phải gồng mình tìm cách xoay xở, từ việc cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế, đến việc thu hẹp quy mô hoạt động. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, việc tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí thuế quan có thể khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh, dẫn đến giảm sút đơn hàng và thị phần.

Hệ lụy kéo theo không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ hoặc thu hẹp, người lao động sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Việc cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, hoặc thậm chí là đóng cửa nhà máy có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Theo số liệu thống kê, các ngành xuất khẩu sang Mỹ, như đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ, tạo ra một lượng lớn việc làm cho người dân Việt Nam. "Cú sốc" từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây ra những xáo trộn lớn trong thị trường lao động, làm gia tăng gánh nặng an sinh xã hội.

Trong bối cảnh bất lợi về thuế quan, một xu hướng đáng lo ngại khác là việc doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ cân nhắc dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác trong khu vực có mức thuế suất ưu đãi hơn.

Việt Nam đã từng là một điểm đến hấp dẫn nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh và các chính sách thu hút đầu tư. Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột trong chính sách thuế quan của một đối tác thương mại lớn như Mỹ có thể làm thay đổi cán cân lợi thế này.

Việc các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất không chỉ làm giảm sút nguồn thu ngân sách từ thuế và các hoạt động kinh tế liên quan, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập khả dụng của toàn bộ nền kinh tế. Khi các nhà máy đóng cửa và người lao động mất việc làm, tổng cầu của nền kinh tế sẽ suy giảm, kéo theo sự sụt giảm trong tiêu dùng và đầu tư. Vòng xoáy suy giảm kinh tế có thể hình thành nếu không có những biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Các sản phẩm gây nghiện như thuốc lá, khi tăng thuế cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các sản phẩm thuốc lá lậu có giá rẻ hơn và không rõ nguồn gốc.

Các sản phẩm gây nghiện như thuốc lá, khi tăng thuế cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các sản phẩm thuốc lá lậu có giá rẻ hơn và không rõ nguồn gốc.

Trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng, người dân sẽ có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nhất là đối với các mặt hàng không thiết yếu. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm gây nghiện như thuốc lá, nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay lập tức. Thay vì mua các sản phẩm có thương hiệu và chịu thuế đầy đủ, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các sản phẩm thuốc lá lậu có giá rẻ hơn và không rõ nguồn gốc. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn làm gia tăng tình trạng buôn lậu, gây bất ổn cho thị trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Cân nhắc lộ trình, mức thuế tiêu thụ đặc biệt

Mục tiêu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thường hướng đến việc tăng nguồn thu ngân sách và hạn chế tiêu dùng các sản phẩm không khuyến khích. Tuy nhiên, thời điểm và mức độ tăng thuế cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều biến động.

Lấy ví dụ mặt hàng bia rượu, việc tăng thuế có thể làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước so với hàng nhập khẩu, cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch và dịch vụ liên quan. Đối với ô-tô pickup, đây là phương tiện phục vụ cho nhiều ngành kinh tế khác nhau, nhất là ở khu vực nông thôn và các ngành xây dựng, vận tải. Việc tăng thuế có thể làm tăng chi phí đầu vào cho các ngành này, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế.

Ô-tô pickup là phương tiện phục vụ nhiều ngành kinh tế, nhất là các ngành xây dựng, vận tải, việc tăng thuế có thể làm tăng chi phí đầu vào cho các ngành này.

Ô-tô pickup là phương tiện phục vụ nhiều ngành kinh tế, nhất là các ngành xây dựng, vận tải, việc tăng thuế có thể làm tăng chi phí đầu vào cho các ngành này.

Tương tự mặt hàng thuốc lá, việc tăng thuế quá cao và đột ngột như dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay, kèm theo xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng do ảnh hưởng của thuế quan từ Mỹ như phân tích ở trên, sẽ càng đẩy người tiêu dùng đến các sản phẩm lậu, kích thích mạnh mẽ hơn nữa hoạt động buôn bán thuốc lá bất hợp pháp, vốn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam lâu nay.

Thuốc lá lậu không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước, mà còn không bảo đảm chất lượng, gây hại gấp nhiều lần sức khỏe người tiêu dùng và gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao và đột ngột càng làm gia tăng khoảng cách giá với thuốc lá hợp pháp, tạo ra lợi nhuận kếch sù cho các đối tượng buôn lậu, gây những hệ lụy sâu rộng cho an ninh, trật tự xã hội.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao và đột ngột với thuốc lá làm gia tăng khoảng cách giá với thuốc lá hợp pháp, gây hệ lụy sâu rộng cho an ninh, trật tự xã hội.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao và đột ngột với thuốc lá làm gia tăng khoảng cách giá với thuốc lá hợp pháp, gây hệ lụy sâu rộng cho an ninh, trật tự xã hội.

Đồng thời, sinh kế của hàng chục nghìn hộ nông dân ở nhiều vùng trồng nguyên liệu trên cả nước cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Khi sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm sút do thuế và thuốc lá lậu, nhu cầu về nguyên liệu lá thuốc cũng giảm theo. Điều này dẫn đến tình trạng sản lượng và giá thu mua lá thuốc giảm sút, khiến sự ổn định của các vùng kinh tế chuyên canh bị đe dọa, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và các chương trình phát triển nông thôn.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ từ chính sách thương mại của Mỹ, việc giữ ổn định kinh tế trong nước trở nên hết sức quan trọng. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số mà Chính phủ đã đề ra có thể bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố bên ngoài (thuế quan của Mỹ) và yếu tố bên trong (chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong nước). Phương án tăng thuế tiêu thụ hiện tại cho các ngành rượu bia, thuốc lá, nước giải khát có đường và ô-tô đều là có mức tăng cao và lộ trình tăng sốc.

Phương án tăng thuế tiêu thụ hiện tại hiện tại cho các ngành rượu bia, thuốc lá, nước giải khát có đường và ô-tô đều là có mức tăng cao và lộ trình tăng sốc.

Phương án tăng thuế tiêu thụ hiện tại hiện tại cho các ngành rượu bia, thuốc lá, nước giải khát có đường và ô-tô đều là có mức tăng cao và lộ trình tăng sốc.

Do đó, các chuyên gia kinh tế đề nghị cơ quan quản lý cần chủ động lên kế hoạch và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Việc xem xét lại, điều chỉnh chính sách tài chính trong nước, nhất là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, là khía cạnh hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Kỳ họp tháng 5/2025, Quốc hội sẽ thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và trong trường hợp vẫn thông qua đề xuất hiện tại, sẽ tạo ra hệ lụy nặng nề đối với ngành sản xuất các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt này.

Vì vậy, các mức thuế và lộ trình tăng cần được cân nhắc một cách thận trọng để có mức tăng và lộ trình hợp lý, tránh tạo ra “cú sốc kép” cho doanh nghiệp và ảnh hưởng mục tiêu phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Việc ổn định chính sách thuế trong nước, xem xét giãn lộ trình và giảm mức tăng thuế được các chuyên gia nhận định là giải pháp hợp thời thế.

Chính sách thuế nội địa ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian và nguồn lực để ứng phó biến động từ bên ngoài, bảo vệ việc làm cho người lao động. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tiếp tục nỗ lực đối thoại và đàm phán quốc tế nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của đối tác thương mại.

Trong bối cảnh “bão” thuế quan rình rập, sự thận trọng và linh hoạt trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách thuế trong nước, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giữ ổn định và phát triển bền vững nền kinh tế.

TRANG LY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chinh-sach-thue-noi-dia-phu-hop-giup-doanh-nghiep-ung-pho-bien-dong-vi-mo-do-thue-quan-cua-my-post874159.html