Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững
Với quan điểm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), sau 25 năm tái lập tỉnh, từ chỗ quy mô nền kinh tế nhỏ, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mức sống của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống, tạo cú bứt phá ngoạn mục về vị thế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của vùng và cả nước.
Sớm xác định phương châm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, dịch vụ du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn để tạo những bước chuyển mạnh mẽ về KT - XH trong từng giai đoạn.
Cụ thể: Giai đoạn 1997- 2000, thực hiện phương hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra: “Tập trung mọi nguồn lực tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển CN, TTCN trên địa bàn, hướng chủ yếu là phát triển mạnh CN có vốn đầu tư nước ngoài...”, Vĩnh Phúc đã áp dụng thành công chính sách “Trải thảm đỏ”, “Đi tắt đón đầu”; tập trung các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Kim Hoa, CCN Khai Quang và CCN Quang Minh, nhằm tạo quỹ đất thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); thu hút được một số dự án quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển CN sau này...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2001 - 2005, với việc xác định: “Đẩy mạnh tiến độ quy hoạch, phát triển các KCN tập trung; trong đó đẩy mạnh quy hoạch, thu hút đầu tư nước ngoài, giải phóng mặt bằng”, Vĩnh Phúc có những chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các chủ dự án hạ tầng xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các KCN, tạo bước ngoặt trong thu hút các dự án lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện - điện tử, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy.
Giai đoạn 2006 - 2010, thực hiện chủ trương “Tập trung phát triển CN và coi CN làm nền tảng của nền kinh tế nhằm tạo sự tăng trưởng cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tăng thu cho ngân sách Nhà nước và kích thích các ngành dịch vụ, nông nghiệp phát triển; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn”, Vĩnh Phúc dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài các khu, CCN, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và thu hút được lượng FDI lớn nhất kể từ khi tái lập tỉnh.
Tạo sự chuyển biến về chất, giai đoạn 2011 - 2015, với việc xác định: “Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI”, Vĩnh Phúc tập trung thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ sạch, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm đất, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh thu hút các dự án du lịch, dịch vụ nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, tạo sự phát triển bền vững.
Đây là nền tảng quan trọng để Vĩnh Phúc “Phấn đấu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước, cơ bản hoàn thành khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020.
Giai đoạn này, chính sách của tỉnh tập trung thu hút dự án đầu tư vào các KCN hiện có; ưu tiên các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao. Chủ động quỹ đất để xây dựng các KCN mới theo yêu cầu của thị trường, phù hợp quy hoạch được duyệt. Từng bước thành lập mới và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các KCN: Thăng Long Vĩnh Phúc, Tam Dương II, Sông Lô 1, Chấn Hưng...
Tiếp nối thành công, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước”.
Để thực hiện mục tiêu này, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra là: "Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo" và 1 trong 3 "khâu đột phá" được xác định là: "Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước".
Giai đoạn này, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình CNH, HĐH của tỉnh.
Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để tạo điều kiện để thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo; cộng với đổi mới thu hút FDI theo hướng chọn lọc, chất lượng cao, là sự đảm bảo yêu cầu về liên kết, thị trường... trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhờ những chính sách mang tính đột phá, sau 25 năm tái lập, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.
Trước những làn sóng đầu tư mới, các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh cũng thay đổi linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp Vĩnh Phúc tạo được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển KT - XH nhanh và bền vững.